Đồng bộ hóa tuyến đường xuyên Việt
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 8357/BGTVT-KHĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Dự án mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1A, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF).
Tại công văn này, Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề xuất dự án mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1A sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua EDCF.
“Dự án nằm trong danh mục các dự án giao thông trọng điểm, liên kết vùng, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Điểm nổi bật tại Dự án mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1A là việc Bộ GTVT đề xuất đầu tư xây mới đơn nguyên một số công trình để mở rộng từ 2 làn xe lên 4 làn xe, gồm 4 cầu: Xương Giang (Km112+415) bắc qua sông Thương, tỉnh Bắc Giang; Như Nguyệt (Km126 +775) bắc qua sông Cầu, tỉnh Bắc Ninh; Gianh (Km625+500) bắc qua sông Gianh, tỉnh Quảng Bình; Quán Hàu (Km671+500), bắc qua sông Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình và hầm Đèo Ngang (Km591+550), tỉnh Quảng Bình.
Trước đó, từ năm 1993, thông qua các nguồn vốn ODA, Quốc lộ 1A đã được nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp III, quy mô 2 làn xe trên toàn tuyến. Từ năm 2012 - 2016, Bộ GTVT đã từng bước triển khai hoàn thành mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ lên quy mô 4 làn xe bằng vốn ngân sách và vốn đầu tư tư nhân theo hình thức BOT.
Đối với các công trình cầu vượt sông, sau khi khánh thành cầu Cần Thơ thay thế cho phà Cần Thơ vào năm 2010, Bộ GTVT đã liên tục triển khai nhiều dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu trên Quốc lộ 1A bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Mặc dù vậy, trên tuyến hiện vẫn còn tồn tại một số vị trí cầu, hầm có quy mô, tải trọng nhỏ hơn quy mô, tải trọng chung toàn tuyến. Đây là những nút cổ chai trên Quốc lộ 1A gây mất an toàn giao thông, giảm năng lực thông hành, trong đó trầm trọng nhất là tại các cầu: Xương Giang, Như Nguyệt, cầu Gianh, cầu Quán Hàu và hầm đường bộ Đèo Ngang - những công trình được đầu tư xây dựng từ những năm 1998 - 2004 với quy mô 2 làn xe.
Theo tính toán của Bộ GTVT, tổng mức đầu tư Dự án mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1A vào khoảng 2.223 tỷ đồng, tương đương 96,7 triệu USD, trong đó hơn 80% chi phí được dành cho công tác xây dựng.
“Nếu công tác chuẩn bị đầu tư thuận lợi, Dự án có thể khởi công xây dựng vào năm 2022, hoàn thành vào năm 2025”, đại diện Ban Quản lý dự án 2, đơn vị đang chuẩn bị đầu tư Dự án cho biết.
Khó gọi vốn PPP
Một điểm khá đặc biệt tại Dự án mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1A là có tới 2 công trình cầu trên tuyến đang nằm trong địa phận của Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Hà Nội - Bắc Giang là Xương Giang và Như Nguyệt.
Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã giao nhà đầu tư, tư vấn nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng 2 cầu nêu trên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trường hợp bổ sung chi phí đầu tư mở rộng 2 cầu vào Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Hà Nội - Bắc Giang sẽ dẫn tới vỡ phương án tài chính do thời gian thu phí hoàn vốn kéo dài trên 30 năm.
Bản thân nhà đầu tư cũng đã từ chối bổ sung 2 công trình cầu vào dự án BOT và đề nghị Bộ GTVT triển khai đầu tư sớm bằng vốn ngân sách để đồng bộ tuyến đường hiện đã được đầu tư mở rộng đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, quy mô 4 làn xe.
Đối với hầm Đèo Ngang, dù hiện nay công trình này đã hết thời gian thu phí hoàn vốn (năm 2015) và được bàn giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý khai thác, nhưng Bộ GTVT cũng không thể tiến hành đầu tư, mở rộng theo hình thức BOT do tại Nghị quyết số 437/NQUBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết nghị: “Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu”.
Theo Bộ GTVT, Dự án mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1A không có khả năng vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á do Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, trong khi phía Nhật Bản lại đang dành sự quan tâm cho công trình cầu Đại Ngãi.
“Tại thời điểm này, vay vốn của EDCF là sự lựa chọn phù hợp nhất cho Dự án. Qua trao đổi sơ bộ, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Keximbank) cũng đã bày tỏ sự quan tâm về việc tài trợ cho công trình”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
EDCF hiện là nhà tài trợ song phương lớn cho ngành GTVT với khoảng 60% nguồn vốn dành cho phát triển GTVT. Trong thời gian qua, EDCF đã cam kết tăng tài trợ vốn vay cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông. Chính sách của EDCF cũng cho phép doanh nghiệp Việt Nam tham gia các dự án có nguồn vốn của EDCF, đồng thời cũng nới lỏng hơn chính sách vay và các quy định về vốn vay. Hiện lãi suất vay EDCF trung bình khoảng 0,15%/năm; thời gian trả nợ dài (từ 30 năm đến 40 năm), không tính phí cam kết đối với khoản vay.