Làm gì để TTCK Việt Nam có thể thu hút thêm vốn đầu tư, nhà đầu tư nhỏ lẻ được bảo vệ tốt hơn để có thể gắn bó dài hạn với thị trường? Nâng hạng là kịch bản đẹp, đặt ra nhiều kỳ vọng cho các thành viên trong năm mới. Tuy nhiên, quan trọng hơn lại chính là sự chuẩn bị và nội lực của chúng ta đủ tốt để được đưa vào các bảng xếp hạng khu vực và thế giới.
Nếu nhìn lại năm 2014, chỉ số VN-Index đạt 540 điểm vào ngày giao dịch cuối năm không đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư và thị trường khi trước đó, nhiều thành viên đều có niềm tin về một kịch bản sẽ đạt mốc 600 điểm.
Thành tích thanh khoản cũng cần được nhìn nhận đúng đắn, bởi trong nhiều phiên giao dịch, thanh khoản chỉ tập trung ở rất ít mã chứng khoán, trong đó có nhiều mã đầu cơ. Trong năm, chúng ta có thể nhìn rõ 2 con sóng giảm xuất phát từ sự kiện biển Đông hồi tháng 5 và sự ra đời của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, trùng với thời điểm giá dầu tuột dốc.
Trong mỗi con sóng ấy, thị trường đều giảm xấp xỉ 100 điểm. Điều này cho thấy, TTCK Việt Nam rất dễ bị tổn thương và thiếu các lực cầu mang tính dẫn dắt. Dòng vốn trên TTCK chủ yếu là dòng vốn của các nhà đầu tư cá nhân và ngắn hạn. Thị trường phải có những luồng vốn mới, đủ khỏe, đủ dài hạn mới có thể cân bằng.
Về câu chuyện nâng hạng thị trường, chúng tôi cho rằng, đây là một động lực rất lớn và có thể tạo ra nhiều thay đổi với TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến những mục tiêu xa xôi, có lẽ chúng ta cần nhìn lại mình, chuẩn hóa lại mình để củng cố nội lực. Tự chúng ta phải tốt lên đã.
Để làm được điều đó, có rất nhiều việc cần thực hiện. Theo tôi, chúng ta cần soi lại chức năng quan trọng nhất của TTCK, đó là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Năm qua, trên TTCK có không ít doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh không tốt mà vẫn huy động được vốn, liệu đồng vốn này có được sử dụng đúng mục đích, sinh lời hiệu quả, đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư?
Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ được nhà đầu tư, giữ niềm tin lâu dài của họ với thị trường? Nếu tôi nhớ không nhầm thì đã từng có tuyên bố từ cơ quan quản lý rằng, cần kiểm tra việc sử dụng vốn của những tổ chức phát hành tăng vốn, nếu sử dụng không đúng mục đích sẽ yêu cầu doanh nghiệp hoàn trả lại tiền cho nhà đầu tư.
Nếu làm được điều này, mạnh tay với các trường hợp sử dụng vốn sai mục đích, dòng vốn mới chảy vào đúng địa chỉ, vào hoạt động sản xuất - kinh doanh trực tiếp của doanh nghiệp, tạo ra sự luân chuyển lành mạnh, bền vững của dòng tiền. Tuy nhiên, đây cũng là cuộc chơi của các nhà đầu cơ, họ không quan tâm đến phương án sử dụng vốn của doanh nghiệp mình góp vào, mà họ chỉ thực hiện mua bán cổ phiếu nhằm hưởng chênh lệch giá.
Nếu nội tại thị trường của chúng ta tốt, tôi tin nhà đầu tư sẽ tự động đến với thị trường. Nếu xếp hạng thị trường cao nhưng nội tại yếu, nhà đầu tư sẽ mất niềm tin, hậu quả xấu hơn rất nhiều.
Với những gì chúng ta đang nỗ lực, có thể TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng vào năm 2016. Cá nhân tôi tin rằng, TTCK Việt Nam đang ở giai đoạn tăng giá và có thể sẽ bùng nổ như giai đoạn cuối năm 2006, đầu năm 2007. Bởi vậy, SHBS xem năm 2015 là khoảng thời gian để chuẩn bị các điều kiện, củng cố năng lực cạnh tranh nhằm đón đầu cơ hội. Còn TTCK năm 2015, cá nhân tôi nhìn nhận sẽ là một năm thị trường đi ngang, khó có nhiều đột biến.
Thực tế, nền kinh tế vĩ mô Việt Nam đang khởi sắc, thặng dư thương mại tốt, kiều hối năm 2014 về kỷ lục 11 tỷ USD (cao nhất từ trước đến nay). Giá dầu giảm sẽ tạo ra những tác động tích cực, chứ không tiêu cực như nhiều nhà đầu tư suy nghĩ, bởi có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp ngành dầu khí, nhưng các ngành khác lại đang hưởng lợi. Năm qua, ngành ngân hàng đã xử lý rất tốt câu chuyện hệ thống, làm được những vấn đề cơ bản, bởi vậy, bước vào năm 2015, đây sẽ là ngành trụ cột, ổn định, giúp cho nền kinh tế khởi sắc.
Tuy nhiên, chúng tôi đã nghiên cứu các TTCK trên thế giới và thấy một điểm chung rằng, ở bất kỳ thị trường nào có các sự kiện lớn trong hoạt động chính trị thì năm đó thị trường khó có những đột biến, sự khởi sắc chỉ có sau khi nền kinh tế đó ổn định được bộ máy, hoàn thiện các chính sách điều hành vĩ mô.