Đón làn sóng FDI mới - cơ hội và thách thức

Bên cạnh quyết tâm chính trị, còn nhiều việc phải làm để Việt Nam thực sự là điểm đến tin cậy của nhà đầu tư nước ngoài, nhất là đang xuất hiện cơ hội đón làn sóng đầu tư mới.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019, hiệp hội doanh nghiệp của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã khẳng định cam kết phát triển lâu dài tại Việt Nam. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019, hiệp hội doanh nghiệp của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã khẳng định cam kết phát triển lâu dài tại Việt Nam.

Cấu phần quan trọng của nền kinh tế

Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam năm 1991, với sự xuất hiện của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đảng và Nhà nước ta đã gửi một thông điệp quan trọng tới các nhà đầu tư nước ngoài rằng, Việt Nam đang đổi mới, mở cửa, khuyến khích và thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế.

Gần 30 năm sau, Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành một nghị quyết riêng về thu hút đầu tư nước ngoài - Nghị quyết 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Điều đó cho thấy, Việt Nam thực sự coi đầu tư nước ngoài là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế và tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế và xã hội.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên diễn ra vào tháng 1/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tổng kết những thành tựu của các doanh nghiệp FDI trong năm 2019, với số vốn giải ngân đạt 20,4 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay và tổng vốn đăng ký hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Tại sự kiện, hiệp hội doanh nghiệp của các nước Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh quốc, Australia, Ấn Độ và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng đã lần lượt khẳng định cam kết phát triển lâu dài tại thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp và đóng góp các ý kiến để thúc đẩy phát triển môi trường pháp lý, hạ tầng cơ sở vật chất và nhân tài để xây dựng sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã và đang có những ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế thế giới. Các dự báo kinh tế đều cho thấy một bức tranh ảm đạm với tốc độ tăng trưởng ở mức âm tại nhiều cường quốc lớn. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới quý 1/2020 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), do hậu quả của đại dịch, nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ giảm 3% trong năm 2020, nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Mặc dù vậy, từ đại dịch này, nhiều quốc gia và tập đoàn kinh tế lớn đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá. Một trong những bài học là sự cần thiết phải đa dạng hóa các nguồn cung, tránh phụ thuộc vào một nền kinh tế, hay một quốc gia để giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng.

Đây chính là cơ hội vàng hiếm có cho các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Thành công của Việt Nam trong kiểm soát đại dịch Covid-19 và những chính sách tích cực nhằm khôi phục kinh tế đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn kinh tế lớn toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới?

Cơ hội và thách thức

Bên cạnh những lợi thế cạnh tranh nổi bật như tính ổn định về chính trị, thị trường tiêu thụ lớn, Chính phủ đổi mới và lực lượng lao động dồi dào với chi phí cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nhà đầu tư vẫn còn những quan ngại liên quan đến sự thiếu ổn định về chính sách, các quy định pháp luật chưa rõ ràng và thiếu minh bạch, gây ra những khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện; hạ tầng cho các hoạt động logistic chưa phát triển đồng bộ; nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao còn hạn chế…

Có những thách thức mang tính khách quan, đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực tài chính để giải quyết, nhưng cũng có những thách thức mang tính chủ quan và hoàn toàn có thể khắc phục được nếu có quyết tâm cao và sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp FDI. Một số vấn đề mà các nhà đầu tư đều quan ngại là tính ổn định của các chính sách thuế, sự phù hợp về các tiêu chuẩn kế toán của Việt Nam với các tiêu chuẩn quốc tế, tính minh bạch trong thực thi các quy định pháp luật về thuế và kế toán và các biện pháp bảo hộ đầu tư.

Cần thiết phải có một cơ chế giải quyết những mâu thuẫn trong việc diễn giải và thực thi pháp luật, cũng như trong quá trình thanh, kiểm tra doanh nghiệp.   

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019, ông Takahisa Onose, đại diện Nhóm Công tác thuế và hải quan cho rằng, Việt Nam cần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư bằng những cơ chế chính sách công bằng và hợp lý dựa trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cốt lõi trong lĩnh vực thuế và kế toán, như khấu trừ chi phí hợp lý, ghi nhận doanh thu, định giá mua bán ngoài cho những giao dịch liên quan đến các khu vực tài phán có thuế suất khác...

Bên cạnh đó, ông Takahisa cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cơ chế giải quyết những mâu thuẫn trong việc diễn giải và thực thi pháp luật, cũng như trong quá trình thanh, kiểm tra doanh nghiệp.

“Quyền được khiếu nại độc lập không thông qua hệ thống tòa án đối với các quyết định hay kết luận về thuế là một nguyên tắc cơ bản tồn tại ở gần như tất cả các khu vực tài phán và Việt Nam cũng nên có quy định này. Đồng thời, chỉ nên áp dụng các biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc như phong tỏa tài khoản ngân hàng sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp khắc phục hợp lý và quy trình khiếu nại đã kết thúc”, ông Takahisa nói.

Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp ở Việt Nam hầu như không có cơ hội khiếu nại các quyết định hay kết luận thanh tra thuế trước khi cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế như phong tỏa tài khoản hay vô hiệu các hóa đơn giá trị gia tăng. Đến những “ông lớn” như Unilever, Sabeco... đều đã phải kêu cứu lên tận Thủ tướng để được hoãn những quyết định cưỡng chế của cơ quan thuế hay kiểm toán, nếu không, hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Chính vì vậy, quyền được khiếu nại và giải quyết khiếu nại với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn độc lập và những cơ hội được đối thoại, giải trình với các cơ quan quản lý ở các cấp cần được coi là những quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư vào một môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý.

Hoàng Anh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục