Nhọc nhằn xin lập trường
Những vướng mắc, khó khăn và nỗi khổ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục được các nhà đầu tư trực tiếp phản ánh mới đây là minh chứng sống động, điển hình nhất cho thấy sự trì trệ trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Ngay tại lĩnh vực giáo dục, vốn được khuyến khích đầu tư và xã hội hóa ở mức cao, thể hiện rõ trong những quy định khuyến khích ưu đãi đầu tư vào giáo dục tại Luật Đầu tư và các cam kết WTO trong việc mở cửa và cho phép tỷ lệ sở hữu của khu vực tư nhân nói chung, nhà đầu tư nước ngoài nói riêng ở mức cao nhất (lên tới 100%), thì thực tế các doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn phải đối mặt với rất nhiều rào cản để có thể tham gia đầu tư, cũng như thành lập cơ sở giáo dục tại Việt Nam.
Theo đó, không ít nhà đầu tư phản ánh việc gặp phải các trở ngại như thủ tục phức tạp, nhiều bước, không sát thực tế, gây tốn kém thời gian, công sức, chi phí. Thậm chí, trong bối cảnh Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện tốc độ cải cách các thủ tục kinh doanh, thì thủ tục và thời gian không hề giảm mà ngược lại, ngày càng dài, gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Dẫn chứng cho điều này, bà Nguyễn Kim Dung, đại diện nhóm giáo dục của VBF, Giám đốc pháp chế của Appolo cho biết, theo các quy định hiện hành, nhà đầu tư phải hoàn thành các thủ tục xin ít nhất 3 loại giấy phép gồm giấy phép đầu tư, giấy phép thành lập và giấy phép hoạt động để thành lập được 1 cơ sở giáo dục đào tạo ngắn hạn.
Để thành lập một trường học, chỉ riêng việc xin giấy phép thành lập đã rất vất vả và tốn thời gian, công sức, bởi phải qua nhiều quy trình xét duyệt của các cơ quan ban ngành. Bên cạnh đó, việc không thống nhất áp dụng luật với các đơn vị cấp phép, không đồng nhất trong thực thi cũng là một rào cản rất lớn đối với nhà đầu tư.
Tương tự, TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường Đại học FPT Việt Nam cho biết, có quá nhiều thủ tục ở các khâu liên quan đến thành lập trường, thành lập pháp nhân mà các nhà đầu tư phải hoàn thành như giấy phép mở ngành, thủ tục về chỉ tiêu tuyển sinh, thủ tục tuyển sinh, phương thức đào tạo, cấp bằng cho đến hàng loạt các biểu mẫu mà mỗi khâu đều đi kèm nhiều giấy phép con.
Tốc độ cải cách thủ tục, điều kiện kinh doanh vẫn chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp
Đặc biệt, trong số này, vấn đề khiến nhà đầu tư lo ngại nhất là hồ sơ xin cấp phép thành lập yêu cầu phải có hồ sơ dự kiến số lượng giáo viên và dự kiến số lượng nhân viên với cách diễn giải rất khác nhau giữa các sở ban ngành, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc hoàn thiện các giấy tờ.
Từ kinh nghiệm cá nhân của mình, vị hiệu trưởng này trăn trở, điều đáng lo ngại nhất là dù giáo dục được coi là lĩnh vực khuyến khích đầu tư và xã hội hóa ở mức cao, song dường như thủ tục hành chính và thời gian ngày càng tăng lên.
Cụ thể, ông Tùng so sánh, trước đây, khi làm thủ tục thành lập trường Đại học FPT thì mất khoảng 9 tháng để hoàn thành mọi giấy tờ, song giờ đây, để xin thành lập một trường phân hiệu phải mất tới gần 3 năm.
“Chưa kể đến vô vàn các giấy phép con khác cần phải hoàn thành sau khi đã có giấy phép hoạt động, nên dù có cầm trong tay giấy phép hoạt động vẫn chưa chắc đã làm được gì”, ông Tùng chia sẻ và cho rằng, nếu ngành giáo dục không có những cải tiến để cắt giảm bớt thủ tục, điều kiện thành lập cơ sở giáo dục thì nhà đầu tư có kiên nhẫn đến mấy cũng sẽ nản lòng.
Chuyển biến chậm chạp
Nỗi khổ của nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp đang nhọc nhằn xin thành lập doanh nghiệp, xin cấp phép để được kinh doanh tại hầu hết các lĩnh vực. Những trở ngại này dường như chưa hề vơi bớt khi báo cáo kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng cho thấy, việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh của phần lớn các bộ ngành còn chưa đạt yêu cầu, thậm chí còn có bộ chưa cắt giảm, số lượng cắt giảm quá ít và bị yêu cầu tiếp tục cắt giảm.
Trong khi đó, theo kết quả báo cáo Thủ tướng của VCCI về phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp đối với thực hiện cải cách liên quan đến đầu tư, kinh doanh những tháng đầu năm 2018, phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, song đối với các bộ ngành thì vẫn chưa như kỳ vọng do vẫn có nhiều bộ chậm cắt giảm thủ tục.
Điều này cho thấy, những chuyển biến trong công tác cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh còn quá chậm trễ, chưa đạt mục tiêu đặt ra của Chính phủ, cũng như chưa đáp ứng yêu cầu và sự trông đợi của cộng đồng doanh nghiệp.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho rằng, chủ yếu do sự chậm trễ, thiếu quyết liệt còn hiện hữu ở nhiều bộ ngành. Ngoài ra, vẫn còn sự lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa. Do vậy, nhiều điều kiện về quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa được quy định thành điều kiện kinh doanh.
Phân tích rõ hơn, bà Thảo cho biết, hiện nay, có tình trạng một số điều kiện đầu tư kinh doanh đặt ra yêu cầu quá mức cần thiết để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, tạo ra rào cản gia nhập thị trường, hạn chế cạnh tranh như: yêu cầu phải sở hữu phương tiện, máy móc, thiết bị; áp đặt phương thức kinh doanh cứng nhắc, can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; quy định thời hạn giấy phép kinh doanh quá ngắn; yêu cầu nhân viên quản lý hoặc vận hành của doanh nghiệp phải được đào tạo, tập huấn do cơ quan nhà nước tổ chức và thu phí…
“Những quy định như vậy đã và đang tạo ra nhiều rủi ro cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, không khuyến khích sáng tạo, hạn chế cạnh tranh, làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp và ảnh hưởng nhất định đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, làm giảm hiệu quả những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư mà Chính phủ đang quyết tâm thực hiện”, bà Thảo nhận định.
Theo bà Thảo, nếu duy trì tình trạng trì trệ này thì hệ lụy sẽ rất nguy hại cho nền kinh tế, bởi theo thống kê, hàng năm có khoảng 10 bộ luật được thông qua, theo đó, có trên dưới 100 nghị định được ban hành và có đến 600 - 700 thông tư ra đời. Tuy ở cấp luật và nghị định thì ít thay đổi, nhưng thông tư lại thay đổi liên tục khiến doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều rủi ro từ sự thiếu ổn định trong chính sách.
Chia sẻ những trăn trở này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, mặc dù đã đạt được một số kết quả, song tốc độ cải cách vẫn chậm và chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2015, môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức trung bình của ASEAN 4, nhưng tới nay, khoảng cách vẫn rất xa. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải xếp thứ 40 trên thế giới, thực tế hiện đang đứng ở vị trí 86. Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo xoá bỏ mạnh mẽ các điều kiện kinh doanh từ tháng 8 năm ngoái, đến nay đã được 10 tháng nhưng rất ít bộ ngành nghiêm túc
thực hiện.
Khuyến nghị nâng cao hiệu quả cho các phương thức cải cách thể chế, ông Hiếu đề xuất cần thay đổi tư duy ở cấp nhân viên, chuyên viên, không chỉ dừng lại ở tầm lãnh đạo.
"Thay đổi tư duy trong bộ máy hành chính là một nội dung quan trọng của cải cách thể chế, từng bước bám sát trình độ tư duy của thế giới”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bộ vẫn chưa quyết liệt trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính để Thủ tướng phải nhắc nhở. Trong đó, Bộ Y tế vẫn còn 802 mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành, mới giảm được ở danh mục các sản phẩm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, vẫn còn hơn 400 mặt hàng cần phải cắt giảm nằm ở lĩnh vực thiết bị y tế, dược… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa xem xét cắt giảm với 128 mặt hàng, cũng như 37 bộ thủ tục hành chính.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có 132 mặt hàng đến nay chưa đề xuất cắt giảm kiểm tra chuyên ngành. Bộ Giao thông Vận tải có ít nhất 64 mặt hàng cần đề xuất cắt giảm thủ tục mới đạt chỉ tiêu giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành như chỉ đạo của Thủ tướng. 5 bộ thủ tục hành chính thuộc diện cần cắt giảm cũng chưa được bộ này đề xuất xem xét.