Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Dự báo năm nay đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kinh tế, xã hội

(ĐTCK)Dự báo năm nay đạt và vượt 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đây là thành công lớn của đất nước ta, đặt biệt là trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần phụ thuộc vào ngành công nghiệp khai khoáng. Dẫu vậy, từ nay đến cuối năm không được chủ quan trong chỉ đạo, điều hành…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng nay (23/10).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục 45 tỷ USD

“Trước tình tình GDP quý I đạt thấp, Chính phủ kiên định kế hoạch đã đề ra, yêu cầu các cấp, các ngành điều hành quyết liệt, phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về tín dụng, thuế, phí, xuất nhập khẩu, cắt giảm điều kiện kinh doanh, giải quyết kịp thời hơn các kiến nghị của doanh nghiệp và người dân.

Tăng cường thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân và nước ngoài… Nhờ đó, tuy đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm nay tiếp tục chuyển biến tích cực…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết khi thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, trước Quốc hội sáng nay.

Một thông tin đáng chú ý được Thủ tướng đề cập là trong 9 tháng đầu năm nay đã mua thêm 6 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay khi đạt 45 tỷ USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cũng đạt kỷ lục. Thị trường chứng khoán vượt trên 800 điểm, cao nhất từ năm 2008 đến nay; vốn hóa thị trường chứng khoán tương đương 93% GDP, đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động…

Chất lượng tăng trưởng có chuyển biến

“Cơ cấu lại nền kinh tế đã bước đầu phát huy hiệu quả, chất lượng tăng trưởng có chuyển biến, giảm phụ thuộc vào ngành khai khoáng, nhất là dầu khí...”, Thủ tướng cho biết.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra các hạn chế của nền kinh tế như: Năng suất lao động chưa cao; nợ công còn cao; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đạt thấp. Tình hình sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, doanh nghiệp thành lập mới nhiều, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp…

Trong phần phát biểu khai mạc, khi đánh giá về tình tình kinh tế năm 2017 được cập nhật đến thời điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, kinh tế vĩ mô năm nay ổn định; sản xuất, xuất khẩu đang tăng trưởng; cải cách hành chính có nhiều chuyển biến; môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện.

“Tuy nhiên, tình hình kinh tế đứng trước một số khó khăn như: thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu còn khó khăn. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhất là cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu…”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Năm 2018 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-6,7%

Liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua với các chỉ tiêu chính gồm: GDP tăng trưởng từ 6,5- 6,7%, chỉ số giá tiêu dùng 4%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 33-34% GDP…

Để đạt mục tiêu trên, trong công tác chỉ đạo, điều hành năm tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ tiếp tục tăng cường giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; nâng cao, phát triển doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ chặt chẽ, hiệu quả. Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất đảm bảo giảm chi phí cho  nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Cũng theo Thủ tướng, Chính phủ còn tập trung các nỗ lực nhằm tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển trong xã hội cho phát triển kinh tế xã hội. Phát triển các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản; cắt giảm thủ tục kinh doanh; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp… Thoái hết vốn nhà nước ở những lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ, xử lý nghiêm các trước hợp cố tình chậm trễ. Thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp…

“Yêu cầu các cấp, các ngành có kế hoạch cụ thể, tạo chuyển biến mạnh mẽ, phấn đấu năm 2018 cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao hơn nữa chỉ số sáng tạo của Việt Nam. Cơ cấu lại nền kinh tế đồng bộ, toàn diện, thực chất…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội tập trung xem xét thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018.

Ngoài xem xét thông qua 6 dự án luật, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 9 dự án luật. Đây đều là các văn bản quan trọng được cử tri quan tâm, thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính...

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng thảo luận Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông.

Về giám sát, Quốc hội sẽ giám sát tối cao chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước 2011-2016. 

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục