Đón đầu đường sắt cao tốc, đại biểu Quốc hội của Nghệ An và Thanh Hoá xin mở thêm nhà ga

(ĐTCK) Đại biểu của tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá đề nghị bổ sung thêm ga hành khách đoạn giữa ga Thanh Hóa và ga Vinh, cụ thể là ga Hoàng Mai (thuộc Nghệ An) hoặc ga Nghi Sơn (thuộc Thanh Hoá) nhằm tăng kết nối tới đường biển, đường bộ và các khu kinh tế của hai tỉnh này.

Chiều 20/11, tại phiên thảo luận hội trường Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) bày tỏ tán thành với chủ trương đầu tư dự án nói trên của Chính phủ.

Theo báo cáo của Chính phủ năm 2023, thị phần ngành đường sắt luân chuyển hành khách chỉ còn 1,07%, hàng hóa chỉ còn 0,91%. Đại biểu cho rằng, hiện nay, vận tải hành khách và hàng hóa chủ yếu là đường bộ, trong khi đó phương thức vận tải này tuy nhanh, thuận tiện nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và tai nạn giao thông.

"Chính vì vậy, tôi đồng tình với các lý do cần thiết phải đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đồng thời tôi cho rằng việc đầu tư đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần đảm bảo an toàn tính mạng của người tham gia giao thông", bà An Chung nói.

Đại biểu cũng tán thành với đề xuất của Chính phủ là đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1,435m, điện khí hóa tốc độ thiết kế 350km/h.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một ga hành khách đoạn giữa ga Thanh Hóa và ga Vinh, cụ thể là Hoàng Mai (thuộc Nghệ An) hoặc Nghi Sơn (thuộc Thanh Hoá), bởi các lý do sau:

Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An)

Một là, khoảng cách trung bình giữa các ga là 67 km, tuy nhiên từ ga Thanh Hóa đến ga Vinh là 130 km.

Hai là, Nghệ An và Thanh Hóa là 2 tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước, dân số đông, chỉ sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An và Thanh Hóa cũng là 2 tỉnh có lực lượng lao động lớn cung cấp cho các tỉnh, các khu công nghiệp phía Bắc và phía Nam.

Ba là, nếu đặt một ga hành khách tại Hoàng Mai hoặc Nghi Sơn sẽ có nhiều thuận lợi. Bởi, thị xã Hoàng Mai hiện là đô thị loại 4 nhưng trong định hướng phấn đấu đến năm 2027 sẽ là đô thị loại 3 và thị xã Nghi Sơn hiện nay đã là đô thị loại 3.

Nếu đầu tư ga hành khách ở đây có thể kết nối với vận tải đường biển qua cảng nước sâu Đông Hồi, Hoàng Mai hoặc cảng Nghi Sơn, có thể kết nối với tuyến đường bộ phía Tây và đường ven biển của tỉnh Nghệ An, đi qua tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.

Bốn là, việc đầu tư ga hành khách ở Hoàng Mai hoặc Nghi Sơn phù hợp với định hướng phát triển vùng và liên kết vùng mà các Nghị quyết của Đảng cũng như Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề cập.

Năm là, mặc dù tại khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị quyết có quy định "trong quá trình vận hành khai thác và trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư bổ sung một số vị trí nhà ga tại các khu đô thị có nhu cầu vận tải lớn". "Tuy nhiên, tôi đề nghị nên bổ sung ngay từ đầu để việc triển khai được thực hiện sẽ thuận lợi và sẽ phát huy được hiệu quả của đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam", bà An Chung nói.

Có chung đề xuất như trên, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) đề nghị ở bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi cần phải tiếp tục rà soát lại với các tỉnh để chọn phương án tối ưu đặt các ga hành khách và hàng hóa.

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá)

Đối với tỉnh Thanh Hóa, đại biểu cho rằng đây là một tỉnh có diện tích rộng, rất đông dân, khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đã và đang thu hút nhiều dự án lớn trong nước và ngoài nước, điển hình là Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Thị xã Nghi Sơn đang có nhiều tiềm năng phát triển, dự kiến sẽ trở thành thành phố và đô thị loại 3 vào năm 2030.

Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét, bố trí thêm một ga hành khách và một ga hàng hóa tại thị xã Nghi Sơn, khoảng cách từ ga đến thành phố Thanh Hóa khoảng 50 km và cách thành phố Vinh khoảng trên 80 km.

"Hơn nữa, khi đặt tại Nghi Sơn sẽ có lợi thế trong kết nối với Cảng hàng không Thọ Xuân, Khu kinh tế Nghi Sơn, Cảng nước sâu Nghi Sơn và việc vận chuyển hành khách, hàng hóa không chỉ riêng cho phía Nam Thanh Hóa mà cả Bắc Nghệ An. Việc này sẽ thúc đẩy khu vực Nam Thanh, Bắc Nghệ phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn", ông Hải nhấn mạnh.

Về vấn đề hướng tuyến nhà ga, khi phát biểu giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ đã có báo cáo là hiện nay đã lựa chọn những phương án ngắn nhất có thể và các ga cũng đã bố trí tương đối phù hợp. "Hôm nay các đại biểu có thêm một số ý kiến, về phía cơ quan trình chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu", ông Thắng nói.

Theo chương trình dự kiến, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua vào sáng 30/11, ngày cuối cùng của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 67 tỷ USD, tương đương hơn 1,7 triệu tỷ đồng.

Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2035.

Theo đó, sẽ có hai đội tàu cao tốc Bắc Nam, tàu thứ nhất công suất thiết kế lên đến 350km/h, chạy toàn tuyến Bắc Nam mất 5,5 giờ, chỉ dừng ở 5 ga chính; tàu thứ hai công suất thiết kế đến 280km/h, đỗ ở nhiều ga hơn để có thêm lựa chọn cho người dân.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục