Dồn dập nhận tin xấu, giới đầu tư lại ồ ạt thoát hàng

(ĐTCK) Nỗi lo thương chiến cùng bất ổn chính trị khiến giới đầu tư đồng loạt bán ra trong phiên đầu tuần (12/8), kéo các chỉ số đồng loạt giảm mạnh.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Trong khi nỗi lo chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng khiến nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng chưa vơi đi, thì nỗi lo bất ổn chính trị tại một số nước và biểu tình tại Hồng Kông lại ập đến, khiến giới đầu tư thêm phần lo sợ, đồng loạt bán ra trong phiên đầu tuần mới.

Tất cả 11 lĩnh vực trong S&P 500 đều giảm điểm trong phiên đầu tuần mới, kéo các chỉ số chính của phố Wall đều giảm hơn 1%.

Không chỉ giảm mạnh về điểm số, thanh khoản của thị trường cũng sụt giảm mạnh trong phiên do sự thận trọng của nhà đầu tư. Cụ thể, thanh khoản trong phiên này giảm gần 16% so với mức trung bình của 20 phiên gần nhất.

Kết thúc phiên 12/8, chỉ số Dow Jones giảm 389,73 điểm (-1,48%), xuống 25.897,71 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 35,56 điểm (-1,22%), xuống 2.883,09 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 95,73 điểm (-1,20%), xuống 7.863,41 điểm.

Chứng khoán châu Âu nỗ lực phục hồi trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới, nhưng nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng quay đầu do lo ngại cuộc chiến thương mại kéo dài sẽ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên 12/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 27,13 điểm (-0,37%), xuống 7.226,72 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 14,12 điểm (-0,12%), xuống 11.679,68 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 17,61 điểm (-0,33%), xuống 5.310,31 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày lễ Obon, thì chứng khoán Trung Quốc lại hồi phục mạnh nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ và viễn thông sau khi Huawei thông báo tự phát triển được hệ điều hành HarmonyOS cho điện thoại thông minh và các thiết bị khác, giúp khỏi lệ thuộc vào Google và các công ty công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, chứng khoán Hồng Kông lại không thể có được sắc xanh theo chứng khoán đại lục do ảnh hưởng của các cuộc biểu tình.

Kết thúc phiên 12/8, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 40,24 điểm (+1,45%), lên 2.814,99 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 114,58 điểm (-0,4%), xuống 25.824,72 điểm.

Trên thị trường vàng, sau phiên điều chỉnh nhẹ cuối tuần trước, giá vàng đã bật tăng mạnh trở lại trong phiên đầu tuần mới do ảnh hưởng của cuôc biểu tình tái bùng phát ở Hồng Kông và nỗi lo suy thoái kinh tế do cuộc chiến thương mại, cùng việc giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương.

Kết thúc phiên 12/8, giá vàng giao ngay tăng 14,3 USD (+0,96%), lên 1.510,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 8,7 USD (+0,58%), lên 1.517,2 USD/ounce.

Giá dầu thô ổn định trong phiên giao dịch đầu tuần khi các nhà sản xuất lớn sẽ tiếp tục cắt giảm nguồn cung trong bối cảnh thương chiến leo thang sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu thô toàn cầu.

Kết thúc phiên 12/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,43 USD (+0,79%), lên 54,93 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,04 USD đứng ở mức 58,57 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục