Dõi theo kế sách tăng trưởng mới

(ĐTCK) Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa (trước ngày 15/3) là hạn chót các bộ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung tổ chức một loạt hội nghị chuyên đề mang tầm quốc gia nhằm tạo "cú huých" về cơ chế, chính sách, qua đó khai thác đạt hiệu quả cao tiềm năng, lợi thế phát triển của các ngành để tìm ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế không chỉ trong năm nay, mà cả giai đoạn tới.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Ðà tăng trưởng tích cực của nền kinh tế từ nửa cuối năm 2017, theo nhìn nhận của giới chuyên gia, tiếp tục được duy trì khi bước sang năm 2018.

Theo ông Nguyễn Ðức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư, Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), có cơ sở để tự tin tăng trưởng GDP quý I/2018 sẽ tương đương như nửa cuối năm 2017 (vào khoảng 7,55%), thậm chí ở kịch bản tốt, có thể chạm ngưỡng 8%.

Triển vọng tăng trưởng GDP khả quan là nhờ ngành điện tử duy trì tăng trưởng cao, trong khi ngành khai khoáng tăng trưởng dương, hoặc nếu có sụt giảm cũng chỉ ở mức rất thấp... 

Theo góc nhìn của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, ngoài hoạt động sản xuất 2 tháng đầu năm 2018 tiếp tục có những diễn biến tích cực, tăng trưởng kinh tế còn được hưởng lợi từ đà tăng trưởng của năm 2017 và tính chu kỳ của nền kinh tế. Tính toán cho thấy, chu kỳ của nền kinh tế trong ngắn hạn tiếp tục xu hướng phục hồi từ quý II/2017, báo hiệu xu hướng tăng trưởng khả quan trong năm 2018.

Tuy nhiên, mối lo ngại chính đối với nền kinh tế, theo góc nhìn của giới quan sát, là nguy cơ lạm phát tăng cao. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá, xu thế của lạm phát có chiều hướng tiếp tục tăng cao, báo hiệu CPI năm 2018 sẽ có xu thế tăng cao hơn so với năm 2017 nếu lộ trình tăng giá dịch vụ công không được kiểm soát chặt chẽ.

Ðể tìm kiếm dư địa tăng trưởng 2018, điểm mới trong chỉ đạo của Chính phủ năm nay là tại Công điện 240/CÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, lần đầu tiên Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương chuẩn bị các nội dung tổ chức chuỗi hội nghị chuyên đề mang tầm quốc gia về nhiều vấn đề, lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế.

Theo đó, trước ngày 15/3, Bộ Công thương phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc tổ chức các hội nghị chuyên đề về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu; giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; cơ hội và thách thức của các ngành nhiều lao động, đặc biệt là dệt may và giầy da trong cuộc cách mạng 4.0.

Bộ Tài chính chuẩn bị nội dung và báo cáo Thủ tướng việc tổ chức các Hội nghị chuyên đề về giải pháp thúc đẩy phát triển cơ chế một cửa Quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại gắn với phát triển logistics; đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước...

Dư luận đang dõi theo kế sách mà các bộ, ngành sẽ chọn lựa tới đây để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay vượt năm 2017 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tạo thêm dư địa phát triển mới cho nền kinh tế. 

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục