Đối phó với Trung Quốc là quân cờ trong cuộc bầu cử Mỹ

Trung Quốc được xem là quân cờ đắc dụng để ông Trump và ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ phô diễn sức mạnh trong cuộc đua giành ghế ông chủ Nhà Trắng năm 2020, đẩy cuộc đối đầu Mỹ - Trung vào tình thế khó đoán.
Ông Donald Trump diễn thuyết tranh cử tại Trường Cộng đồng Macomb bang Michigan trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ảnh: AFP Ông Donald Trump diễn thuyết tranh cử tại Trường Cộng đồng Macomb bang Michigan trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ảnh: AFP

Xoáy vào những ung nhọt

Cuộc đối đầu giữa hai siêu cường kinh tế Mỹ và Trung Quốc leo thang nghiêm trọng trong năm 2019 khi mà mâu thuẫn hai bên không chỉ dừng ở vấn đề thương mại mà còn ở câu chuyện công nghệ và Hong Kong.

Thoạt nhìn thì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 là vấn đề nội bộ nước Mỹ, xoay quanh các vấn đề y tế, thu thuế, việc làm và nhập cư. Và thắng lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ phụ thuộc và chính sách và miếng mồi cam kết mà các ứng viên tổng thống đưa ra.

Bình luận trên tạp chí Nikkei Asian Review, chuyên gia quản trị Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) của Trường Claremont McKenna danh tiếng tại Mỹ cho rằng, Trung Quốc là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong chính sách đối ngoại mà Tổng thống đương nhiệm Donald Trump (đảng Cộng hòa) và kình địch của đảng Dân chủ.

Nhức nhối nhất trong tranh cãi liên quan đến Trung Quốc là vấn đề thương mại. Ngay cả khi Washington và Bắc Kinh ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nhằm “hạ nhiệt” thương chiến, thì một loại vấn đề đặt ra như thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, tiếp cận thị trường Trung Quốc, giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ và chính sách công nghiệp của Trung Quốc vẫn là những ung nhọt trong quan hệ hai bên.

Khó có thể loại bỏ các tranh chấp liên quan đến việc thực hiện các điều khoản trong thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là việc Bắc Kinh cam kết mua lượng lớn nông sản Mỹ. Các đánh giá hàng quý về thực lực kinh tế để thực hiện thỏa thuận thương mại của Trung Quốc hé lộ nhiều cơ hội để ông Trump khơi lại thương chiến với Trung Quốc nếu người đứng đầu Nhà Trắng tin điều đó có lợi để ông tái cử.

Thậm chí nếu muốn tiếp tục đối đầu với Trung Quốc và buộc Bắc Kinh cam kết mở cửa thị trường cho hàng hóa dịch vụ Mỹ, ông Trump sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc.

Để yên lòng phe diều hầu ở Washington, ông chủ Nhà Trắng thực hiện những biện pháp như hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ và siết các khoản đầu tư tài chính mà Trung Quốc có phần, đồng thời theo dõi hoạt động của các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ.

Ở bên kia chiến tuyến, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1, nếu được ký kết, cũng là mục tiêu màu mỡ của phe Dân chủ. Phe Dân chủ sẽ chỉ trích ông Trump châm ngòi chiến tranh thương mại với Trung Quốc gây tổn hại kinh tế Mỹ và không mang lại kết quả tốt đẹp. Đồng thời, các thành viên đảng Dân chủ có thể chĩa mũi dùi vào ông Trump vì không đủ cứng rắn với Trung Quốc.

Đặc biệt, họ có thể “tấn công” ông Trump vì thiếu hỗ trợ các thế lực dân chủ và người biểu tình ở Hong Kong và im lặng trước việc Trung Quốc bắt bớ lượng lớn người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Trong tình hình như hiện nay, hai đảng Cộng hòa và Dân Chủ đều được ủng hộ thực hiện chiến lược đối kháng. Riêng đối với vấn đề Trung Quốc, hai bên có thể vin vào các nội dung liên quan đến Hong Kong, Tân Cương và Đài Loan.

Từ việc thông qua Đạo luật nhân quyền và dân chủ Hong Kong năm 2019, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ công bố báo thường niên về tình hình Hong Kong trong năm 2020.

Nếu Trung Quốc tiếp tục kìm kẹp Hong Kong như kế hoạch công bố gần đây thì Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo, người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, sẽ khó lòng chứng thực được Hong Kong có tự chủ hoàn toàn không.

Ngoài ra, Mỹ cũng đang hoàn tất Đạo luật chính sách nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ để trình Quốc hội và dự kiến thông qua năm 2020. Trong đó, đề xuất trừng phạt các quan chức cấp cao Trung Quốc tại Tân Cương vì các hành động vi phạm nhân quyền. Với đề xuất này, rất có thể Bắc Kinh sẽ có phản ứng thù địch mạnh mẽ.

Cơn ác mộng lớn nhất đối với Bắc Kinh năm 2020 có lẽ là vấn đề Đài Loan. Với việc Chủ tịch Đảng Dân chủ Tiến bộ (Đài Loan) được đề xuất tái cử trong tháng 1/2020, Bắc Kinh có thể đối mặt với những đòn bẽ mặt.

Washington có thể “đổ thêm dầu vào lửa” bằng cách triển khai các chính sách được thông qua trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2020. Trong đó, kêu gọi thành lập lực lượng an ninh mạng chung Mỹ - Đài Loan, thúc đẩy hoạt động trao đổi đoàn giữa các quan chức quân sự cấp cao và tiến hành diễn tập bắn đạt thật chung giữa hai bên.

Đây sẽ những động thái chọc tức Bắc Kinh, bị liệt vào các hành động khuyến khích các thế lực ủng hộ độc lập tại Đài Loan và vi phạm thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Mỹ năm 1979.

Nhiều khả năng các diễn biến năm 2020 sẽ là phép thử mạnh tay về năng lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc giữ quan hệ Trung - Mỹ trong tầm kiểm soát.

Bắt mạch lợi ích sâu xa

Trên Thời báo New York (New York Times), ông Jared Bernstein, cố vấn kinh tế của cựu Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden cho rằng các ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ thường “mắc tóc” về chính sách thương mại với Trung Quốc. Một mặt họ không muốn lao vào cuộc chiến thương mại không có hồi kết, hỗn loạn và thậm chí là đau thương do ông Trump châm ngòi, mặt khác họ không muốn tỏ ra yếu đuối và lặng yên trước các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc.

Thay vào đó, hầu hết các ứng viên đảng Dân chủ quay sang kể tội Trung Quốc lạm dụng nhân quyền, nhưng từng đó là chưa đủ. Theo chuyên gia Bernstein, những ứng viên đảng Dân chủ cần quyết liệt phản đối các chính sách thất bại của ông Trump.

Cách giúp Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc trong thương mại không phải là bãi thuế hay kiểu “nài nỉ” Trung Quốc thay đổi mô hình kinh tế đã “thâm căn cố đế”, mà phải bằng việc hạ giá đồng đô la Mỹ để thúc đẩy cán cân thương mại, dựng lên các rào cản phi thuế quan hoặc áp thuế bán phá giá đối với các mặt hàng xuất khẩu thấp hơn giá vốn.

Đồng thời, các ứng viên đảng Dân chủ cũng cần chỉ rõ rằng việc ông Trump “chiến đấu” với Trung Quốc không phải phục vụ người lao động Mỹ mà nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ muốn thành lập và phát triển hoạt động sản xuất gia công với chi phí thấp hơn.

Nếu các nhà đàm phán của ông Trump thành công buộc Trung Quốc nới khoảng thở cho các tập đoàn đa quốc gia Mỹ bằng cách không ép họ buộc chuyển giao công nghệ hay hạ chi phí sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc, điều này chỉ có lợi cho các công ty Mỹ chứ không phải người lao động Mỹ và tác động xấu tới cán cân thương mại với Trung Quốc.

Hơn lúc nào hết, các ứng viên đảng Dân chủ cần dứt khoát cam kết chấm dứt thương chiến mà ông Trump châm ngòi ngay ngày đầu tiên tiếp quản Nhà Trắng, ông Bernstein khuyến cáo.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục