Đối ngoại Việt Nam và vai trò tiên phong trong kỷ nguyên mới

Trò chuyện với Báo Đầu tư nhân dịp đầu Xuân mới 2025, PGS-TS. Đặng Đình Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ cho rằng, trong kỷ nguyên mới, đối ngoại phải phát huy cao độ vai trò tiên phong trong bảo vệ Tổ quốc, phục vụ phát triển, nâng cao vị thế đất nước và tận dụng hiệu quả vị thế đó.
PGS-TS. Đặng Đình Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ

Năm 2025 đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng như 95 năm thành lập Đảng, 80 năm thành lập nước, 50 năm thống nhất đất nước. Theo Đại sứ, các cột mốc này có ý nghĩa thế nào đối với ngoại giao Việt Nam hiện nay?

Những cột mốc này mang ý nghĩa vô cùng to lớn. Trên trường quốc tế, chúng khẳng định sự trường tồn và vai trò không thể thay thế của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất và phát triển đất nước. Đối với nội bộ, đây chính là dấu mốc lịch sử, là nguồn cảm hứng để toàn ngành ngoại giao phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa, đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước.

Với việc kỷ niệm 30 năm gia nhập ASEAN và bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ tròn 30 năm, Đại sứ đánh giá hai sự kiện này đã đóng góp ra sao vào an ninh và phát triển của đất nước cũng như khu vực?

Đây là hai sự kiện vô cùng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới. Trong suốt 30 năm qua, Việt Nam đã trở thành một thành viên có vị trí và vai trò ngày càng quan trọng trong cộng đồng ASEAN. ASEAN không chỉ là vành đai an ninh trực tiếp, mà còn là nguồn lực quý giá, đặc biệt trong việc cung cấp thị trường, vốn và hỗ trợ phát triển đất nước. Ngoài ra, ASEAN cũng đóng vai trò là nền tảng giúp Việt Nam nâng cao vị thế và ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, việc bình thường hóa quan hệ đã mở ra không gian hợp tác mới, giúp hai nước chuyển từ tình trạng đối đầu sang đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2023. Điều này không chỉ tạo ra những cơ hội phát triển cho hai nước, mà còn tác động tích cực đến mối quan hệ của Việt Nam với các đối tác khác trong khu vực và trên toàn cầu.

Đại sứ Đặng Đình Quý trong khoảnh khắc Việt Nam được xướng tên trúng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu gần tuyệt đối 192/193, tại Khóa họp thứ 73, Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 7/6/2019. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Trong bối cảnh Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia, Đại sứ đánh giá thế nào về ý nghĩa của các quan hệ này đối với vị thế quốc gia?

Mạng lưới đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, đặc biệt là với 9 quốc gia chiến lược toàn diện, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Mục tiêu của mọi chính sách đối ngoại đều hướng tới 3 yếu tố: bảo đảm an ninh quốc gia, thúc đẩy phát triển và nâng cao vị thế quốc tế. Các đối tác chiến lược của Việt Nam, đặc biệt là 9 quốc gia đối tác chiến lược toàn diện, đều là những quốc gia lớn, có tiềm lực mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.

Việc thiết lập và hiện thực hóa những mối quan hệ này không chỉ góp phần bảo vệ an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn có tác động tích cực rất lớn đến việc nâng cao vị thế quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại sứ kỳ vọng gì về những lợi ích mà các đối tác chiến lược toàn diện này đem lại cho Việt Nam? Những lĩnh vực mà Việt Nam cần ưu tiên hợp tác để khai thác tối đa tiềm năng từ các mối quan hệ này là gì?

Mỗi đối tác chiến lược toàn diện đều sở hữu tiềm lực và lợi ích khác nhau trong quan hệ với Việt Nam. Tuy nhiên, điểm chung là họ đều nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới và khu vực về công nghệ, vốn, cũng như thị trường. Đặc biệt, tất cả các đối tác này đều có lợi ích trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Việt Nam.

Việc tăng cường quan hệ với các đối tác này không chỉ giúp chúng ta tiếp cận các thị trường lớn, tận dụng nguồn vốn và công nghệ tiên tiến, mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia trong mối quan hệ với các đối tác khác.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, cần xây dựng chiến lược hợp tác phù hợp với thế mạnh riêng của từng đối tác, đồng thời tìm cách gia tăng mức độ trùng hợp lợi ích giữa hai bên. Quan hệ quốc tế là sự trao đổi và hợp tác; chỉ khi lợi ích của hai bên ngày càng tương đồng, mối quan hệ mới có thể phát triển ổn định và bền vững.

Vậy Việt Nam cần làm gì để cân bằng lợi ích giữa các đối tác chiến lược toàn diện, đặc biệt khi có những mâu thuẫn về lợi ích giữa họ?

Điều quan trọng là dù các đối tác có mâu thuẫn với nhau, nhưng không để mâu thuẫn đó ảnh hưởng đến quan hệ của họ với Việt Nam. Với vị thế và tiềm lực hiện tại, cùng kinh nghiệm dày dặn trong việc xử lý các mối quan hệ quốc tế phức tạp, chúng ta hoàn toàn có khả năng duy trì sự cân bằng và bảo vệ lợi ích quốc gia một cách hiệu quả.

Khi đối mặt với mâu thuẫn lợi ích giữa các đối tác này, chúng ta sẽ phải ứng xử như thế nào để giữ được sự cân bằng?

Chúng ta cần vận dụng và thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “ngoại giao tâm công” bằng sự chân thành. Điều này có nghĩa là khéo léo bày tỏ với cả hai bên những điều họ nên làm để vừa mang lại lợi ích cho chính họ, vừa tạo điều kiện tốt đẹp cho tất cả các bên liên quan.

Khi xử lý mâu thuẫn, chúng ta cần áp dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Phần "bất biến" chính là giữ vững nguyên tắc đối ngoại: luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu; đảm bảo phù hợp với luật pháp quốc tế và tuân thủ các nguyên tắc, đặc biệt là nguyên tắc “4 không”, mà cốt lõi trong đó là không liên kết với nước này để chống nước kia.

Phần "vạn biến" thể hiện sự linh hoạt và uyển chuyển trong ứng xử, miễn là không vi phạm các nguyên tắc cốt lõi. Điều này giúp chúng ta duy trì sự cân bằng và đảm bảo lợi ích quốc gia trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp.

Với vai trò là một quốc gia đóng góp tích cực vào các vấn đề toàn cầu, Đại sứ nhận định gì về thách thức và cơ hội của Việt Nam trong thời gian tới?

Những vấn đề toàn cầu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường và cộng đồng quốc tế đang kỳ vọng Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa. Trong những năm qua, chúng ta đã được đánh giá cao về những đóng góp tích cực và những nỗ lực giải quyết các thách thức chung, đặc biệt trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tham gia hiệu quả các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, và hỗ trợ các quốc gia trong những lúc gặp thiên tai.

Trong thời gian tới, Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu, từ các vấn đề hiện tại đến những thách thức mới, với định hướng “là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” mà Đảng đã đề ra. Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ, đặc biệt khi tiềm lực quốc gia còn hạn chế.

Theo Đại sứ, để góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đối ngoại cần ưu tiên những vấn đề gì?

Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đối ngoại đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo một môi trường hòa bình vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển. Bởi nếu xảy ra xung đột hay chiến tranh, sự phát triển sẽ không thể diễn ra. Và nếu không có một môi trường quốc tế thuận lợi để tận dụng thị trường, vốn, công nghệ tiên tiến…, thì chúng ta không thể phát triển nhanh chóng.

Vì vậy, đối ngoại cần phát huy vai trò tiên phong trong việc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đồng thời tạo dựng và tận dụng các điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự phát triển của đất nước. Quan hệ với các đối tác chiến lược, đặc biệt là các đối tác quan trọng đối với an ninh và phát triển, cần đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững. Đồng thời, Việt Nam cũng cần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế và tận dụng hiệu quả vị thế này để bảo đảm an ninh quốc gia và thúc đẩy sự phát triển.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục