Tái cấu trúc gắn với TTCK
Xác định rõ TTCK là một kênh khai thác nguồn vốn hiệu quả, linh hoạt, một công cụ nâng cao năng lực quản trị, minh bạch thông tin, ngay từ cuối năm 2006, PVN đã xác định việc tái cấu trúc các DN trực thuộc thông qua TTCK là công việc cần khẩn trương thực hiện. Vì vậy, một kế hoạch cụ thể đã được xây dựng và triển khai quyết liệt. Hiện trên sàn chứng khoán có trên 40 DN ngành dầu khí niêm yết và đăng ký giao dịch. Trong chiến lược tăng tốc phát triển của PVN, công tác tái cấu trúc từ nay đến năm 2015 không chỉ dừng lại ở việc tiếp tục cổ phần hóa và niêm yết các DN nhằm khơi thông dòng vốn từ TTCK và nâng cao quản trị, mà phải tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh.
Cơ cấu lại vốn nhà nước
Trong giai đoạn vừa qua, PVN đã tích cực điều chỉnh cơ cấu vốn góp tại các công ty thành viên theo hướng giảm số lượng nhưng tập trung nguồn lực, tăng quy mô của các DN 100% vốn nhà nước, để DNNN tiếp tục đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, có vị trí then chốt trong nền kinh tế. Trong lĩnh vực kinh doanh hỗ trợ cho ngành nghề kinh doanh chính, Tập đoàn tiến hành giảm vốn nhằm thu hút thêm các nguồn vốn của xã hội, tạo ra loại hình đa sở hữu với cơ chế quản lý năng động, hiệu quả hơn…
Trước khi tái cấu trúc, Tập đoàn có 25 công ty con, 24 công ty liên doanh/liên kết, 5 đơn vị sự nghiệp. Sau khi tái cấu trúc, PVN có 6 công ty/tổng công ty TNHH một thành viên do Tập đoàn sở hữu 100% vốn điều lệ, 11 tổng công ty nắm quyền chi phối, 8 công ty liên doanh, liên kết, 2 đơn vị sự nghiệp.
Với công tác đổi mới DN, PVN tập trung vào hai định hướng chính. Thứ nhất, công tác cổ phần hoá: đến nay đã hoàn thành cổ phần hoá 16 đơn vị và 2 đơn vị đang làm thủ tục đăng ký DN. Thứ hai, tái cấu trúc các đơn vị theo lĩnh vực hoạt động, song song với việc hình thành một số tổng công ty và chuyển đổi một số đơn vị thành tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Việc này nhằm tập trung nguồn lực và phát huy thế mạnh của ngành dầu khí, giúp Nhà nước đảm bảo chi phối trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, tăng khả năng cạnh tranh, hạn chế cạnh tranh nội bộ để sẵn sàng cho việc hội nhập kinh tế quốc tế. Đối với các công ty nhỏ, được thành lập ở những lĩnh vực mà Tập đoàn có lợi thế cạnh tranh, đã được sắp xếp lại thành các đơn vị thành viên của các tổng công ty. Cụ thể như:
Đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi:
- Hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác: Năm 2007, Tập đoàn đã thành lập Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) trên cơ sở tổ chức lại 2 đơn vị là Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) và Công ty Đầu tư phát triển dầu khí (PIDC). Vốn điều lệ hiện tại của PVEP là 31.000 tỷ đồng. Đồng thời, chuyển đổi Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Vietsovpetro hoạt động theo nội dung Hiệp định liên chính phủ mới từ năm 2011.
- Hoạt động thu gom, vận chuyển chế biến và kinh doanh khí: Thành lập Tổng công ty Khí Việt
- Trong lĩnh vực kinh doanh phân bón và hoá chất dầu khí: PVN sẽ tiếp tục nắm giữ quyền chi phối tại PVFCCo; triển khai cổ phần hoá Nhà máy Đạm Cà Mau và chuyển nhượng phần vốn của Tập đoàn tại nhà máy này cho PVFCCo sau khi hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành thương mại.
- Trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm dầu: Hiện có 2 đơn vị gồm: PV Oil tái cấu trúc trên cơ sở hợp nhất Công ty TNHH một thành viên Chế biến và kinh doanh sản phẩm dầu mỏ (PDC) và Công ty Thương mại dầu khí (Petechim). Tập đoàn đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cổ phần hoá PV Oil với dự kiến Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ. Petechim là đơn vị được PVN tiếp nhận từ Bộ Công thương; đã thực hiện cổ phần hoá. Tập đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo đơn vị tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để nhận chuyển 43,78% vốn, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại DN này xuống còn 51% vốn điều lệ.
- Trong lĩnh vực chế biến dầu khí: Tập đoàn sẽ thành lập Tổng công ty Lọc hoá dầu khi đủ điều kiện. Hiện nay, PVN đang nghiên cứu phương án chuyển đổi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất do Tập đoàn đầu tư 100% vốn thành CTCP.
- Trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh điện: Tập đoàn đã thành lập Tổng công ty Điện lực dầu khí do PVN sở hữu 100% vốn. Dự kiến, sẽ cổ phần hoá Tổng công ty sau năm 2015, sau khi các nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu, Vũng Áng, Quảng Trạch hoàn thành và đi vào hoạt động.
- Trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí: Tiếp tục nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại các đơn vị chiến lược như: PVD, PSTC. Tại các tổng công ty khác, Tập đoàn sẽ thực hiện chi phối thông qua thương hiệu, thị trường, thông qua việc tổ chức quản lý công ty.
Trong lĩnh vực kinh doanh hỗ trợ
- Lĩnh vực tài chính, bảo hiểm: PVN hiện có 2 tổng công ty thành viên là PVFC và PVI. Tập đoàn sẽ tiếp tục tái cơ cấu các đơn vị, song song với việc thực hiện lộ trình giảm vốn của PVN tại đơn vị này.
- Đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản: Hiện nay, Tập đoàn đã sắp xếp tất cả các DN hoạt động trong lĩnh vực này về một đầu mối là Tổng CTCP Xây lắp dầu khí do PVN sở hữu 41,21% vốn điều lệ. Tập đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu Tổng công ty để giảm tỷ lệ nắm giữ tại PVC xuống khoảng 20% vốn điều lệ.
Sắp xếp lại các đơn vị
PVN đã tiếp nhận 4 DNNN, cơ cấu lại thành công ty con của Tập đoàn (1 đơn vị - Petechim), hoặc công ty con của các tổng công ty thành viên (3 đơn vị) và thực hiện cổ phần hoá. Ngoài ra, Tập đoàn đang tiếp nhận 5 dự án/công ty/khu công nghiệp từ Vinashin, trong đó 1 đơn vị được tổ chức lại là công ty thành viên của Tập đoàn (Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Việt Nam), các đơn vị khác sẽ được sắp xếp về làm công ty con thuộc các tổng công ty thành viên của Tập đoàn.
Tại các đơn vị mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối, PVN cũng đang rốt ráo thực hiện việc thoái vốn. Tập đoàn đã thoái vốn tại PVC, DMC, PVI…
Các tổng công ty con, tổng công ty thành viên thuộc PVN cũng được chỉ đạo tiếp tục triển khai công tác tái cơ cấu như: cổ phần hoá Nhà máy Điện Nhơn Trạch I - thuộc Tổng công ty Điện lực dầu khí; cổ phần hoá Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (DQS). Tại PVEP: sẽ tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng phần vốn góp của 6 công ty điều hành các dự án dầu khí tại nước ngoài (
Để tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động của DN sau cổ phần hoá, các DN được yêu cầu đẩy mạnh công tác niêm yết cổ phiếu.
Quản lý theo cơ chế người đại diện
Công tác sắp xếp, tái cấu trúc các DN là một quá trình thường xuyên, liên tục. PVN đã thành lập Ban đổi mới DN, có sự tham gia đầy đủ của các bộ phận trọng yếu trong Tập đoàn. Để bám sát tình hình thực hiện tại các đơn vị, Ban đổi mới DN Tập đoàn họp định kỳ cùng các đơn vị, cùng tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Công tác đổi mới DN ở đây không chỉ ở việc chuyển đổi mô hình hoạt động, thay đổi cơ cấu sở hữu vốn của đơn vị mà còn thể hiện ở sự đổi mới trong công tác quản trị DN. Các đơn vị đều là các thực thể pháp nhân độc lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Do vậy, cơ chế để Tập đoàn thực hiện các quyền chi phối của chủ sở hữu/thành viên góp vốn hay cổ đông đều thực hiện thông qua người đại diện của Tập đoàn tại đơn vị. Để mọi chỉ đạo, định hướng của Tập đoàn với các đơn vị được nhanh hơn, đảm bảo tính tuân thủ tốt thì công tác nhân sự luôn được chú trọng. PVN đã xây dựng quy chế người đại diện, trực tiếp phê duyệt Chiến lược phát triển, quy chế tài chính của đơn vị, điều lệ hoạt động…, để đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển chung của Tập đoàn, của ngành dầu khí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.