Ngày 21/12 tại TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị tham vấn về định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì, hội nghị thu hút gần 500 đại biểu các bộ ngành, địa phương, hiệp hội và nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tham gia.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, thu hút đầu tư nước ngoài là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.
Khu vực FDI đã góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nhiều việc làm mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế thay đổi và là nhân tố đưa kinh tế nước ta phát triển nhanh hơn.
“Để thu hút FDI có hiệu quả trong thời gian tới, các địa phương cần chuẩn bị tốt các điều kiện về quy hoạch xây dựng, gắn quy hoạch khu công nghiệp với quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở và dịch vụ. Cùng đó, tập trung đầu tư hạ tầng, kết nối địa phương với vùng, với quốc gia; đầu tư phát triển hạ tầng bên trong khu công nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần đảm bảo lợi ích của người dân khi giải phóng mặt bằng lấy đất phục vụ khu công nghiệp. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở; đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp.
Ngoài ra, coi trọng, tăng cường công nghiệp hỗ trợ; đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự, chính trị, xã hội tại các vùng có đầu tư nước ngoài. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài triển khai đầu tư, sản xuất theo đúng cam kết và pháp luật Việt Nam. Quan tâm đến nghiên cứu, phát triển đầu tư công nghệ mới, gắn kết với doanh nghiệp Việt Nam để phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư ở Việt Nam phải gắn sản xuất với phát triển xã hội, đặc biệt là nhà ở, dịch vụ phục vụ cho người lao động; tuyệt đối bảo vệ môi trường khi đầu tư sản xuất ở Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, trải qua 30 năm, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, là khu vực phát triển năng động, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến tháng 11/2018, cả nước có khoảng 27.000 dự án của các nhà đầu tư đến từ 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký gần 340 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 188,8 tỷ USD. Các dự án FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, chiếm 57% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Khu vực đầu tư nước ngoài là nguồn vốn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hình thành một số ngành công nghiệp mũi nhọn; gia tăng năng lực sản xuất; giữ vai trò chủ đạo trong xuất khẩu và chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, từng bước đưa sản phẩm của Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Sự phát triển của khu vực đầu tư nước ngoài đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế thông qua thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất ở khu vực doanh nghiệp trong nước, góp phần thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, góp phần đáng kể trong nâng cao thế và lực của đất nước sau 30 năm đổi mới và hội nhập.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút và sử dụng FDI còn một số hạn chế, bất cập như liên kết của khu vực FDI đến khu vực trong nước và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao; chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI chưa đạt hiệu quả mong muốn; FDI từ các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) và vào lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn còn hạn chế…
Để khắc phục các bất cập này, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Bộ đang xây dựng và hoàn thiện Đề án "Định hướng hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030".
Theo đó, trong thời gian tới, định hướng thu hút FDI giai đoạn tới sẽ tập trung ưu tiên thu hút nguồn vốn và công nghệ có trọng tâm trọng điểm, thu hút dòng vốn từ nhiều thị trường và đối tác, chú trọng các nước phát triển. Trong từng thời kỳ, ưu tiên thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm nguyên tắc đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế.
Đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông Tetsu Funayama, Trưởng ban Diễn đàn doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Mitsubishi Corporation Việt Nam cho rằng, đây là lý do 66% doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế về môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, thị trường tiêu thụ với hơn 90 triệu dân và nguồn lao động giá rẻ… môi trường đầu tư Việt Nam vẫn tồn tại những “nút thắt” lớn.
Trong đó, vấn đề được các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam hết sức quan tâm là công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và mong muốn của các doanh nghiệp FDI. Đây là nút thắt lớn làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam, nhất là đối với các tập đoàn kinh tế lớn.
Theo đề xuất của ông Tetsu Funayama, để khắc phục tồn tại trên, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cần đưa ra những chính sách cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng đầu tư mở rộng kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời hỗ trợ hợp tác để đào tạo, bỗi dưỡng các chuyên gia, kỹ sư thiết chế, kỹ sư máy, nhân viên kỹ thuật, do đó rất mong được Chính phủ và các bộ ban ngành địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực này.
Ông Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.
Trên thực tế, thời gian qua các nhà đầu tư Hàn Quốc đã rất quan tâm, thực hiện nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam, trở thành quốc gia dẫn đầu trong tổng số hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, một trong những rào cản về chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI với Việt Nam là việc thiếu nhân lực và khoa học kỹ thuật.
“Trong thời gian tới, Việt Nam cần chuẩn hóa những chương trình đào tạo cấp chứng chỉ kỹ thuật cho kỹ sư, người lao động để doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam tin tưởng hơn, không bị lãng phí thời gian và chi phí để đào tào, tuyển chọn người lao động. Đồng thời, các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, minh bạch và rõ ràng”, ông Kim khuyến nghị.
Đại diện cho địa phương, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc cho biết, với tinh thần đổi mới kinh tế và chủ động tích cực hội nhập quốc tế, tỉnh Vĩnh Phúc đã vận dụng sáng tạo, khai thác các lợi thế của tỉnh, lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, tạo nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Sau hơn 20 năm tái lập, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế xã hội, phần lớn là nhờ sự thành công trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng có chọn lọc, chú trọng hàm lượng công nghệ cao. Đây là một bài học kinh nghiệm quý báu trong hoạt động thu hút FDI của địa phương.
"Để phát huy được hiệu quả sử dụng vốn FDI đáp ứng mục tiêu phát triển của đất nước của các địa phương, trong giai đoạn tới, rất cần những chuyển hướng về chiến lược chính sách nhằm thu hút nguồn vốn FDI, nâng cao năng lực quản lý đầu tư nước ngoài trong điều kiện mới; khai thác tối đa những tiềm năng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, tiếp cận được với chuỗi sản xuất toàn cầu", bà Lan nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 9 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 30.000 tỷ đồng.
Đánh chú ý trong số đó có dự án lắp ráp, sản xuất ôtô các loại và phụ tùng ôtô, cung cấp dịch vụ bảo hành, sửa chữa và nhập khẩu xe ôtô nguyên chiếc tại thị trường Việt Nam với quy mô mở rộng 45.000 xe/ năm do Công ty Toyota Việt Nam đầu tư với tổng vốn đầu tư 75 triệu USD; Trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án khu nhà ở công nhân và công trình dịch vụ công cộng Phoenix Town do Công ty Foxcom làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.060 tỷ đồng.
Cùng với việc trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng ký Biên bản ghi nhớ với 6 dự án, trong đó có một số dự án lớn đáng chú ý, như Dự án nhà máy sản xuất máy tính sách tay và các thiết bị công nghệ cao do Tập đoàn Compal làm chủ đầu tư, tổng vốn đăng ký 500 triệu USD; dự án xây dựng nhà xưởng cho thuê và sản xuất linh kiện điện tử tại cụm công nghiệp Đồng Sóc tổng vốn đăng ký 842 triệu USD do Tập đoàn Yoongpong Hàn Quốc làm chủ đầu tư...