Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: Lo nhất là cơ sở vật chất, giáo viên

Không ít nội dung trong Dự thảo Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chưa tìm được sự đồng thuận của các chuyên gia giáo dục.
Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: Lo nhất là cơ sở vật chất, giáo viên

Rào cản lớn về nguồn lực

“Với Đề án, lo ngại lớn nhất là việc chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Việc thay đổi cơ cấu môn học đòi hỏi các trường sư phạm phải đổi mới, đi trước một bước để đào tạo giáo viên… Tuy nhiên, cái khó không phải là đội ngũ giáo viên mới, mà đội ngũ giáo viên đang được sử dụng tại các trường. Việc hàng triệu người phải thay đổi chức danh, trang bị lại kiến thức cho phù hợp với yêu cầu đổi mới là rất khó”, GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về Dự thảo Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Ủy ban này tổ chức cuối tuần qua.

Lo lắng của GS. Đào Trọng Thi là hoàn toàn có cơ sở, bởi theo Dự thảo, thay đổi lớn nhất trong bậc học trung học cơ sở (THCS) là đào tạo theo hướng tích hợp, theo đó, sẽ không còn giáo viên theo môn học, mà chỉ có giáo viên theo ban khoa học tự nhiên và ban khoa học xã hội.

Trong khi đó, việc bậc học trung học phổ thông (THPT) chuyển từ phân ban sang các môn học tự chọn cũng dẫn tới yêu cầu nhiều cơ sở vật chất hơn để phục vụ nhiều môn học hơn. Số lớp học, số lượng giáo viên và cơ cấu môn học cũng vì thế tăng lên.

Đó là chưa kể, nếu phương án đào tạo giáo dục cơ bản 10 năm như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình, thì Nhà nước sẽ mất nguồn ngân sách lớn hơn cho việc kéo dài thêm 1 năm giáo dục cơ bản. Điều này sẽ làm thay đổi hệ thống giáo dục, bởi việc các trường THCS thêm 1 lớp sẽ phải có thêm giáo viên, có thêm cơ sở vật chất, trong khi các trường THPT giảm 1 lớp thì lại thừa giáo viên, thừa cơ sở vật chất.

“Hiện chưa nên thay đổi cơ cấu cấp học trong giáo dục phổ thông để tránh phải trả giá nhiều cho việc thay đổi chính sách”, GS. Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Đồng ý với nội dung thay đổi trong bậc học THPT, nhưng GS. Văn Như Cương cho rằng, chương trình THPT chí ít phải có 2 chương trình. Theo đó, những học sinh học chương trình có trình độ thấp hơn sẽ vào thẳng trường nghề và học sinh học chương trình cao hơn sẽ học lên đại học. Việc thực hiện 2 chương trình như vậy sẽ đảm bảo việc phân luồng học sinh THPT.

Chưa thống nhất phương án biên soạn sách

Với việc biên soạn sách giáo khoa mới, Dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác. Phương án thứ hai, các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa.

Việc xã hội hóa sách giáo khoa, theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, là điều kiện tốt để huy động nguồn lực, tạo cơ chế cạnh tranh trong viết sách giáo khoa, dẫn tới nâng cao chất lượng. Việc xã hội hóa cũng tạo nguồn cung lớn giúp chọn lựa được những bộ sách có chất lượng.

Tuy nhiên, theo GS. Đào Trọng Thi, xã hội hóa việc viết sách là đúng, nhưng yêu cầu chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Vì vậy, việc chuẩn bị một bộ sách giáo khoa chuẩn phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Đồng thời, việc thực hiện lộ trình thay đổi chương trình, sách giáo khoa phải chặt chẽ và phải có một đơn vị chịu trách nhiệm.

“Nếu chỉ dựa vào các lực lượng mang tính tự nguyện sẽ khó đảm bảo lộ trình, đảm bảo thời hạn và có thể không đảm bảo chất lượng”, GS. Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo GS. Nguyễn Khắc Phi, nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì một bộ sách giáo khoa thì sẽ đi ngược chủ trương xã hội hóa giáo dục và dẫn tới hiện tượng con đẻ, con nuôi. Bởi theo đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tín nhiệm Nhà xuất bản Giáo dục, trong khi, trên thực tế, nhiều nhà xuất bản có khả năng biên soạn sách.

“Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên làm là bồi dưỡng đội ngũ tác giả tiềm năng, tác giả chiến lược để họ hiểu và phát triển những bộ sách đáp ứng yêu cầu của Đề án”. GS. Nguyễn Khắc Phi nói.

Liên quan vấn đề này, GS. Văn Như Cương cho rằng, những bộ sách do các đơn vị khác (ngoài Nhà xuất bản Giáo dục) biên soạn vẫn phải có sự kiểm duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên rủi ro sẽ rất lớn nếu sách biên soạn ra không được Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận.

Hải Hà
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục