Đối mặt với nguy cơ cạn kiệt địa chỉ Internet Ipv4

(ĐTCK-online)Theo cảnh báo của Tổ chức Quản lý tên miền quốc tế (APNIC) và Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), chỉ còn không quá 3 năm nữa, địa chỉ Internet IPv4 sẽ cạn kiện. Địa chỉ IP là một con số (giống như số điện thoại) được định danh cho một máy tính kết nối với Internet.

Mọi thứ kết nối với Internet, như trang web, thư điện tử hay bộ định tuyến đều cần một địa chỉ IP. Sự cạn kiệt địa chỉ IPv4 được lý giải là do sự bùng nổ của Internet và ngày càng có nhiều thiết bị cầm tay kết nối với Internet. Trong 7 tháng đầu năm 2007, thế giới đã “tiêu thụ” khoảng 7 khối địa chỉ IP (mỗi khối tương đương 16 triệu địa chỉ IP), trong khi đó, cả năm 2006 “tiêu thụ” khoảng 12 khối. Còn tại Việt Nam , từ đầu năm đến nay, nhu cầu sử dụng địa chỉ IPv4 đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải pháp được các chuyên gia đưa ra để giải quyết nguy cơ cạn kiệt địa chỉ IP là chuyển sang phiên bản mới của IPv4 - đó là IPv6. IPv6 sử dụng 128-bit địa chỉ, cho phép cung cấp tới 7 tỷ địa chỉ, trong khi đó, IPv4 sử dụng 32-bit địa chỉ, chỉ cung cấp khoảng 4,3 tỷ địa chỉ IP.

Ông Trần Minh Tân, Phó giám đốc VNNIC cho biết, VNNIC đã nhận ra nguy cơ cạn kiện địa chỉ IPv4 từ năm 2000 và đã yêu cầu các doanh nghiệp nghiên cứu và thử nghiệm phiên bản mới IPv6. Tuy nhiên, động thái từ các doanh nghiệp lại không như nhà quản lý mong đợi. Gần như cả 6 nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam đều chưa có kế hoạch chuyển sang ứng dụng phiên bản mới IPv6.

Hiện mới chỉ có VDC được cấp một số địa chỉ IPV6 và đang tiến hành thử nghiệm. Tuy nhiên, các thử nghiệm mới chỉ thực hiện ở mạng kết nối cỡ nhỏ, chưa có thử nghiệm trên diện rộng, đánh giá tính tương thích, khả năng hỗ trợ đa dịch vụ IPv4/IPv6. Và theo như khẳng định của một đại diện VDC, việc thử nghiệm mới chỉ dừng ở nghiên cứu khoa học, chứ chưa thể ứng dụng cho mục đích kinh doanh.

Trong khi đó, theo ông Tân, việc chuyển đổi từ IPv4 lên IPv6 không thể tiến hành trong một thời gian ngắn. Khoảng thời gian tối thiểu để việc chuyển đổi hoàn tất là 5 năm. Như vậy, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp phải lên kế hoạch cho việc chuyển đổi này.

“Trong 1-2 năm đầu, các điều kiện, chính sách quản lý địa chỉ IP chưa bị thắt chặt, các doanh nghiệp nên tận dụng tình hình này để ứng dụng công nghệ IPv6 thay thế cho IPv4”, ông Tân nhấn mạnh. Cũng theo ông Tân, nếu không kịp thời chuyển đổi, sau năm 2008, sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước khi kết nối với nước ngoài, vì họ đã ứng dụng IPv6 rồi. Hiện nay, trên thế giới đã có khoảng 2.000 nhà cung cấp dịch vụ Internet thử nghiệm và cung cấp dịch vụ dựa trên IPv6.

Theo tính toán, đến năm 2010, số người sử dụng Internet tại Việt Nam sẽ lên đến con số 30,8 triệu người. Nếu tỷ lệ địa chỉ IP/người sử dụng Internet được nâng lên mức 0,72% như tỷ lệ hiện nay của Trung Quốc (tỷ lệ của Việt Nam hiện nay là 0,1%), để đảm bảo đủ tài nguyên địa chỉ hoạt động Internet, Việt Nam cần khoảng 1,32 khối, tương đương 21 triệu địa chỉ.

Huyền Anh
Huyền Anh

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ