Nền tảng mạng xã hội này lập luận rằng, những lo ngại về an ninh quốc gia không phải là lý do chính đáng để hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Trong đơn kiện đệ trình lên Tòa Phúc thẩm Liên bang tại Thủ đô Washington D.C, Tiktok phản đối đạo luật “Bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát” vừa được ban hành, cho rằng nội dung đạo luật này đã vi phạm các biện pháp bảo vệ Hiến pháp về quyền tự do ngôn luận.
“Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cấm vĩnh viễn trên toàn quốc đối với một nền tảng ngôn luận nổi tiếng, cấm người dân Mỹ được tham gia vào một cộng đồng trực tuyến duy nhất sở hữu hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới", trích từ đơn kiện của Tiktok.
Tiktok nêu lên việc viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia không đủ để hạn chế quyền tự do ngôn luận. Nền tảng này yêu cầu Chính phủ liên bang Mỹ phải có trách nhiệm chứng minh được lệnh hạn chế này là chính đáng.
Ông John Moolenaar, Chủ tịch Uỷ ban về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung thuộc Hạ viện Mỹ, cho biết: “Quốc hội và Cơ quan Hành pháp đã kết luận dựa trên cả thông tin được công khai và thông tin mật, rằng TikTok gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và sự an toàn của người dân Mỹ”.
Vụ kiện này là diễn biến mới nhất trong nỗ lực kéo dài nhiều năm của chính phủ Mỹ nhằm hạn chế TikTok một cách hiệu quả. Những nỗ lực này đã nhen nhóm từ năm 2020 dưới thời cầm quyền của ông Donald Trump và hiện là ông Joe Biden. Chính phủ liên bang cũng như ở một số bang, Tiktok đã bị cấm sử trên các thiết bị của chính phủ.
Đã có nhiều hoài nghi xung quanh thuật toán và khả năng bảo mật của Tiktok. Tuy nhiên, TikTok cố gắng bày tỏ với người dùng và Chính phủ Mỹ rằng nền tảng này đặc biệt coi trọng vấn đề bảo mật dữ liệu. Vào năm 2022, công ty bắt đầu “Dự án Texas”, một động thái nhằm cung cấp tính năng bảo mật và minh bạch dữ liệu xung quanh thông tin mà ứng dụng thu thập về người dùng ở Mỹ. Nhưng điều đó vẫn không thể dập tắt được mối quan ngại của chính phủ đối với ứng dụng này cũng như đối với sự giám sát từ chính phủ Trung Quốc qua ứng dụng này.
Đơn kiện tuyên bố rằng, Quốc hội Mỹ đã không đưa ra được bằng chứng rõ ràng nào về các rủi ro bảo mật hoặc lan truyền từ nước ngoài, cũng không chứng minh được các tác hại cụ thể.
TikTok còn tuyên bố rằng, luật này vi phạm quyền xét xử đúng pháp luật theo Hiến pháp và là một dự luật “vi hiến”, một đạo luật lập pháp tuyên bố một bên phạm tội và áp dụng hình phạt cho hành vi đó mà không cần xét xử.
Trong vụ kiện, Tiktok cũng nêu rõ, luật này thực sự là một lệnh cấm đối với ứng dụng và phương án thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance (có trụ sở tại Trung Quốc) là “hoang đường” vì nó không khả thi về mặt thương mại, công nghệ hay pháp lý, đặc biệt là trong thời hạn 270 ngày mà đạo luật quy định.
Theo đơn kiện của Tiktok, nếu đạo luật vẫn được giữ nguyên, Chính phủ liên bang sẽ có cơ hội viện dẫn an ninh quốc gia và buộc các nhà xuất bản của các nền tảng khác, bao gồm cả các trang tin tức, phải bán hoặc đóng cửa.