Đòi hủy bỏ nghị quyết, cổ đông Công ty 30/4 thua kiện

(ĐTCK) Từ khi xuất hiện cổ đông mới là Công ty cổ phần Ô tô TMT, nội bộ của Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng và Tư vấn thiết kế 30/4 (Công ty 30/4) nảy sinh mâu thuẫn gay gắt. Đỉnh điểm là việc cổ đông yêu cầu hủy bỏ Điều lệ Công ty và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.

Nghị quyết trái quy định?

Mới đây, nhóm cổ đông gồm các ông Nguyễn Đình Quang, Nguyễn Ngọc Quang và Trần Văn Thắng sở hữu 180.210 cổ phần (18,72% vốn điều lệ) Công ty 30/4 đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân TP. Hà Nội để xem xét bản án giải quyết việc yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.

Theo đơn thư, ngày 30/4/2015, Công ty 30/4 đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần thứ 2 để thông qua tờ trình số 557B/2015-TT-HĐQT về việc sửa đổi Điều lệ công ty và dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ. Đại hội đồng cổ đông đã bỏ phiếu biểu quyết với tỷ lệ phiếu tán thành là 70,64%.

Tại phiên họp, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua Nghị quyết số 629/2015/NQ-ĐHCĐ ngày 28/12/2015 để ban hành Điều lệ sửa đổi năm 2015 với tỷ lệ biểu quyết thông qua là 70,46%.

Ngày 26/2/2016, Công ty tiếp tục tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần thứ 2 để thông qua tờ trình số 43B/2016-TT-HĐQT về phương án phát hành thêm cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Kết quả số phiếu tán thành là 655.601,5/930.381,5; chiếm tỷ lệ 70,63%.

Trên cơ sở Biên bản họp, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua Nghị quyết số 72B/2016-NQ-ĐHĐCĐ ngày 26/2/2016 thực hiện việc tăng vốn điều lệ.

Sau khi Nghị quyết số 72 được thông qua thì phát sinh tranh chấp giữa các cổ đông. Tính đến thời điểm năm 2016, Công ty 30/4 có tổng cộng 3 Điều lệ là Điều lệ năm 2005, 2014 và 2016.

Nhóm cổ đông cho rằng, Nghị quyết 629 và 72 được ban hành sai quy định vì vi phạm Điều lệ công ty về tỷ lệ bỏ phiếu.

Theo nhóm cổ đông, tại điểm b khoản 28.1 Điều 28 Điều lệ công ty ngày 27/5/2005 quy định, Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông có giá trị khi được số cổ đông sở hữu hoặc đại diện sở hữu từ 51% vốn điều lệ của công ty trở lên. Nhưng kể từ ngày 1/7/2006, quy định tại điểm này không còn hiệu lực theo điểm b khoản 3 Điều 104 Luật Doanh nghiệp 2005.

Như vậy, tờ trình số 557B của HĐQT đã viện dẫn một điều khoản không còn giá trị pháp lý để sửa đổi bổ sung Điều lệ công ty.

Mặt khác, Điều lệ sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua hợp pháp. Tại Nghị quyết số 37/NQ-ĐHĐCĐ thường niên của Công ty ngày 26/2/2014 đã ghi rõ: “Thông qua việc Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị (HĐQT) được phép bàn bạc và thay Đại hội đồng cổ đông ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty...”.

Nghị quyết này được gửi tới Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thẩm định để cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới cho doanh nghiệp. Do đó, HĐQT ký ban hành Điều lệ năm 2014 là trong phạm vi ủy quyền hợp pháp.

Theo quy định của điều lệ 2014, việc sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty phải được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết. Đại hội đồng cổ đông Công ty ngày 28/12/2015 và Nghị quyết số 72 không có giá trị pháp lý vì dưới mức 75%.

Từ các căn cứ trên, nhóm cổ đông đề nghị hủy bỏ Nghị quyết số 629 và 72.

Điều lệ áp dụng là... dự thảo

Vấn đề quan trọng nhất các bên đang tranh cãi là Điều lệ năm 2010 và được sửa đổi, thay thế năm 2014 có giá trị pháp lý không. Nếu Điều lệ năm 2014 có giá trị thì Nghị quyết số 629 và 72 sẽ bị bác bỏ. Trái lại, nếu Điều lệ năm 2014 không có giá trị, thì sẽ căn cứ vào Điều lệ sáng lập năm 2005. Như vậy, các nghị quyết mới ban hành sẽ được bảo toàn.

Theo đại diện ủy quyền của Công ty 30/4, chỉ có 2 Điều lệ hợp pháp là Điều lệ do cổ đông sáng lập năm 2005 và Điều lệ sửa đổi do Đại hội đồng cổ đông ban hành năm 2015. Còn Điều lệ năm 2010 và 2014 thực chất là các bản dự thảo chưa được Đại hội đồng cổ đông thông qua đúng quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2015 và Điều lệ năm 2005.

Bằng chứng là năm 2010, Công ty xây dựng dự thảo điều lệ sửa đổi nhằm phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Nhưng dự thảo không được Đại hội đồng cổ đông thông qua bằng hình thức biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông mà lấy ý kiến bằng văn bản thư tín. Việc làm này là trái với khoản 2, Điều 104 Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Tương tự, năm 2014, HĐQT được giao soạn thảo điều lệ sửa đổi, trình Đại hội đồng cổ đông thông qua. Tuy nhiên, sau khi soạn thảo Điều lệ sửa đổi, HĐQT lại ban hành Nghị quyết của HĐQT về việc thông qua điều lệ sửa đổi mà không trình Đại hội đồng cổ đông biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp.

Đại diện ủy quyền Công ty khẳng định, Điều lệ sửa đổi năm 2010 và 2014 không có hiệu lực pháp luật.

Còn nhóm cổ đông cho rằng, Điều lệ năm 2010 được thi hành trong hơn 3 năm. Kể từ đó, không có cơ quan có thẩm quyền nào kiến nghị, hủy bỏ. Điều lệ năm 2014 cũng hợp pháp vì pháp luật không có quy định cấm/hạn chế Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho HĐQT ban hành Nghị quyết. Và trên thực tế, Công ty áp dụng điều 30 – Điều lệ năm 2014 khi ban hành thư mời Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 họp ngày 18/4/2015. Một cổ đông cá nhân không đủ điều kiện tham dự do chỉ sở hữu 500 cổ phần (quy định là 3.000 cổ phần).

TMT kiểm soát toàn bộ Công ty?

Điều lệ năm 2010, 2014 được Công ty 30/4 áp dụng trong quá trình tổ chức quản lý và không bị khiếu nại, khiếu kiện. Mâu thuẫn phát sinh từ khi có Điều lệ năm 2015, cũng là thời điểm xuất hiện nhóm cổ đông mới chi phối.

Công ty 30/4 vốn là doanh nghiệp nhà nước được chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần từ năm 1998. Năm 2002, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Công ty thuộc Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam thực hiện cổ phần hóa. Năm 2004, Công ty Cơ khí 30/4 chuyển thành Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng và Tư vấn thiết kế 30/4.

Công ty có vốn điều lệ 9,625 tỷ đồng; vốn nhà nước là 2,8 tỷ đồng. Tại thời điểm cổ phần hóa, giá trị thực tế của doanh nghiệp là 21,5 tỷ đồng; giá trị phần vốn nhà nước là 5 tỷ đồng.

Năm 2014, Công ty cổ phần Ô tô TMT thực hiện mua 655.601,5 cổ phiếu của Công ty 30/4. Thời điểm đó, giá mua xấp xỉ 25.000 đồng/cổ phiếu. Sau giao dịch, TMT trở thành cổ đông lớn nắm giữ cổ phần chi phối đạt tỷ lệ sở hữu 68,11% số lượng cổ phần phổ thông. Theo tính toán, số tiền TMT bỏ ra trong thương vụ này vào khoảng hơn 16,4 tỷ đồng.

Nhóm cổ đông cho rằng, TMT tìm mọi cách cố gắng kiểm soát Công ty, khiến cổ đông nhỏ lẻ là người ảnh hưởng thiệt hại nặng nề nhất. Cổ đông nhỏ từng có ý kiến, nếu Công ty kinh doanh không có lãi thì phải giải thể hoặc cổ đông lớn mua lại cổ phần nhưng TMT chấp nhận mức giá rất thấp.

Đại diện ủy quyền của Công ty 30/4 cho biết, năm 2015, Công ty ghi nhận nợ lớn. Để có tiền trả nợ ngân hàng, nguồn duy nhất là vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp đã chào bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu nhưng các cổ đông từ chối mua. Khi đó, chỉ có TMT đồng ý mua. Nghị quyết 72 có ý nghĩa giúp Công ty thoát khỏi tình trạng phá sản.

Cổ đông thua kiện

Trước tranh cãi của các bên, tòa án đã có công văn hỏi Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Hà Nội. Sở đã phúc đáp: “Hiện nay, hồ sơ của Công ty 30/4 có bản Điều lệ được thông qua ngày 27/5/2005... Hồ sơ các lần thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh từ lần 1 đến lần 8 không yêu cầu bản điều lệ kèm theo”.

Cơ quan tòa án cũng nhận định, việc áp dụng một văn bản không có nghĩa là  văn bản đó có giá trị pháp lý. Văn bản chỉ có giá trị khi tuân thủ các quy định của pháp luật về trình tự ban hành, cũng như được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Điều lệ năm 2010, 2014 do HĐQT ký ban hành, không được Đại hội đồng cổ đông biểu quyết thông qua trực tiếp. Do đó không được công nhận là điều lệ và không được áp dụng làm căn cứ để xem xét hiệu lực các Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

Như vậy, theo Điều lệ 2005, chỉ cần đạt tỷ lệ trên 50% thì Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua.

Tại quyết định sơ thẩm năm 2016 và phúc thẩm tháng 7/2017 đều không chấp nhận đơn yêu cầu của nhóm cổ đông trên. Điều lệ sửa đổi năm 2015 có hiệu lực thi hành và Nghị quyết số 72 được xác định là hợp pháp.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục