Sức ép Thông tư 36
Vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng vẫn luôn thu hút sự chú ý của thị trường và cổ đông. Việc NHNN tiếp tục quyết liệt với sở hữu chéo khiến các nhà băng chưa hoàn tất việc thoái vốn theo lộ trình tại Thông tư 36 như “ngồi trên đống lửa”.
Cụ thể, Thông tư 36 quy định, một NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó; tỷ lệ nắm giữ của NHTM tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia HĐQT của TCTD mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng hoặc NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém theo chỉ định của NHNN.
Các trường hợp ngoại lệ được thực hiện khi việc mua, nắm giữ cổ phiếu nhằm tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính cho TCTD gặp khó khăn và được NHNN chấp thuận, hoặc được chỉ định theo quy định của pháp luật. Theo lộ trình các NHTM đang nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 TCTD khác phải tính đến việc thoái vốn trong 1 năm kể từ khi Thông tư 36 có hiệu lực (ngày 1/2/2015).
Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 1 năm, nhiều ngân hàng vẫn chưa thực hiện được quy định tại Thông tư 36, giảm sở hữu chéo của ngân hàng tại TCTD khác.
Thông tư 36 quy định, một NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó; tỷ lệ nắm giữ của NHTM tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia HĐQT của TCTD mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con...
Trong số các ngân hàng đang nắm giữ cổ phần tại TCTD khác quá 5% hiện nay, Vietcombank (VCB) là điển hình khi đang nắm quyền chi phối tại 4 nhà băng khác và 1 công ty tài chính. Cụ thể, VCB đang nắm hơn 7,16% vốn tại MBB; 8,19% vốn tại Eximbank (EIB); 5,07% vốn tại OCB; 4,37% vốn tại Saigonbank và 10,91% vốn tại Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng. Vì thế, tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 vừa qua, câu chuyện thoái vốn đã được các cổ đông VCB chất vấn nhiều.
Trước thắc mắc VCB sẽ “buông” và “giữ” nhà băng nào, lãnh đạo VCB cho biết, trước mắt, NHNN cho phép VCB giữ nguyên tỷ lệ này tại MBB do MBB hoạt động hiệu quả. VCB sẽ xem xét để chỉ giữ lại cổ phần ở 2 TCTD khác, nhưng tùy vào diễn biến của thị trường, giá cổ phiếu và kế hoạch kinh doanh của mỗi TCTD.
Trong số 4 TCTD mà VCB đang nắm giữ cổ phần, VCB từng có ý định sáp nhập thêm Saigonbank. Tuy nhiên, kế hoạch trên bất thành và tại kỳ ĐHCĐ thường niên năm 2015, HĐQT Saigonbank đã không trình cổ đông vấn đề M&A với VCB, do cổ đông lớn của Saigonbank là Thành ủy UBND TP. HCM chưa có ý định sáp nhập.
Hiện Saigonbank đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng và nếu kế hoạch này thực hiện thành công, khả năng VCB và một số cổ đông lớn khác của Saigonbank như Vietinbank sẽ thoát được án “vượt rào” sở hữu tại TCTD khác.
Cũng đã có nhiều nỗ lực trong năm qua, song EIB cho biết, vẫn chưa thoái được khoản vốn đầu tư hơn 8% tại Sacombank theo quy định. Nguyên nhân là do diễn biến thị trường thời gian qua không thuận lợi, cổ phiếu ngân hàng vẫn trong xu hướng giảm. Đáng chú ý, nhiều cổ phiếu của nhà băng chưa niêm yết trên TTCK chính thức, giá đã giảm về dưới mệnh giá (10.000 đồng/CP).
Trong khi đó, áp lực thoái vốn để đáp ứng quy định của Thông tư 36 không chỉ đè lên các nhà băng, mà ngay cả DNNN cũng đang “chạy đua” thoái vốn ngoài ngành. Điều này lý giải một phần tình trạng cung tăng, cầu giảm, dẫn đến “ế hàng” trong các đợt thoái vốn ngân hàng thời gian qua.
Doanh nghiệp nhà nước và nhà băng cùng đua thoái vốn
Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa có thông báo về kết quả đăng ký mua cổ phần của SeABank và TPBank do Mobifone sở hữu. Theo kế hoạch, HNX sẽ tổ chức phiên đấu giá bán hơn 33,4 triệu cổ phần của SeABank, với mức khởi điểm 9.600 đồng/CP vào ngày 25/4/2016. Tuy nhiên, đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (ngày 15/4/2015), không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá.
Vì thế, chiếu theo quy định tại Điều 14 Quy chế bán đấu giá cổ phần của SeABank do MobiFone sở hữu ban hành kèm theo Quyết định số 176/QĐ-SGDHN ngày 24/3/2016 của HNX, cuộc đấu giá không đủ điều kiện để tổ chức. Theo đó, HNX sẽ không tổ chức phiên đấu giá bán số cổ phần của SeABank vào ngày 25/4 tới.
Mobifone bán đấu giá 33,4 triệu cổ phiếu SeABank giá 9.600 đồng/CP nhưng không ai đăng ký mua, đấu 14,28 triệu cổ phiếu TPBank giá 8.900 đồng chỉ có 6 nhà đầu tư tham gia đăng ký mua 8,7 triệu cổ phiếu; VNPT cũng từng thất bại với kế hoạch thoái vốn khỏi MSB...
Cùng ngày, HNX còn có thông báo về kết quả đăng ký mua cổ phần của TPBank cũng do Mobifone sở hữu. Theo đó, có 6 nhà đầu tư đăng ký mua hơn 8,7 triệu cổ phần TPBank, tương ứng 61% lượng cổ phần đấu giá. Đáng chú ý, 2 nhà đầu tư tổ chức chỉ đăng ký mua vỏn vẹn… 200 CP, số còn lại do 4 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua. Được biết, ngày 25/4, Mobifone sẽ bán đấu giá 14,28 triệu cổ phần TPBank với giá khởi điểm 8.900 đồng/CP.
Tới đây, Tập đoàn VNPT cũng sẽ thoái toàn bộ vốn tại MaritimeBank (MSB) thông qua việc chào bán đấu giá hơn 71,5 triệu cổ phần MSB. Dự kiến, VNPT thu về hơn 837 tỷ đồng nếu chào bán thành công. Được biết, kế hoạch thoái vốn này đã được VNPT triển khai trước đó, nhưng không thành công.
Không chỉ VNPT, trong năm qua, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cũng không thành công khi thoái vốn tại 2 ngân hàng, nơi mà DATC nắm giữ gần 50 triệu cổ phần, cho dù giá bán khởi điểm chỉ từ 4.100-5.000 đồng/CP.
Ngày 11/4 vừa qua, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) thông báo bán đấu giá hơn 12,3 triệu cổ phần tại VietABank (tỷ lệ 3,51%). Buổi đấu giá sẽ diễn ra vào ngày 12/5 tại HOSE, giá khởi điểm là 11.800 đồng/CP, trong khi giá trên OTC hiện đang thấp hơn cả mệnh giá. SJC còn lên kế hoạch chuyển nhượng 25,6 triệu cổ phần EIB (tỷ lệ 2%). Ngoài ra, Sabeco cũng đăng ký bán toàn bộ hơn 5,72 triệu cổ phần EIB với giá thỏa thuận.
Trước hiện trạng trên, TS. Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP. HCM cho rằng, việc dồn dập thoái vốn ngân hàng lúc này sẽ bất lợi cho giá cổ phiếu, trong khi lâu nay, cổ phiếu ngân hàng đã khó tăng và thị trường chưa thuận lợi để bán ra.
Mặc dù cổ phiếu ngân hàng được đánh giá khá tốt, nhưng vẫn chịu tác động từ tình hình kinh tế-tài chính chung như tỷ giá hay biến động từ thị trường thế giới. Trong khi theo lộ trình đưa ra, các DNNN buộc phải sớm tìm đối tác để chuyển nhượng cổ phần.
Tuy nhiên, không phải cổ phiếu nhà băng nào cũng vắng khách. Chẳng hạn, EVN đã bán đấu giá thành công gần 81,6 triệu cổ phần của ABBank (tỷ lệ 16%) cho 5 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức.
Trong đó, 5 nhà đầu tư cá nhân đã mua thành công 40 triệu cổ phần của phiên đấu giá này với giá 10.000 đồng/CP, tương ứng 400 tỷ đồng; cổ đông tổ chức trúng thầu tại mức giá 10.100 đồng/CP. Trong khi, tại thời điểm đó trên thị trường OTC, giá cổ phiếu ABBank chỉ giao dịch khoảng 4.000-5.500 đồng/CP.