Đôi cánh nâng doanh nghiệp tỷ USD

(ĐTCK) Trong số các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, trong nhiều bảng xếp hạng doanh nghiệp uy tín của đất nước, tên tuổi các doanh nghiệp niêm yết xuất hiện không ít. Trở thành các doanh nghiệp tỷ USD, họ đang nuôi giấc mơ lớn hơn: đưa thương hiệu trở nên nổi tiếng trên hoàn cầu.
Đôi cánh nâng doanh nghiệp tỷ USD

Câu chuyện FPT và Vingroup

FPT và Vingroup, 2 doanh nghiệp niêm yết hàng đầu thị trường chứng khoán Việt Nam đã được Bộ Ngoại giao đề nghị có chương trình đón tiếp Thủ tướng Malaysia hôm 28/8/2019 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam. Lý do là bởi chính khách này rất mê công nghệ và xe hơi.

Cuộc đối thoại giữa các bạn trẻ Ðại học FPT và vị thủ tướng 94 tuổi, người đã góp phần đưa Malaysia trở thành một trong những con hổ châu Á diễn ra rất sôi nổi và hào hứng.

Và khi Thủ tướng Malaysia trực tiếp cầm lái chiếc xe mang thương hiệu Vinfast, ông khen ngợi xe khoẻ, thiết kế đẹp, khiến nhiều người tự hào.

Tự hào bởi Việt Nam đã có những thương hiệu ngang tầm thế giới, có thể tự tin giới thiệu với những chính khách nổi tiếng.

FPT niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vào cuối năm 2006, đúng giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ, với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 400.000 đồng/cổ phiếu.

Khi đó, nhiều người FPT như đi trên mây, bỗng dưng sở hữu cả chục tỷ đồng, trong khi một căn hộ chung cư 70 - 80 m2 ở Mỹ Ðình 2 (Hà Nội) chỉ có giá 600 - 700 triệu đồng.

Không ít người tự nhận là thành viên “hội những người ham vui”, bán cổ phiếu mua nhà, mua xe, sống cuộc đời phong lưu, rủng rỉnh.

Giá cổ phiếu FPT từng lập đỉnh ở mức 672.000 đồng/cổ phiếu (có anh nhân viên nọ bán 1.000 cổ phiếu mua được ô tô Honda Civic mà vẫn còn dư 200 triệu đồng).

Sau đó, thị trường chứng khoán lao dốc, hàng loạt cổ phiếu rớt giá, nhưng FPT vẫn giữ được đẳng cấp của một bluechips khi nền tảng hoạt động kinh doanh vững vàng và ngày càng mở rộng.

Từ mức vốn điều lệ 608 tỷ đồng khi chào sàn, nay FPT đã tăng vốn lên 6.783 tỷ đồng, giá trị vốn hóa thị trường đạt khoảng 2 tỷ USD. FPT trở thành thương hiệu nổi tiếng nhất về công nghệ thông tin của Việt Nam, phạm vi hoạt động trải rộng 45 nước trên thế giới.

Nếu có nhà đầu tư nào mua cổ phiếu FPT ở mức giá 400.000 đồng/cổ phiếu và nắm giữ tới hiện nay thì tính theo thị giá cổ phiếu hiện tại, cộng thêm các lần trả cổ tức bằng tiền, bằng cổ phiếu, giá trị tài khoản của nhà đầu tư vẫn tăng.

Tương tự, cổ phiếu VIC của Vin-group giao dịch ngày đầu tiên vào tháng 9/2007 với giá đóng cửa 125.000 đồng/cổ phiếu.

Sau 12 năm phát triển, từ doanh nghiệp thuần về bất động sản với vốn điều lệ 800 tỷ đồng, Vingroup hiện nay đã phát triển thành một hệ sinh thái, thêm nhiều công ty con, vốn điều lệ đạt trên 33.000 tỷ đồng, vốn hóa thị trường lên tới gần 15 tỷ USD.

Mặc dù chỉ số P/E luôn duy trì ở nhóm cao nhất thị trường, hiện là 80x, nhưng thị giá cổ phiếu VIC không vì thế mà bị thị trường đánh giá là quá đắt và lúc nào cũng nằm trong Top dẫn đầu về giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vingroup mở rộng ra nhiều ngành nghề và khẳng định vị thế là một trong những “sếu đầu đàn” của nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán đã trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho nhiều đợt huy động vốn quốc tế của doanh nghiệp này.

Quán quân đem về lợi nhuận cho nhà đầu tư có lẽ là cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Ðầu năm 2006, Vinamilk niêm yết, thị giá đạt 53.000 đồng/cổ phiếu, vốn điều lệ của doanh nghiệp thời điểm đó là 159 tỷ đồng.

Nay vốn điều lệ của Vinamilk đã lên tới 17.400 tỷ đồng, vốn hóa thị trường xấp xỉ 10 tỷ USD. VNM luôn là cổ phiếu đem lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư dài hạn, đúng với danh hiệu “bò sữa” trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Một doanh nghiệp khác trong danh sách công ty tỷ USD là Thế giới Di động (MWG). Là doanh nghiệp khởi nghiệp vào năm 2004, 3 năm sau, Thế giới Di động tiếp nhận vốn đầu tư của Quỹ Mekong Capital, chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần và từ đây liên tục bứt phá.

Năm 2014, khi cổ phiếu MWG chào sàn và khớp lệnh với giá 81.500 đồng/cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoài nghi và cho rằng, có biện pháp kỹ thuật đẩy giá cổ phiếu lên.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, cổ phiếu này đã khẳng định đẳng cấp khi giữ giá và liên tục tăng mạnh, trở thành mã chứng khoán ưa thích của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Từ mức vốn 627 tỷ đồng khi niêm yết, hiện nay, Thế giới Di động đạt quy mô vốn điều lệ 4.427 tỷ đồng.

Với thị giá hiện tại 126.500 đồng/cổ phiếu, cổ đông của doanh nghiệp kiếm bộn tiền khi đều đặn nhận cổ tức bằng tiền và chia thưởng cổ phiếu trong những năm qua.

Kỳ vọng VN30 sẽ phát triển thành VN100

Những doanh nghiệp tỷ USD đều giữ được đẳng cấp và hiệu quả kinh doanh cốt lõi liên tục được cải thiện mạnh mẽ. Trong khi đó, có nhiều cái tên sớm trở nên mờ nhạt.

Chẳng hạn SAM, một trong 3 mã cổ phiếu sớm nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, những phiên giao dịch đầu tiên, nhà đầu tư phải chen nhau xếp hàng mua với giá hơn 20.000 đồng/cổ phiếu.

Nhưng nay, doanh nghiệp hoạt động èo uột, dù vốn điều lệ tăng 10 lần so với 19 năm trước, thị giá cổ phiếu SAM đã rớt xuống dưới mệnh giá và trở thành cổ phiếu bị quên lãng.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có quá nhiều công ty niêm yết có quy mô nhỏ và hoạt động không theo quy chuẩn. Ðể tăng quy mô thị trường, cần nối dài danh mục những doanh nghiệp tốt, tăng trưởng bền vững mà nhà đầu tư có thể yên tâm bỏ vốn”

Lãnh đạo một quỹ đầu tư nước ngoài nhận xét và cho rằng Việt Nam cần có nhiều hơn nữa những điển hình như Vinamilk hay Thế giới Di động, để trở thành câu chuyện mà họ có thể đem đi kể với thế giới về sự thành công khi bỏ vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Nhà đầu tư cần thấy thị trường có số lượng công ty lớn, hoạt động lành mạnh với bề dày về quản trị công ty tốt. Chúng tôi kỳ vọng đến một ngày chỉ số VN30 sẽ phát triển thành VN100 với 100 công ty niêm yết tốt mà nhà đầu tư có thể đầu tư”, lãnh đạo quỹ đầu tư nước ngoài trên nói.

Ðiểm chung ở nhiều công ty niêm yết lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam là Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, ban lãnh đạo có một tỷ lệ sở hữu cổ phần tương đối lớn ở công ty và có sự tham gia của nhiều thành phần cổ đông, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài.

Việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài mặc dù không trực tiếp điều hành công ty, nhưng có tác dụng tốt, gây sức ép lên ban điều hành trong việc định hướng chiến lược, áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty và minh bạch thông tin, đối xử bình đẳng với các cổ đông.

Trong định hướng thu hút vốn đầu tư tới đây của Chính phủ, các nguồn vốn từ những thị trường phát triển được quan tâm đặc biệt. Với các nhà đầu tư này, theo ông Vũ Hữu Ðiền, Giám đốc Ðầu tư, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, nhà đầu tư thường muốn đầu tư vào các công ty có quy mô lớn với tỷ lệ sở hữu lớn.

Họ có thể đầu tư vào số lượng ít các công ty, nhưng mỗi khoản đầu tư sẽ rất lớn, với mức độ tham gia vào điều hành, quản lý sâu sát hơn.

Theo một nghiên cứu của Econo- mical, có những bằng chứng cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân lớn hơn và được quản trị tốt hơn ở Việt Nam có xu hướng tăng tích cực về hiệu quả hoạt động và năng suất. Ðổi lại, họ dễ dàng thu hút vốn đầu tư và vươn ra các thị trường mới thuận lợi hơn.

Bàn về câu chuyện này, Giáo sư Phan Văn Trường, cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp nói: “Tôi thấy Vingroup đã mở rộng sang lĩnh vực sản xuất smartphone, ô tô, công nghệ, nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Làm 20 lần như thế, Vingroup vẫn còn chỗ vì thị trường rất rộng lớn, thành thử lấy 1% thị trường vẫn còn quá rẻ, dư địa phát triển cho các doanh nghiệp còn rất nhiều”.

Giáo sư nói thêm: “Ðất nước chúng ta rất cần tạo xã hội trung bình, vì chính xã hội trung bình sẽ đem lại nhiều vốn cho đầu tư và thị trường chứng khoán. Nếu chỉ có ít người lo phần đầu tư thì tiềm lực tài chính của họ cũng chỉ hữu hạn. Bởi vậy, rất cần huy động nguồn lực của đại chúng, của toàn dân. Khi đó, các công ty của chúng ta mới mong lấy được hết thị trường”.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục