Chặng đường gọi vốn của những doanh nghiệp tỷ USD

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hiện có hơn 30 doanh nghiệp quy mô vốn hóa vượt mức 1 tỷ USD, năng lực sản xuất - kinh doanh vượt trội, trở thành những doanh nghiệp đầu ngành, đủ sức cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực và quốc tế.
Chặng đường gọi vốn của những doanh nghiệp tỷ USD

Sức bật từ những thương vụ nghìn tỷ đến hợp tác chiến lược

Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup (VIC) thành lập tháng 5/2002 với vốn điều lệ ban đầu 196 tỷ đồng, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, cho thuê văn phòng, trung tâm thương mại.

Sau 17 năm hoạt động, tính đến ngày 31/3/2018, VIC đã vươn lên trở thành một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam với tổng tài sản 223.850 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 59.256 tỷ đồng, hoạt động đa ngành từ bất động sản đến giáo dục, y tế, sản xuất ô tô…

Bên cạnh việc sử dụng nguồn lợi nhuận giữ lại từ kinh doanh, quá trình phát triển của VIC có sự đóng góp rất lớn từ việc gọi vốn thông qua TTCK, đặc biệt là sự kiện phát hành thành công 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi tại TTCK Singapore ngày 17/11/2009, đưa VIC trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên gọi vốn quốc tế thành công, mở ra hướng huy động vốn mới, chủ động hội nhập, tham gia thị trường vốn quốc tế của các doanh nghiệp.

Năm 2012, VIC có hai đợt phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi quốc tế vào tháng 3 và tháng 6, thu về tổng cộng 300 triệu USD.

Các đợt phát hành này đã mang lại nguồn vốn dài hạn quan trọng cho VIC trong bối cảnh TTCK trong nước những năm 2009 - 2012 giao dịch ảm đạm, mặt bằng lãi suất đi vay ở mức cao.

Đồng thời, khẳng định uy tín của VIC, chứng tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng lớn của các nhà đầu tư khi trái phiếu chuyển đổi không có tài sản bảo đảm, các nhà đầu tư hầu như chỉ dừng lại ở việc tham gia với vai trò thành viên Hội đồng quản trị độc lập, hỗ trợ công tác định hướng, quản trị, còn việc điều hành hoạt động vẫn do bộ máy lãnh đạo của VIC đảm nhiệm.

Chặng đường gọi vốn của những doanh nghiệp tỷ USD ảnh 1

Cuối tháng 4/2018, Vinhomes đã hoàn tất gọi vốn từ Quỹ đầu tư GIC (Singapore) với giá trị hơn 1,3 tỷ USD. 

Thành công và kinh nghiệm gọi vốn quốc tế của VIC đã được áp dụng và đem lại sức bật lớn cho các công ty thành viên sau này như Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE), Công ty cổ phần Vinhomes (VHM).

Tại Công ty cổ phần Vincom Retail, ngay khi chuyển đổi thành công ty cổ phần tháng 5/2013, VRE đã gọi vốn thành công từ Warburg Pincus (WP). WP thông qua WP Investments III B.V và Credit Suisse AG - chi nhánh Singapore đã đầu tư 200 triệu USD vào VRE và đến tháng 6/2015 đầu tư thêm 100 triệu USD qua hình thức mua cổ phần ưu đãi cổ tức và các khoản vay có quyền chuyển đổi sang cổ phần phổ thông.

Tổng số vốn này sau khi được chuyển đổi trước thời điểm VRE niêm yết tháng 10/2017 tương đương với hơn 20% cổ phần của doanh nghiệp.

Với VHM, cuối tháng 4/2018, đơn vị được thành lập để phát triển bất động sản cao cấp của VIC đã hoàn tất gọi vốn từ Quỹ đầu tư GIC (Singapore) với giá trị hơn 1,3 tỷ USD, bao gồm mua vào 153,85 triệu cổ phiếu VHM, tương ứng 5,74% vốn điều lệ và cung cấp các khoản nợ.

Cùng với sự phát triển của TTCK, hoạt động gọi vốn của doanh nghiệp diễn ra ngày càng sôi động. Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tính đến hết năm 2016, thông qua TTCK, các doanh nghiệp đã huy động được hơn 380.000 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu và hàng trăm nghìn tỷ đồng từ phát hành trái phiếu. Trong năm 2017, phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 47.900 tỷ đồng, đấu giá cổ phần đạt 2.700 tỷ đồng.

Tính riêng mảng phát hành riêng lẻ, ngoài VIC, VRE, VHM, một số thương vụ gọi vốn có quy mô lớn khác có thể kể đến như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) phát hành riêng lẻ thành công 103,5 triệu cổ phần (tương đương 8% vốn điều lệ) cho JX Nippon Oil & Energy Corporation (JXE) của Nhật Bản, thu về hơn 4.000 tỷ đồng, giúp tăng mạnh vốn chủ sở hữu, giảm tỷ lệ vay nợ, tăng cường vốn đầu tư trong năm 2016.

Tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN), việc phát hành 8,771% cổ phần cho Tập đoàn ANA Holding (Nhật Bản) giúp thu về 2.431 tỷ đồng (tương đương 109 triệu USD) trong tháng 7/2016.

Trước đó, tại Vietcombank (VCB), 4 năm sau đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ngày 26/12/2007 - lập kỷ lục cả về giá trị và sức hút với nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam, đến tháng 9/2011, VCB đã tìm được cổ đông chiến lược là Ngân hàng Mizuho Bank (Nhật Bản).

Trong lần gọi vốn này, VCB đã phát hành 347,6 triệu cổ phiếu (tương đương 15% vốn điều lệ) cho Mizuho và thu về 11.800 tỷ đồng (567,3 triệu USD). Đợt phát hành tạo ra cho VCB 8.200 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần, làm cơ sở cho hai đợt thưởng cổ phiếu cho cổ đông vào năm 2014 và 2016.

Tại Vietinbank (CTG), sau đợt IPO ngày 25/12/2008, đến tháng 10/2010, CTG đã ký hợp đồng bán 10% cổ phần cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) với giá trị khoảng 190 triệu USD. Tháng 3/2011, khi thương vụ thực hiện xong, vốn điều lệ của CTG đã tăng 11,1% lên 16.858 tỷ đồng, thặng dư vốn ghi nhận 1.854 tỷ đồng.

Hai năm sau đợt gọi vốn đầu tiên, tháng 12/2012, CTG có cổ đông chiến lược thứ hai là The Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, Ltd. (BTMU - Nhật Bản). Trong đợt tăng vốn này, CTG đã phát hành 644,4 triệu cổ phiếu cho BTMU, với giá trị 15.465 tỷ đồng (743 triệu USD). Tổng cộng hai đợt tăng vốn trên, CTG đã thu về hơn 19.000 tỷ đồng, là nguồn bổ sung quan trọng vào vốn cấp 1 thông qua tăng vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần.

Không những bổ sung nguồn vốn ổn định, lâu dài cho đầu tư phát triển, mở rộng năng lực sản xuất, mà qua các đợt huy động vốn, một số doanh nghiệp còn tìm được đối tác chiến lược, gia tăng nội lực nhờ hợp tác với những đối tác giàu kinh nghiệm trong quản trị, điều hành tại các thị trường phát triển.

Chẳng hạn, tại PLX, việc trở thành đối tác chiến lược với JXE đã giúp PLX kết nối, học hỏi và áp dụng công nghệ, bí quyết Nhật Bản vào thiết lập hệ thống phân phối, bán lẻ xăng dầu tiên tiến và hiệu quả tại thị trường Việt Nam.

Hay HVN hợp tác với ANA giúp Tổng công ty thuận lợi mở rộng đường bay giữa Nhật Bản và Việt Nam cũng như kết nối các chương trình khách hàng thân thiết giữa 2 bên. Ngoài ra, HVN còn học hỏi các kinh nghiệm quản trị từ ANA để nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa hoạt động, phát triển nguồn nhân lực…

Ở nhóm ngân hàng, vệc tìm kiếm được đối tác chiến lược một mặt giúp CTG, VCB có nguồn vốn tăng cường cho tín dụng, mở rộng mạng lưới, cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển dịch vụ mới, mở rộng hoạt động đầu tư, liên doanh.

Các ngân hàng khác như HDBank (HDB) hay MBBank (MBB), trong quá trình đẩy mạnh mảng tài chính tiêu dùng những năm qua cũng đã tìm được đối tác giàu kinh nghiệm để hợp tác phát triển. Cụ thể, MBB bán 49% cổ phần tại Mcredit cho Shinsei (Nhật Bản), HDBank chuyển nhượng 49% vốn tại HDFinance cho Credit Saison (Nhật Bản).

Sự hỗ trợ về kinh nghiệm, công nghệ, quản trị hiện đại của đối tác kết hợp với sự am hiểu thị trường trong nước và mạng lưới khách hàng sẵn có của các ngân hàng nội đến nay đã thể hiện rõ trong hiệu quả của các liên doanh tài chính tiêu dùng, đóng góp vào lợi nhuận của MBB và HDB, cổ phiếu trên thị trường được nhà đầu tư đón nhận tích cực.

Trái ngọt thành quả

VCB, CTG, BID, HDB, MBB… không chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, đạt được những kết quả tích cực trong công tác xử lý nợ xấu, tham gia tái cấu trúc, xử lý thành công các ngân hàng yếu kém theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, mà còn giữ vững vị trí đầu ngành trong nhóm ngân hàng thương mại tại Việt Nam về quy mô tài sản, nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận. Tính minh bạch trong quản trị, điều hành cũng tăng lên đáng kể và được thị trường đánh giá cao.

Nguồn vốn từ đối tác chiến lược và lợi nhuận giữ lại, những đợt chào bán cổ phiếu ra TTCK cũng đã góp phần quan trọng để sau 11 năm cổ phần hóa và 9 năm niêm yết, vốn điều lệ của VCB hiện đã tăng gần 3 lần lên 35.978 tỷ đồng, tổng tài sản vượt mức 1 triệu tỷ đồng. Tại CTG, vốn điều lệ hiện gấp 3,5 lần khi IPO năm 2008.

Với PLX và HVN, cả hai đều vững thị phần dẫn đầu trong ngành, lần lượt là bán lẻ xăng dầu và hàng không, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Tại VIC, hầu hết các khoản trái phiếu chuyển đổi đã được chuyển thành cổ phiếu, giúp VIC tăng vốn chủ sở hữu, giảm nợ, giảm lãi vay và các nhà đầu tư cũng thu được mức lợi nhuận đáng kể sau nhiều năm đầu tư.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (E&Y), năm 2017, VIC đạt 89.392 tỷ đồng doanh thu, 9.114 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 497 lần về doanh thu và 27,3 lần về lợi nhuận so với năm 2007.

Hiện vốn điều lệ của VIC đạt 26.377 tỷ đồng, tăng 134,5 lần so với ngày đầu thành lập và trở thành doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất TTCK Việt Nam. Giá cổ phiếu VIC (sau điều chỉnh) ngày 21/5/2018 gấp 4,7 lần thời điểm đầu năm 2012 và gấp hơn 8 lần so với đầu năm 2009 khi phát hành các đợt trái phiếu quốc tế chuyển đổi.

Tại VRE, nguồn lực từ các nhà đầu tư ngoại cùng sự góp vốn của VIC đã giúp doanh nghiệp đầu tư, mở rộng mạng lưới cũng như thực hiện các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A), tiêu biểu là M&A hệ thống siêu thị Maximark vào tháng 10/2015.

Sau hơn 5 năm hoạt động, VRE đã trở thành nhà phát triển bất động sản bán lẻ lớn nhất cả nước với vốn điều lệ 19.011 tỷ đồng, gấp 6,5 lần ban đầu. Nhiều doanh nghiệp khác đã bứt phá thành công và vươn mình trở thành những doanh nghiệp đầu ngành, quy mô vốn hóa hàng tỷ USD nhờ TTCK như Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG), Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN), Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VJC), Tập đoàn Bảo Việt (BVH)…

Thành công gọi vốn từ đối tác chiến lược của nhiều doanh nghiệp khiến trong lộ trình tăng vốn nhằm đáp ứng chuẩn Basel II của các ngân hàng đến năm 2020, hay hành trình cổ phần hóa của một loạt doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra, gọi vốn chiến lược trở thành hướng đi quan trọng được lựa chọn.

Trong kế hoạch tăng vốn năm 2018, VCB dự kiến sẽ chào bán riêng lẻ 10% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Quỹ đầu tư GIC đang được cho là ứng viên lớn nhất khi đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với VCB từ tháng 2016. Ngoài ra, Mizuho được dự báo sẽ mua thêm cổ phần để duy trì tỷ lệ nắm giữ 15% tại VCB.

Tại BIDV (BID), Ngân hàng đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư tài chính) và KEB Hana Bank (Hàn Quốc) hiện là ứng viên lớn nhất khi hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện vào tháng 8/2017.

Ngân hàng Á Châu (ACB), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (OIL), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW), Tổng công ty Phát điện 3 (PGV)… cũng đang gấp rút tiến hành gọi vốn vốn chiến lược với kỳ vọng tạo ra nền tảng tài chính mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh, đem lại sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận bền vững.

Vốn từ TTCK: Nền tảng để doanh nghiệp bứt phá

Từ 2 doanh nghiệp niêm yết ban đầu với vốn hóa 986 tỷ đồng, chiếm 0,28% GDP năm 2000, tính đến cuối tháng 5/2018 đã có 741 doanh nghiệp niêm yết và 737 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, trong đó trên 30 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa đạt trên 1 tỷ USD. Quy mô vốn hóa toàn thị trường đạt trên 160 tỷ USD, giá trị giao dịch cũng như số lượng nhà đầu tư tham gia tăng mạnh…

TTCK đã trở thành kênh huy động vốn, giúp nhiều doanh nghiệp tăng trưởng vượt bậc về quy mô tài sản, nguồn vốn, nhất là trong giai đoạn đang phát triển hay cần vốn lớn cho các dự án mà nguồn vốn vay khó có khả năng đáp ứng…, góp phần hình thành nên thế hệ doanh nghiệp lớn mạnh, năng lực sản xuất, thương hiệu đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới.

Chẳng hạn, năm 2017, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) có nhu cầu huy động vốn lớn chuẩn bị cho dự án chiến lược “Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất”. Tháng 6/2017, HPG đã nhanh chóng thu về 5.000 tỷ đồng qua chào bán 252,8 triệu cổ phiếu ra TTCK. Nếu không có kênh huy động nguồn vốn trung và dài hạn này, việc mở rộng sản xuất với mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu và lợi nhuận đến năm 2020, lọt vào Top doanh nghiệp hàng đầu khu vực và nhóm 50 công ty thép lớn nhất thế giới của HPG nhờ Dự án thép Dung Quất chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn cũng như tốn kém chi phí.

Hay tại MWG, con số 3,5 triệu USD mà Mekong Capital góp ở thời điểm năm 2007, khi MWG chỉ có 7 cửa hàng, có ý nghĩa lớn để Công ty mở rộng mạng lưới ra cả nước và đem lại thành quả như ngày nay. Đến đầu năm 2018, khi Mekong Capital hoàn tất thoái vốn tại MWG, một số ước tính cho thấy, mức lợi nhuận thu về lên đến 57 lần giá vốn.

Ngoài đem lại nguồn vốn hoạt động, nâng cao sức mạnh tài chính, TTCK còn góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp tìm được đối tác chiến lược, tăng cường minh bạch hóa hoạt động, cũng như tạo ra cơ chế giảm sát đa chiều của cơ quan quản lý và nhà đầu tư, từ đó tìm ra hướng đi phát triển bền vững.

Tuy vậy, thực tế câu chuyện huy động vốn trên thị trường luôn có sự phân hóa rõ nét. Trong khi có những doanh nghiệp, nhà đầu tư sẵn sàng xếp hàng đăng ký mua cổ phần, thậm chí với mức cao hơn giá thị trường, thì không ít doanh nghiệp khác, hoạt động gọi vốn gặp rất nhiều khó khăn, chào bán cổ phiếu bằng hoặc thấp hơn mệnh giá vẫn “ế”.

Làm sao để xây dựng niềm tin trong mắt nhà đầu tư, để TTCK trở thành kênh huy động vốn hiệu quả, để giá trị, triển vọng của doanh nghiệp được thị trường phản ánh đúng và nâng cao…, câu trả lời sẽ đến từ chính từ chất lượng quản trị, điều hành cũng như sự minh bạch của doanh nghiệp. 

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục