Những tân binh hàng hiệu
Nếu như cuối năm 2016 mới có 15 doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt quy mô vốn hóa tỷ USD, thì đến thời điểm này, con số đó đã tăng lên 24. Trong xu hướng cổ phiếu ồ ạt lên sàn chứng khoán năm 2017, thị trường đã đón nhận hàng loạt “tân binh” chất lượng, vốn hóa vượt mức tỷ USD ngay khi chào sàn.
Doanh nghiệp đầu tiên gia nhập câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD trong 2017 là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN). Ngay trong ngày giao dịch đầu tiên của năm nay (3/1), Vietnam Airlines đã đưa 1,2 tỷ cổ phiếu lên đăng ký giao dịch (UPCoM). Tại giá tham chiếu 28.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa của Vietnam Airlines đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD (hơn 34.000 tỷ đồng).
Cổ phiếu của công ty có thị phần lớn nhất ngành hàng không Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm trong gần 1 năm lên sàn, có thời điểm tăng tới 75%, nhưng cũng có lúc giảm sâu dưới giá chào sàn, trước khi ổn định và hình thành đà tăng mới từ tháng 8/2017 đến nay.
Ngay sau Vietnam Airlines, CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã MCH), thành viên Tập đoàn Masan (MSN), cũng đã đưa hơn 538 triệu cổ phiếu lên đăng ký giao dịch vào ngày 5/1/2017. Với mức giá 90.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa của MCH đạt hơn 48.400 tỷ đồng, tương đương hơn 2,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, 2017 khó có thể xem là năm thành công với cổ phiếu dẫn đầu ngành hàng tiêu dùng này, khi đến cuối tháng 11, thị giá MCH vẫn thấp hơn 30% so với đầu năm trong bối cảnh doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Công ty trong 9 tháng đầu năm nay giảm lần lượt 1,6% và 21,85% so với cùng kỳ năm trước.
Việc lên sàn của 2 “ông lớn” HVN và MCH giúp vốn hóa sàn UPCoM tăng trưởng mạnh. Tính tới ngày 20/11, chỉ riêng giá trị vốn hóa của 3 cổ phiếu là HVN, MCH và ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (lên sàn tháng 11/2016) đã lên tới 246.000 tỷ đồng, chiếm 44% vốn hóa toàn sàn.
Nếu như những tân binh tỷ USD trên sàn UPCoM không giữ vững được thị giá, thì với những doanh nghiệp lớn mới lên sàn niêm yết, kết quả lại có phần tích cực hơn khi VJC (Vietjet Air), VPB (VPBank), VRE (Vincom Retail), PLX (Petrolimex) đều ghi nhận mức tăng trưởng khá tốt.
VJC là một trong những cổ phiếu tăng giá tốt nhất kể từ đầu năm 2017 đến nay. Chào sàn ngày 28/2/2017, với giá 90.000 đồng/cổ phiếu, tính đến ngày 20/11, cổ đông nắm giữ VJC đạt mức sinh lợi gần 100% (gồm cả cổ tức). Đà tăng giá của VJC có sự hỗ trợ rất lớn từ kết quả kinh doanh tăng trưởng năm thứ 6 liên tiếp, doanh thu tăng hơn 16%, lợi nhuận sau thuế tăng gần 40% trong 9 tháng. Bên cạnh đó, số lượng tàu bay, đường bay, hành khách, sản lượng hàng hóa, thị phần… cũng tiếp tục tăng trưởng và là 1 trong 2 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường hàng không Việt Nam đầy tiềm năng.
Ngoài VJC, cổ phiếu PLX cũng không phụ lòng nhà đầu tư khi có thời điểm tăng gần gấp đôi so với giá chào sàn. Dù lãi ròng của Tập đoàn sụt giảm 3 quý liên tiếp trong năm 2017, nhưng với thị phần đầu ngành bán lẻ xăng dầu trong nước cùng định hướng đầu tư chiến lược vào CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) thời gian tới, tiềm năng của cổ phiếu PLX vẫn được giới phân tích đánh giá còn rất lớn.
Cổ phiếu VRE của CTCP Vincom Retail, thành viên Tập đoàn Vingroup, dù chỉ mới chào sàn 6/11, nhưng đã tạo dấu ấn bằng phiên giao dịch có giá trị lên đến 16.800 tỷ đồng, đưa giá trị giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên tiến sát 1 tỷ USD sau 17 năm vận hành.
Những cựu binh chất lượng
Chiếm 2/3 trong danh sách doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD trên sàn chứng khoán trong nước tính đến cuối tháng 11/2017 là những doanh nghiệp niêm yết từ năm 2016 trở về trước. Những cái tên quen thuộc đã ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2017 với 10/14 doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng về lợi nhuận sau 9 tháng, 13/14 cổ phiếu đạt tăng trưởng về thị giá tính đến cuối tháng 11.
CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) tiếp tục khẳng định ví trí dẫn đầu với vốn hóa 265.000 tỷ đồng (gần 12 tỷ USD) tính đến ngày 20/11/2017, bỏ xa vị trí thứ hai của Tập đoàn Vingroup (mã VIC) đến hơn 77.000 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu tăng khiến vốn hóa của Vinamilk tăng thêm gần 41%. Bên cạnh tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ở mức 2 con số, Vinamilk còn tạo dấu ấn là cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Sau khi hoàn tất chuyển nhượng 3,3% cổ phiếu từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho Jardine Cycle & Carriege theo kết quả phiên đấu giá 10/11/2017, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại “ông vua” thị trường sữa Việt Nam đã lên đến gần 60% so với mức 53% tại thời điểm cuối năm 2016.
Ngoài Vinamilk, Tổng công ty Khí Việt Nam (mã GAS) và Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) cũng là hai doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng mạnh về hiệu quả hoạt động và giá cổ phiếu. Với GAS, sau 2 năm khó khăn do giá dầu thế giới, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đã tăng trở lại với mức tăng trưởng 45,9% so với cùng kỳ, thị giá theo đó cũng tăng gần 50% so với đầu năm.
Còn với HPG, “tân binh” trong câu lạc bộ có vốn hóa tỷ USD trong năm 2016, con số 5.600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp có thị phần thép xây dựng lớn nhất Việt Nam. Thị giá HPG theo đó tăng gần 40% so với đầu năm. Trong khi đó, dù tăng trưởng kết quả kinh doanh không thật sự ấn tượng, nhưng cổ phiếu SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) cũng tăng hơn 50% nhờ kỳ vọng thoái vốn của cổ đông lớn Bộ Công thương sẽ đạt bước đột phá trong năm 2017.
Trong xu hướng tăng trưởng chung cả về kết quả kinh doanh lẫn thị giá của nhóm ngân hàng, 2017 đánh dấu sự trở lại câu lạc bộ tỷ USD của cổ phiếu ACB sau 5 năm kể từ cú sốc “bầu Kiên” vào tháng 8/2012, nhờ thị giá tăng hơn 50% sau 11 tháng. Động lực tăng giá của ACB có sự đóng góp rất lớn từ kết quả kinh doanh tích cực. Tính đến cuối tháng 9/2017, tổng tài sản đã tăng 15,8% so với đầu năm; cho vay và huy động vốn tăng 12,8% và 13%; lợi nhuận sau thuế tăng 53% so với cùng kỳ, hoàn thành 90% kế hoạch đề ra.
Sự trở lại của ACB, cùng Vietcombank (mã VCB), Vietinbank (mã CTG), BIDV (mã BID) và VPBank (mã VPB), giúp nhóm ngân hàng chiếm tới 6/24 vị trí trong Top tỷ USD trên sàn chứng khoán.
Và nhiều ứng viên tiềm năng
Ứng viên tiềm năng nhất gia nhập câu lạc bộ tỷ USD trong năm 2017 phải kể đến là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB). Sau những thăng trầm tái cấu trúc, xử lý nợ xấu, đặc biệt là gánh nặng kể từ khi sáp nhập với SouthernBank trong năm 2015,
Sacombank đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ trong năm 2017.
Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của Sacombank đạt 363.000 tỷ đồng, tăng trưởng 9,3% so với cùng kỳ 2016. Dư nợ cho vay và huy động vốn tăng trưởng lần lượt 12,6% và 7,2%. Lợi nhuận trước thuế cán mốc 1.000 tỷ đồng, vượt 75,2% so với kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm đáng kể, còn 5,95% so với mức 6,91% vào cuối năm 2016. Kết quả kinh doanh tăng trưởng cũng như nỗ lực tái cấu trúc giúp vốn hóa của sacombank tính đến 20/11 vượt 21.000 tỷ đồng (hơn 940 triệu USD), tăng 40% so với cuối 2016.
CTCP Vicostone (mã VCS) và CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) cũng là những ứng viên tiềm năng gia nhập câu lạc bộ tỷ USD trong năm 2017, vốn hóa của 2 doanh nghiệp này tính đến 20/11 lần lượt đạt 18.000 tỷ đồng và 17.670 tỷ đồng. Nếu như năm 2017 đánh dấu năm tăng trưởng thứ 5 liên tiếp của VCS từ khi Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A tham gia quản trị, điều hành với lợi nhuận 9 tháng tăng 81% so với cùng kỳ 2016, kỳ vọng cả năm vượt 1.000 tỷ đồng, thì tại CTD, lợi nhuận ròng tăng 23,8% sau 9 tháng và tăng trưởng năm thứ 6 liên tiếp.
Thị trường chứng khoán tăng trưởng cùng xu hướng lên sàn của nhiều doanh nghiệp mới, số cổ phiếu vốn hóa tỷ USD dự báo tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trong năm 2018, khi nhiều doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn tiếp tục IPO và lên sàn như PV Power, PV Oil, BSR…
Việc xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp tỷ USD thuộc các ngành kinh tế đa dạng từ hàng không, sản xuất, công nghiệp, đến bất động sản hay ngân hàng không chỉ giúp giúp nâng quy mô, vị thế thị trường chứng khoán Việt Nam, mà còn giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước có thêm những hàng hóa chất lượng để lựa chọn, phản ánh sát hơn biến động của nền kinh tế.