Ba sự cố bất ngờ
Sau nhiều lần sắp xếp, chúng tôi mới hẹn được Võ Duy Phú, đồng sáng lập kiêm Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ Trà và Cà phê Việt Nam, đơn vị sở hữu và vận hành chuỗi The Coffee House.
Cuối năm, Phú rất bận do Công ty đang tăng tốc mở cửa hàng, bù lại cả 9 tháng đầu năm không đạt do dịch bệnh. Nhưng tổng kết năm 2020, The Coffee House mở thêm 25 cửa hàng so với cùng kỳ, qua đó nâng số cửa hàng đang hoạt động lên con số 175.
Điều khiến Duy Phú mừng nhất là 30% tiền lương của nhân viên mà Công ty còn nợ trong giai đoạn đại dịch đã được thanh toán đầy đủ. Mọi việc đang dần trở lại quỹ đạo.
Nhưng bầu không khí căng thẳng từ những lần bùng dịch sẽ là ký ức không thể quên với Duy Phú.
“Sáng mùng 4 Tết, toàn bộ hệ thống mở hàng. Chúng tôi chỉ có 2 ngày kể từ khi nhận thông báo về dịch bệnh để chuẩn bị”, Phú nhớ lại.
Gần như lập tức, cả Công ty bắt tay vào việc với công suất tăng gấp đôi, thậm chí là gấp ba bình thường. Khi đó, dư âm chiến thắng của năm 2019 vẫn còn vương vấn.
Một quy trình xử lý dịch bệnh được thiết kế ngay lập tức. Các lô hàng về nước rửa tay, khẩu trang nhanh chóng được vận chuyển và trang bị cho 170 chi nhánh trên toàn quốc. Tất cả được thực hiện trong vỏn vẹn chưa tới hai ngày.
Vậy mà đầu tháng 3, chi nhánh The Coffee House ở Đà Nẵng đón 2 khách dương tính với virus Covid-19. Đây cũng là chuỗi cà phê đầu tiên ở Việt Nam tiếp xúc khách hàng mang mầm bệnh.
Áp lực về rủi ro thương hiệu, doanh thu, an toàn cho khách hàng và nhân viên khiến cả Công ty như đông đặc lại. Lựa chọn sai lầm có thể chôn vùi mọi thành quả của Công ty trong thời gian qua.
“Chúng tôi quyết định liên tục thông báo tình trạng sức khoẻ của các nhân viên The Coffee House cho khách hàng đến cửa hàng ngày hôm đó. Vì phần lớn khách hàng đặt hàng qua ứng dụng, vốn có lưu số điện thoại, nên việc thông báo được thực hiện ngay. Chúng tôi chỉ nghĩ khách hàng cần thông tin và chúng tôi phải có trách nhiệm thực hiện”, Phú kể.
Ba ngày, 7 ngày và 14 ngày kể từ khi hai bệnh nhân mang mầm bệnh bước vào quán, thông tin cứ đều đặn cập nhật trên ứng dụng và website Công ty. Bộ phận chăm sóc khách hàng thực hiện gọi điện trực tiếp cho khách hàng có mặt. Khá may mắn, không có sự cố nghiêm trọng nào xảy ra sau đó.
Đỉnh điểm khó khăn diễn ra đúng một tháng sau, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra chỉ thị cách ly toàn xã hội. The Coffee House phải đóng cửa cả hệ thống theo quy định.
“Lúc đó, việc duy nhất chúng tôi nghĩ đến là làm thế nào để không phải cắt giảm nhân sự”, Phú kể tiếp.
Nhu cầu cà phê bữa sáng và trưa của người tiêu dùng được nhắm đến, nhưng theo cách mới, đó là đặt hàng mang đi. Khoảng 5% số lượng cửa hàng của Công ty xin phép được thực hiện. Nhân viên được đào tạo thêm khâu giao nhận. Hai mục tiêu được thực hiện. Một là, tận dụng nhân lực. Hai là, tạo ra doanh thu.
Nhìn lại, Phú nói, tăng trưởng doanh thu từ mảng giao hàng trong mùa dịch là một đường thẳng đứng. Ước tính, doanh thu từ mảng giao nhận tại thời điểm đó tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, ngay khi hết dịch, nhu cầu này vẫn duy trì mức tăng trưởng hai chữ số.
“Cái may mắn nhất của chúng tôi là Công ty chuyển mình rất nhanh để thích ứng. Quan trọng là mọi người cực kỳ gắn kết. Đó là thành công nhất”, Duy Phú chia sẻ.
Phiên bản “bình thường mới”
Cái tên Võ Duy Phú bắt đầu được chú ý trên truyền thông khoảng 2 năm trước, khi người đồng sáng lập Nguyễn Hải Ninh có kế hoạch rút lui cho những dự định cá nhân.
Cả hai từng làm việc với nhau một thời gian ở Urban Station trước khi Duy Phú đi theo con đường sự nghiệp riêng. Khi đang công tác tại Pizza Hut và là nhân sự thuộc chương trình nhà lãnh đạo tương lai của Tập đoàn Jardine (Hồng Kông), Duy Phú nhận được lời mời tham gia xây dựng chuỗi cà phê giá bình dân, nhưng có trải nghiệm như các chuỗi cà phê quốc tế từ Hải Ninh vào năm 2014.
Duy Phú cho biết, anh không mất nhiều thời gian để nhận lời. Dù con đường sự nghiệp đang khá suôn sẻ, nhưng việc xây dựng chuỗi cà phê như vậy có sức hút mãnh liệt hơn.
“Tuổi trẻ đâu có gì để mất!”, Duy Phú cười và nói. Năm đó, anh 26 tuổi.
Từ đó, cuộc sống của Phú gắn liền với việc mở chuỗi cà phê. Hai năm đầu, tốc độ mở khá chậm và chỉ ở các thành phố lớn. Một phần vì thiếu nhân lực, một phần vì chưa tìm được công thức quản lý chung. Năm 2016 là giai đoạn cao điểm về tốc độ mở rộng độ phủ của The Coffee House, có những tháng cứ 48 tiếng là có một cửa hàng mới ra đời.
Cùng với Hải Ninh, Phú là người xuyên suốt các cột mốc đó, hiểu rõ The Coffee House, nên quá trình chuyển giao với Duy Phú và Công ty không gặp nhiều trở ngại. Nhưng Phú không phải là người ủng hộ phương pháp quản lý thiên về kỹ trị.
“Qua hệ thống camera, chúng tôi có thể biết nhân viên nào chưa đeo khẩu trang, khu vực nào để lâu chưa có người dọn. Công nghệ kiểm soát được hết, cái khó là phát hiện rồi làm gì tiếp? Tăng cường xử phạt? Tôi không nghĩ đó là giải pháp đem lại môi trường làm việc thoải mái cho mọi người”, Duy Phú nói.
Phú tin rằng, khi mọi người yêu môi trường làm việc, họ sẽ tạo ra nguồn cảm hứng cho các nhân viên mới thích nghi nhanh hơn. Đây là lý do Phú chọn cách quản lý dựa trên xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp và thân thiện, đề cao văn hoá Công ty.
Cho đến bây giờ, niềm tin của Phú là có cơ sở khi The Coffee House đang thực sự là ngôi nhà của những năng lượng tích cực.
Thật ra, không phải kỷ niệm nào ở Công ty Trà và Cà Phê cũng có màu hồng với Duy Phú. Dù thuộc tuýp người điềm tĩnh, nhưng cũng có lúc Duy Phú lớn tiếng với lãnh đạo chủ quản là Seedcom. Đặc biệt là quyết định đóng cửa đột ngột hệ thống trà sữa Ten Ren.
Ten Ren là thương hiệu trà sữa từng được phát triển đến 20 cửa hàng, doanh thu và tiếp nhận từ người tiêu dùng rất tốt ở TP.HCM, nhưng phải dừng cuộc chơi. Lý do là, Seedcom chọn ưu tiên phát triển The Coffee House.
Không lâu sau quyết định đó, thị trường trà sữa thực sự gặp khó khăn, tác động mạnh đến các chuỗi lớn, kể cả các chuỗi nhượng quyền. Việc rút ra khỏi thị trường trà sữa là quyết định đúng đắn của Công ty, nhưng đối với Phú, anh tin rằng, nếu có thêm thời gian thì Ten Ren đã không chỉ là kỷ ức đẹp với khách hàng và những nhân viên tâm huyết.
Nhưng Phú không có thời gian để tiếc nuối, anh vẫn là một trong những người chịu trách nhiệm chính cho mục tiêu 1.000 cửa hàng The Coffee House vào năm 2024.
Đây không phải là mục tiêu xa vời vì ở thị trường Thái Lan, với dân số ít hơn Việt Nam, đã có những chuỗi cà phê đạt hơn 3.000 cửa hàng. Dĩ nhiên, The Coffee House sẽ điều chỉnh lại quy mô cửa hàng để đạt con số trên.
Trước mắt, trong năm 2021, có hai hướng mở rộng mà The Coffee House sẽ thực hiện. Đầu tiên là mở rộng mô hình phục vụ đối tượng văn phòng, thông qua việc lựa chọn các địa điểm tập trung người đi làm nhiều hơn. Quy mô cửa hàng cũng được điều chỉnh để tối ưu công suất.
Giai đoạn 2019-2020, The Coffee House đã thử nghiệm 5 cửa hàng, quy mô dưới 200 m2 (nhỏ hơn một nửa so với các quán The Coffee House truyền thống), để phục vụ việc bán mang đi. Không chia sẻ con số cụ thể, Duy Phú chỉ cho biết con số cửa hàng mới phục vụ những người đi làm ít nhất phải gấp đôi hiện tại.
Hướng thứ hai, tiếp tục mở rộng các cửa hàng The Coffee House truyền thống, nhưng đẩy mạnh sự xuất hiện ở khu vực dân cư và đặc biệt là các khu du lịch lớn.
Giải thích về việc đẩy mạnh mở rộng độ phủ ở các địa điểm du lịch trong mùa dịch bệnh, Duy Phú cho biết đây là lúc có thể tìm được địa điểm phù hợp với yêu cầu “trải nghiệm chuyên nghiệp” của hệ thống. Thứ đến, nhưng quan trọng, là Công ty đã tìm được “công thức” mở rộng ở nhiều tỉnh thành – đó là không có công thức nào, ngoài việc tìm hiểu, học hỏi và rút kinh nghiệm.
6 năm qua, The Coffee House đã có mặt ở 16 tỉnh, thành, từng thất bại ở Đắc Lăk vì gu cà phê rất đậm, Công ty không đáp ứng được. Kế hoạch của Phú là sẽ tăng gấp đôi số này.
Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng trên được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt.
“Khả năng thích ứng là yếu tố quyết định việc kinh doanh doanh tới đây. Chúng tôi tự tin vì đã làm tốt việc này trong thời gian qua”, Duy Phú nói.
Chat với Nguyễn Duy Phú:
Ngoài các thành quả cùng The Coffee House trong 6 năm qua, thành tích cá nhân nào làm anh tự hào nhất?
Vẫn duy trì thói quen chạy bộ và đạp xe theo kế hoạch hàng tuần. Với tôi, đây là thành tích tự hào nhất vì vẫn trong giai đoạn phát triển nóng của Công ty, làm được việc này không dễ đâu.
Kỷ niệm vui của anh trong thời gian xây dựng Công ty là gì?
Tôi từng phát biểu sẽ phát triển 40 cửa hàng The Coffee House, nhưng con số thực tế giờ đã gấp 5 lần và hơn nữa.
Thế còn kỷ niệm buồn?
Đó là lúc tôi phải thông báo đóng cửa Ten Ren với toàn bộ nhân viên.