Ứng biến linh hoạt
Là thành viên thuộc Giovanni Group, chuyên sản xuất xuất mặt hàng thời trang đồ da và may mặc cao cấp thương hiệu Giovanni phục vụ thị trường nội địa, giống như nhiều doanh nghiệp dệt may khác, Eurolink cũng trải qua những ngày tháng khó khăn do tác động của Covid-19.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo chống dịch, Giovanni Group phải đóng toàn bộ cửa hàng bán lẻ, sản phẩm không tiêu thụ được, doanh thu về 0.
“Từ cuối tháng 2, chúng tôi chuyển sang may khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn và đã có được lượng đơn hàng đáng kể từ các cơ quan, tổ chức trong nước, nhờ đó đã cứu được một bàn thua trông thấy nếu như chỉ ngồi một chỗ, không chuyển động để chờ dịch tan”, ông Thành chia sẻ.
Linh hoạt xoay chuyển, ứng biến với sự thay đổi của thị trường, nhất là trong những lúc khó khăn là tố chất của hầu hết doanh nhân thành đạt. Tố chất này cũng đã ngấm sau vào con người ông Thành.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Eurolink đã chuẩn bị đủ những điều kiện về tiêu chuẩn đối với khẩu trang để vừa tiêu thụ trong nước, vừa có thể xuất khẩu. Sau gần 2 tháng chuyển hướng, Eurolink đã có thêm những đơn hàng xuất khẩu hàng triệu sản phẩm cho các đối tác Ấn Độ, Hàn Quốc.
Đại dịch mang lại bất lợi lớn cho nhiều ngành sản xuất, nhưng cũng là lúc doanh nghiệp chứng minh bản lĩnh, kiên định mục tiêu và tìm kiếm cơ hội tăng trưởng, ông Thành luôn tâm niệm như vậy.
Thật ra, ông Thành mới chỉ nhận trọng trách tại Eurolink được gần 5 năm. Eurolink được thành lập năm 2016 với 51% vốn từ Giovanni Group, thực hiện mục tiêu nghiên cứu, thiết kế và sản xuất những sản phẩm thời trang mang thương hiệu Giovanni đẳng cấp, chinh phục người tiêu dùng Việt và vươn ra thế giới. Cùng với Ban lãnh đạo Tập đoàn, ông là người đặt những viên gạch đầu tiên và chèo lái doanh nghiệp từ những ngày đầu thành lập đến nay.
Khởi đầu từ một xưởng da và may với hơn 150 nhân công, đến nay, Eurolink đã mở rộng đội ngũ nhân sự với 300 nhân công lành nghề, làm việc với tinh thần trách nhiệm trong từng khâu sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao nhất cung ứng cho hệ thống bán lẻ Giovanni trên toàn quốc.
Gần 3 thập kỷ làm việc trong mảng thời trang xa xỉ, ông Thành mơ ước, Việt Nam có nhiều thương hiệu danh tiếng, được thế giới biết đến và người Việt được tiêu dùng hàng hóa đẳng cấp, chất lượng, không thua kém thương hiệu quốc tế. Đó là lý do ông gật đầu về với Eurolink rất nhanh chóng, sau khi nghe được ý tưởng xây dựng và phát triển Eurolink thành một doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng thời trang đồ da và may mặc cận xa xỉ mang thương hiệu Giovanni.
Khó khăn không thể cản bước
Tăng trưởng doanh thu của Giovanni Group những năm gần đây luôn ở mức 2 con số. Đây là mơ ước của nhiều doanh nghiệp thời trang nội địa. Nhưng năm nay, tăng trưởng thực sự là một thách thức. Kể cả sau khi dịch bệnh được khống chế, cũng chưa thể lấy lại sức mua ngành hàng thời trang, đặc biệt là phân khúc cận xa xỉ.
Eurolink cũng đã bị “tuột” mất khá nhiều đơn hàng từ đối tác Nhật Bản, dù trước đó, hai bên đã chốt lịch ký kết hợp đồng, mất đi cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, quảng bá thương hiệu Giovanni.
Nhưng điều này không cản bước ông Thành tiếp tục đầu tư nhằm tăng năng lực sản xuất của doanh nghiệp, đón cơ hội phát triển. Theo kế hoạch, Eurolink sẽ tiếp tục triển khai dự án quy mô 3,6 ha tại Vĩnh Phúc, vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD để xây dựng nhà máy chuyên sản xuất hàng may mặc thời trang và đồ da, hướng tới đưa thương hiệu Giovanni xuất khẩu.
“Đây là dự án lớn nằm trong kế hoạch giai đoạn 2020 - 2025 của chúng tôi, liên doanh với đối tác Hồng Kông, chuyên sản xuất hàng thời trang cao cấp về may mặc, thời trang đồ da và một phần gia công cho hãng thời trang của châu Âu. Dự án đã được đầu tư một phần từ năm 2019, dù đang phải tạm ngưng do dịch bệnh, nhưng sẽ sớm được khởi động trở lại khi điều kiện thuận lợi”, ông Thành nói.
Không dừng lại đó, ông Thành cho biết, sau đợt dịch này, Tập đoàn Giovanni, công ty mẹ của Eurolink sẽ cải tổ lại kế hoạch kinh doanh, thay đổi cơ cấu mặt hàng và khẩu trang sẽ được bổ sung vào danh sách sản phẩm của doanh nghiệp. Giám đốc Eurolink hoàn toàn tự tin về sản phẩm khẩu trang mang thương hiệu Giovanni đang được định vị và có hiệu ứng tốt trên thị trường nhờ nỗ lực của ban lãnh đạo và tập thể người lao động của Công ty trong mùa dịch.
Kinh doanh chưa bao giờ là việc đơn giản. Với một doanh nghiệp sản xuất hàng thời trang như Eurolink, phụ thuộc đến 85% nguyên liệu cao cấp nhập khẩu từ châu Âu, phí đầu vào đắt đỏ, những người lãnh đạo luôn ở thế “căng như dây đàn” để điều phối sản xuất, nhằm tìm lời giải cho bài toán doanh thu - lợi nhuận.
Chưa kể, với đặc thù tính thủ công trong mỗi sản phẩm sản xuất tại Eurolink đều rất cao, khâu đào tạo và giữ chân đội ngũ lao động lành nghề cũng là nhiệm vụ lớn. Ông Thành chia sẻ, để đào tạo được một lao động ngành da giày đủ tiêu chuẩn làm việc tại Eurolink, phải mất tối thiểu 18 tháng. Bởi vậy, trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, mảng sản xuất da gần như đình trệ, ông cùng Ban lãnh đạo Tập đoàn và Eurolink thống nhất, bằng mọi cách phải duy trì tiền lương để giữ chân người lao động.
Sáng tạo và khác biệt
Nghe ông Thành kể về điều phối sản xuất, về kỹ thuật làm đồ da, tôi cảm nhận được tình yêu của ông đối với nghề. Ông Thành sinh năm 1969, đam mê làm giày từ trẻ. Từng được gia đình định hướng nối nghiệp cha, nhưng ông sớm bỏ ngang, vào làm việc tại một doanh nghiệp da giày Việt Nam, bắt đầu từ việc học làm thợ giày. Sau đó, cơ duyên đến khi doanh nghiệp này liên doanh với đối tác Italia, ông lọt vào “mắt xanh” của các chuyên gia nước ngoài và được đào tạo bài bản.
Kết thúc 3 năm làm việc trong chặng đường lập nghiệp đầu tiên, ông Thành bén duyên với thương hiệu thời trang của Italia và gắn bó cho đến khi về với Eurolink.
Ngành dệt may và da giày đóng góp khoảng 63 tỷ USD doanh thu xuất khẩu của cả nước trong năm 2019, nhưng ở thị trường nội địa lại không có quá nhiều doanh nghiệp thành công. Sức mua của gần một trăm triệu dân cho thấy mức độ tiềm năng, hấp dẫn của thị trường, khiến các “ông lớn” như Zara, Uniqlo, H&M, Massimo Dutti… liên tiếp nhảy vào để giành “miếng bánh”.
Dẫu vậy, ông Thành hoàn toàn không ngại cạnh tranh, bởi chỉ có cạnh tranh lành mạnh mới là động lực để phát triển và đây chính là lúc thời trang Việt phải sáng tạo, đổi mới.
Điều gì khiến ông tự tin đến vậy? Ông bảo, Eurolink may sơ mi, sản xuất giày, túi xách, cặp…, nhưng không phải là sản phẩm được sản xuất hàng loạt, số lượng lớn trên dây chuyền tự động hóa. Điều tạo nên sự khác biệt của những sản phẩm này chính là tính thủ công. Tại Eurolink, ông Thành trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu và phát triển để tạo ra các thiết kế và bộ sản phẩm mẫu chuẩn đưa vào sản xuất.
“Một chiếc áo sơ mi có 175 công đoạn, thì với thương hiệu Giovanni, có trên 100 công đoạn được làm thủ công. Còn với đồ da, mỗi sản phẩm lại là cả một câu chuyện mà người chế tác tạo ra, tỷ lệ thủ công chiếm đến 85%, máy móc chỉ hỗ trợ thêm cho những công đoạn dập, nối, cần sự chuẩn xác và thẩm mỹ”, ông Thành tự hào.
Do sự khác biệt nằm ở tính thủ công trong mỗi sản phẩm, nên Eurolink không chủ trương cung cấp số lượng lớn. Mỗi mã hàng sơ mi, quần tây hay giày, túi xách chỉ giới hạn từ vài chục đến 100 sản phẩm.
“Chúng tôi buộc phải qua 5 bước kiểm tra chất lượng: đầu vào, bán thành phẩm, sản xuất trên chuyền, thành phẩm và trước khi xuất xưởng”, ông Thành chia sẻ và nhấn mạnh, quy trình sản xuất rất khắt khe đó sẽ góp phần làm ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, bên cạnh sự độc đáo, khác biệt, để chinh phục khách hàng.
Tôi thấy mình giàu có về kinh nghiệm nghề nghiệp
Gắn bó với ngành thời trang 30 năm, có khi nào ông cảm thấy mệt mỏi?
Tôi chưa bao giờ hết yêu nghề, dù bao năm nay chỉ đi một con đường, nhưng khi đã đam mê, đã là “nghiệp”, thì không dễ từ bỏ. Hạnh phúc nhất là sau bao năm công tác, ở chặng cuối cùng, tôi đang được phục vụ cho một thương hiệu rất lớn của người Việt xây dựng, tạo động lực để tôi tiếp tục theo đuổi niềm đam mê. Không gì vui hơn khi tạo ra những sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận.
Điều ông tâm đắc nhất đến thời điểm này, sau một chặng đường dài dấn thân là gì?
Là tôi đã thuyết phục được con gái theo nghiệp cha.
Ông có phải là người “giàu có” không?
Tôi không giàu có về tiền bạc, nhưng thấy mình giàu có về kinh nghiệm nghề nghiệp, vì đã được trải nghiệm và cống hiến trong nghề 30 năm. Giai đoạn này, tôi thấy mình sung sức nhất và “giàu có” nhất.