1. Những năm trở lại đây, những con số về thị trường SmartHome tại Việt Nam vô cùng hấp dẫn khi theo thống kê của Statista, cho đến tháng 4/2018, thị trường đã đạt doanh thu khoảng 45 triệu USD. Nhiều chuyên gia dự đoán, con số này có thể đạt 319 triệu USD vào năm 2022, với tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) hàng năm là 67%.
Mặc dù tiềm năng, nhưng thị trường cũng đầy thách thức cho các doanh nghiệp trong việc chiếm lĩnh thị phần, chinh phục trái tim người tiêu dùng. Trong những ngày cuối năm 2019, Appota - một doanh nghiệp được biết đến khi cung cấp các giải pháp nền tảng và nội dung cho ngành công nghiệp giải trí số đã “rục rịch” có những bước chạy đà cho việc lấn sân sang thị trường SmartHome.
Dự án SmartHome đầu tiên của Appota có tên là AppotaHome, với hai dòng sản phẩm khóa thông minh AN-1 và AS-1. 2 sản phẩm này nổi bật nhờ tính năng quản lý khi được điều khiển, kiểm soát thông qua ứng dụng do Appota phát triển. Mọi thao tác từ mở/khóa cửa, thay đổi mật khẩu, chia sẻ khóa cho người thân, người sử dụng đều có thể thực hiện trên chiếc điện thoại thông minh.
Sự ra đời của AppotaHome được xem là mảnh ghép còn thiếu trong hệ sinh thái của Appota. “Chúng tôi kỳ vọng, mỗi người dân Việt Nam đều được trải nghiệm những sản phẩm chuẩn thông minh nhờ vào sự kế thừa nền tảng công nghệ đã phục vụ 50 triệu người sử dụng của chúng tôi”, Nguyễn Minh Tuấn, phụ trách Dự án AppotaHome cho biết.
Riêng với Đỗ Tuấn Anh, việc gia nhập thị trường SmartHome mang tham vọng lớn lao. “Đó có thể là ngách để Appota tạo ra những sản phẩm đột phá trên thị trường chuyển đổi số - một lá phiếu đảm bảo chắc chắn để Appota có cửa trở thành kỳ lân trong tương lai”, Tuấn Anh nói.
Với nền tảng công nghệ đã có, kèm theo là những tham vọng của mình, AppotaHome tự tin có thể giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong công nghệ quản lý của nhiều khóa thông minh trên thị trường. Đây là mảng mà theo tính toán, sẽ tạo sự bùng nổ cho Appota. Ước tính, SmartHome mang về cho Appota 50 tỷ đồng doanh thu năm nay, với điều kiện là sau thành công bước đầu, AppotaHome sẽ tung ra khoảng 10 sản phẩm. Tuy nhiên, kế hoạch này bị chững lại do Covid-19.
Khi thách thức nhiều hơn thuận lợi, việc nhảy vào làm chuyển đổi số cho doanh nghiệp và hộ gia đình là quyết định khá mạo hiểm của nhà sáng lập Appota. Theo Tuấn Anh, Appota chỉ có thuận lợi mà mọi doanh nghiệp trên thị trường được dùng chung do môi trường kinh doanh ở Việt Nam mang lại, đó là trình độ dân trí đang lên, thói quen sử dụng smartphone ngày càng nhiều, ví điện tử, thanh toán online bắt đầu thịnh hành.
Còn thách thức thì quá nhiều. Người người, nhà nhà, ai cũng lao vào thị trường này. Mặc dù vậy, ở lĩnh vực làm phần mềm kết hợp phần cứng ở Việt Nam, không có nhiều tên tuổi kinh khủng để nhà sáng lập này bận lòng, nhất là lĩnh vực SmartHome, với vài tên tuổi như Bkav, FPT, Viettel cũng chỉ mới bắt đầu.
“Tôi có thể vượt qua điều đó. Tôi đưa thế mạnh xa xưa của mình thành vũ khí hiện tại, cố gắng sản xuất phần cứng bán kèm phần mềm”, Tuấn Anh nói tự tin vì yếu tố nội tại mạnh mẽ mà Appota đang sở hữu hệ sinh thái giải trí số và kinh nghiệm lọc lõi xoay quanh chiếc smartphone của mình nhiều năm trước.
2. Trong giới start-up tại thời đại 4.0 trên thế giới, Unicorn Company (công ty kỳ lân) là một thuật ngữ khá quen thuộc, một biểu tượng danh giá, là niềm mơ ước của những start-up trong lĩnh vực công nghệ. Appota không phải ngoại lệ. “Trở thành công ty kỳ lân ở Việt Nam quá xa vời, nhưng ước mơ đó luôn là mục tiêu cuối cùng của tôi. Dĩ nhiên, tôi sẽ không đạt điều đó bằng mọi cách”, Tuấn Anh nói.
Mọi cách mà Tuấn Anh nhắc đến là bơm thổi bằng tài chính, số vốn lên tới nhiều tỷ USD và bơm liên tục trong một thời gian dài. Tuấn Anh hiểu, một công ty đi từ công nghệ thuần tuý thành kỳ lân sẽ rất chông gai. Điều cốt lõi khiến Việt Nam khó có kỳ lân đúng nghĩa là nguồn vốn nội tại trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang không tập trung vào tư nhân. Nhưng nguồn vốn có trong tay vài vị tỷ phú tư nhân lại nằm ở lĩnh vực sản xuất thương mại cơ bản, thực phẩm, bất động sản, năng lượng và sau một thời gian đầu tư tràn lan, có tích lũy chút ít, mới quay sang đầu tư công nghệ.
Hội nhập kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, nhưng nội tại nền kinh tế khó khăn khiến những doanh nghiệp bản địa muốn mạnh thực sự rất hiếm. Trường hợp chớp được thời cơ vàng biến VNG trở thành một start-up “kỳ lân” công nghệ duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại chưa được lặp lại. VNG làm đúng lúc Internet tiến vào Việt Nam, thị trường game đang lên và phình to theo sự phát triển của công nghệ.
Hiện Việt Nam có một số tên tuổi gấp nghé kỳ lân như Tiki (VNG cũng là một trong những cổ đông chủ chốt của trang thương mại điện tử này), nhưng không thể bơm tiền đủ dài nếu không có các nhà đầu tư đình đám nước ngoài. “Họ phải bơm tiền khủng khiếp mới sống được ở Việt Nam”, Tuấn Anh nói.
Hiện tại, sau 8 năm có mặt trên thị trường nội dung số, Appota được định giá 100 triệu USD và kỳ vọng sẽ tăng gấp 10 lần (tức 1 tỷ USD) trong tương lai. Hiện doanh thu của Appota chủ yếu đến từ phát hành game và quảng cáo cho Google, Facebook.
Năm 2017, doanh thu Appota đạt hơn 400 tỷ đồng, trong đó phát hành game chiếm 70%. Năm 2018, con số là 700 tỷ đồng, thì phát hành game chiếm 40%, quảng cáo chiếm 30%, còn lại thuộc về lĩnh vực khác. Năm 2019, doanh thu đạt hơn chút, nhưng tỷ trọng đóng góp các mảng vẫn giữ nguyên.
Năm nay, dự kiến doanh thu của Appota sẽ sụt giảm nhiều, vì Covid-19. Hiện mảng game ước tính bị sụt giảm doanh thu tới 40%, vì chủ yếu liên quan tới thị trường Trung Quốc, trong khi đó mảng quảng cáo tăng 20-30%.
Tuấn Anh khẳng định, hệ sinh thái giải trí Appota là hệ thống các hạ tầng phần cứng, nền tảng phần mềm, dịch vụ nội dung và mạng lưới những người ảnh hưởng trong lĩnh vực giải trí được liên kết chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau, nhằm mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người dân Việt Nam, cũng như tối đa hóa lợi ích cho các bên tham gia lĩnh vực giải trí.
40 tuổi, hiện sở hữu hơn 50% cổ phần của công ty có 500 nhân sự, Tuấn Anh không bằng lòng với những gì đang có. Lực bất tòng tâm là cảm giác đôi khi hiện hữu ở Tuấn Anh, đặc biệt ở thời điểm này. “Tôi chỉ biết tập trung làm những gì Appota đang có, chăm chỉ tìm mọi cách tiếp tục làm việc để nghĩ ra một con đường bằng cách làm cái mới”, Tuấn Anh chia sẻ.
Ở vị thế như Appota, rất dễ để được các nhà đầu tư ngoại chống lưng, nhưng Tuấn Anh đang khống chế điều này. Appota vẫn có nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, nhưng số vốn được gọi đến thời điểm này chưa qua nhiều đợt, chỉ chưa đầy 20 triệu USD. Vị chủ nhân của nó muốn Appota phải là của Việt Nam và được chèo lái theo ý mình.
Dĩ nhiên, sẽ có một số thời điểm buộc Tuấn Anh phải đưa ra những quyết định không mong muốn, vì trách nhiệm và áp lực với những người đi theo mình nhiều năm, nhiều nhà đầu tư bỏ tiền vào Appota lúc đầu. “Tôi nghĩ, không bao giờ vì mệt mỏi quá mà tôi bán Appota. Có thể tôi sẽ bán để trả ơn công sức một ai đó”, Tuấn Anh nói.
Đối với Tuấn Anh, trong gần một thập kỷ Appota tồn tại và phát triển, đã trải qua nhiều cú sốc lớn hơn Covid-19. Nhưng cú sốc về đại dịch làm thay đổi khá nhiều điều mang tính chất cốt lõi: khi cả thị trường thay đổi mà ngay cả các chuyên gia đầu ngành cũng khó nhìn ra cơ hội, Appota buộc phải cuốn theo chiều gió, thay đổi định hướng.
Trong đại dịch này, Appota chỉ nhìn ra một điểm chung là toàn thị trường bị chậm lại, thì mình cố gắng đi nhanh bằng cách củng cố vững chắc năng lực sẵn có.
3. Appota được coi là một ngôi sao đang lên trên thị trường công nghệ, giải trí số nhờ sự tử tế. Các nhà đầu tư săm soi định giá, có lượng sản phẩm và người dùng ổn định trong giới, nhiều thương vụ bắt tay với nền tảng kinh doanh tốt.
Covid-19 cho tôi nhìn thấy cả thế giới lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn sàng đối đầu với một việc tồi tệ như thế này. Và tôi thấy mình cần phải bớt tham vọng hão huyền đi. Bởi chỉ cần một cú reset như này là tất cả lại về “mo”. Vậy nên, tôi cần nhìn vào thực chất với những gì mình có để dù thế nào thì mình vẫn tồn tại. Mà tồn tại thì quan trọng hơn.
Thành quả đó đối với Đỗ Tuấn Anh phải được bảo vệ vững chắc bởi 2 yếu tố. Thứ nhất, luôn suy nghĩ tìm ra mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới để kiếm tiền, phải có nhiều người dùng thật sự, không thể sống bằng bơm thổi, đi gọi vốn. Thứ hai, duy trì đào tạo, xây dựng con người làm việc đoàn kết.
Appota đặc biệt chú ý tới những thứ xoay xung quanh con người là văn hoá doanh nghiệp - yếu tố rất quan trọng giúp những con người sống và làm việc tại đây liên kết tạo ra sức mạnh phục vụ một mục đích là đẩy doanh nghiệp đi lên, không phải vì giúp nhóm nào đó giàu lên. Bất cứ ai biết hoặc nghe nói về Appota đều thấy có gì đấy khó gọi tên, nhưng lại cực gắn bó, hấp dẫn, đầm ấm, nhẹ nhàng, giúp mọi người bộc lộ năng lực tích cực và cùng toả sáng theo cách riêng.
“Chúng tôi tạo ra điều đó từ những viên gạch nhỏ mà tôi xây dựng từ khi thành lập công ty. Tôi tự hào vì thời điểm tạo ra nó, tôi đã làm đúng”, Tuấn Anh nói.
Hiện 90% nhân sự đi cùng với Tuấn Anh từ những ngày đầu, 10% còn lại ra đi vì lý do cá nhân. Tuy nhiên, 10% đó sẵn sàng quay lại bất cứ lúc nào cần.
Vấn đề khôi phục kinh tế sau đại dịch đang sôi sục, khi mọi doanh nghiệp cuống cuồng xoay xở. Trong đó, sẽ có nhóm doanh nghiệp muốn khôi phục kinh tế bằng mọi giá. Appota khôi phục kinh tế bằng nội lực vững chắc đã có, với quan điểm tận dụng lợi thế tất cả đang cùng quay về con số 0, cự ly xuất phát bằng nhau, nhưng tốc độ phải khác nhau.
Không biết thế mạnh xa xưa kết hợp với vũ khí hiện tại sẽ giúp ông chủ “đế chế” Appota đột phá trên thị trường sau đại dịch và trở thành start-up “kỳ lân” trong tương lai hay không khi bối cảnh Việt Nam hiện còn quá nhiều yếu tố nội tại cần giải quyết. Song lúc này, với những gì đang có, Tuấn Anh tin Appota sẽ đứng lên một cách khác người như đã từng làm trong quá khứ.