Doanh nhân Lê Nguyên Phú: “Đi chậm để tích lũy nội lực“

Ở tuổi ngũ tuần, công việc ổn định, thu nhập cao nhưng ông Lê Nguyên Phú lại quyết định rời nước Mỹ trở về Việt Nam, bắt đầu khởi nghiệp ở lĩnh vực kinh doanh mà theo ông là "rất bình thường". Thế nhưng, đích đến của ông là "tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam để chứng minh chúng không thua sản phẩm cao cấp của những thương hiệu lớn trên thế giới".  

* Ông có nghĩ đó là tham vọng "nói dễ nhưng khó làm"?

- Có tham vọng thì sẽ có động lực. Quan trọng là phải đủ ý chí, niềm đam mê để theo đuổi và thực hiện tham vọng. Từng được học và rèn luyện tinh thần "làm gì cũng phải làm cho tới" nên việc gì đã đặt ra trong kế hoạch thì tôi đều quyết chí thực hiện đến cùng.

Khi chọn lĩnh vực sản xuất các loại túi xách, cặp táp, ba lô, ví bằng da thật 100%, tôi nhìn thấy thị trường còn rất nhiều việc để làm, tiềm năng của các sản phẩm này không chỉ về mặt thương mại mà còn thỏa mãn được sự ưa thích của rất nhiều người.

* Đằng sau tiềm năng về thương mại, có lý do gì khác để ông chọn sản xuất đồ da?

- Sau khi ba tôi mất, tôi để ý thấy đồ dùng của ông có nhiều thứ bằng da, chúng cổ điển mà sang trọng, như dây nịt, bóp, giày. Từ đó tìm tòi, khám phá loại vật liệu này. Ngoài thời gian đi học, tôi làm thêm ở một công ty sản xuất túi xách bằng da ở Mỹ. Thời gian ấy tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm và nhận ra mình có khả năng phân biệt các loại da rất chính xác.

Vì thế tôi được giao làm quản lý, theo dõi quy trình sản xuất của công ty. Thấy tôi có năng lực, làm việc chăm chỉ, ông chủ đề nghị trao công ty cho tôi nối nghiệp nhưng tôi từ chối vì lúc đó còn quá trẻ, nghĩ mình còn nhiều thứ phải học, phải trải nghiệm và cũng muốn kinh qua nhiều công việc để tích lũy vốn sống, kỹ năng.

Sau nhiều năm, trải nghiệm với nhiều công việc, tôi vẫn chưa quên "mối duyên đầu" với ngành da nên đi đây đó tìm hiểu thị trường, đến những nơi bán da, vào các trung tâm sản xuất đồ da. Tôi thấy thị trường đồ da của Việt Nam hầu như bị bỏ trống, những cơ sở sản xuất đồ da lại manh mún, nhỏ lẻ, một số thợ đồ da giỏi thì chọn làm công, trong khi rất nhiều người Việt Nam vẫn chuộng đồ da.

Nhìn ra các nước thấy nghề da phát triển mạnh, nhìn lại trong nước thấy thị trường vẫn còn lớn, đó là lý do tôi quyết định xây dựng thương hiệu Chiton với suy nghĩ đơn giản: chỉ cần nhặt "vụn bánh" của "chiếc bánh lớn thị trường" này là đã thành công!

Doanh nhân Lê Nguyên Phú: “Đi chậm để tích lũy nội lực“ ảnh 1

 Ảnh: Quý Hòa

* Và những "vụn bánh" ấy đến với ông có như mong muốn?

- Đến thời điểm này, công việc của tôi đã khá suôn sẻ và thành công lớn nhất là Chiton đã tạo được lòng tin, sự tín nhiệm sản phẩm của nhiều người dùng, kể cả khách hàng nước ngoài. Mỗi ngày, trên website, trên facebook của Chiton có thêm nhiều chia sẻ, có nhiều lời khen của khách hàng, tôi cảm thấy hạnh phúc và có thêm động lực để sáng tạo.

Song, "sướng nhất" là Chiton đã góp thêm những sản phẩm của Việt Nam vào thị trường thế giới, như túi xách, bóp, ví, dây nịt đã có mặt ở Bỉ, Mỹ, Nhật... Sau khi sử dụng sản phẩm Chiton made in Vietnam, nhiều khách hàng nước ngoài đã thốt lên ngạc nhiên vì không nghĩ Việt Nam lại làm được những mẫu túi xách đẹp và chất lượng cao đến vậy.

* Nhưng cũng có không ít khách hàng ngại mua đồ da của Chiton vì cho là của Việt Nam, chất lượng sẽ không bằng các thương hiệu nước ngoài…

- Khi xây dựng Chiton là sản phẩm của người Việt, tôi đã nghĩ đến Sony, Honda - những thương hiệu biểu trưng cho chất lượng Nhật Bản. Buổi đầu, các thương hiệu này cũng phải trải qua nhiều khó khăn, đối mặt với sự ngoảnh mặt của không ít người dùng. Thế nhưng với sự kiên định đi theo tiêu chí chất lượng và vươn đến mục tiêu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm quốc gia, cả Honda, Sony đều đã đi đến đích. Chiton cũng đang chọn đi theo con đường đó.

Có không ít người nói chiếc túi Chiton đẹp vậy mà nhãn mác lại ghi sản xuất tại Việt Nam làm mất giá trị của nó. Họ đề nghị tôi ghi trên sản phẩm dòng chữ "Made in Italy", nhưng tôi nhất quyết không. Với giá trị rất cao mà sản phẩm làm từ da đem lại, cộng với tay nghề của người thợ Việt Nam và tâm huyết của bản thân, tôi muốn khẳng định người Việt Nam đủ sức làm ra những sản phẩm không thua kém bất cứ thương hiệu đồ da nào trên thế giới.

Vì vậy, tôi đã đem hết trí tuệ, sức lực để làm ra những sản phẩm thật tốt, thật đẹp. Có thể chấp nhận đi chậm do tôi xây dựng Chiton là vì thương hiệu Việt Nam, vì niềm tự hào của một người con đất Việt chứ không quá áp lực lợi nhuận.

* Vậy ông có ngại các doanh nghiêp đi sau vượt qua?

- Tôi luôn mong có nhiều người cùng làm để tạo sức mạnh chung cho ngành đồ da Việt Nam. Đã có nhiều công ty lấy mẫu của Chiton sản xuất nhưng tôi rất thoải mái vì khi đó tôi sẽ phải tiếp tục tìm ra mẫu mới, còn nếu độc quyền, không cho người khác copy thì mình sẽ chậm phát triển.

Điều đáng nói là thị trường còn rất rộng nhưng ngành đồ da Việt Nam vẫn chưa thế phát triển như thế giới vì quy mô của các nhà sản xuất vẫn còn rất nhỏ, lại thiếu tinh thần hợp tác, hỗ trợ nhau, trong khi nhu cầu thị trường thì luôn thay đổi.

Ngành đồ da không bị áp lực cạnh tranh mà áp lực lớn nhất là nhân công. Tôi rất muốn truyền nghề cho các bạn trẻ nhưng khó tìm người yêu thích và theo đuổi nghề đến cùng vì cho rằng là nghề thủ công, không danh giá như nhiều nghề khác.

Quan điểm của tôi là muốn lên bậc thang cao nhất thì phải đi từ từ, từng nấc một. Trước đây tôi học thiết kế máy móc xe hơi nhưng khi sếp đưa một bản vẽ trông có vẻ rối rắm bảo phải thực hiện, lúc đầu tôi rất lúng túng.

Để thực hiện, tôi chia bản vẽ thành từng ô nhỏ, giải quyết từng ô nhỏ thì sẽ thực hiện được toàn bộ bản vẽ. Bây giờ tôi làm đồ da cũng vậy, cứ đi từng bước và biết sức mình đang ở đâu. Nếu đi nhanh, đi vội, vượt thực tế, cứ thấy người ta làm mình cũng làm thì dễ thất bại.

* Để đạt mục tiêu lớn, có khi nào ông nghĩ phải hy sinh lợi nhuận?

- Để làm nghề đúng theo ý mình thật không đơn giản. Ví dụ, có nhiều khách hàng đưa cho tôi mẫu túi từ nước ngoài, đặt hàng tôi phải làm y chang, tôi từ chối vì nếu làm đúng như vậy thì mình chỉ là người gia công, không còn bản sắc thương hiệu Chiton.

Cũng có những mẫu tôi thấy không đẹp, không hài lòng về chất lượng da, kiểu may thì thị trường lại chuộng và bán rất chạy nhưng nếu đi theo các sản phẩm đó thì Chiton sẽ không duy trì được uy tín.

Tôi muốn người dùng được sử dụng những sản phẩm họ ưa thích với chất lượng tốt nhất và giá hợp lý nhất. Vì vậy, chiến lược kinh doanh năm 2017 và sắp tới, tôi sẽ mở rộng sản xuất để sản phẩm của Chiton đạt mục tiêu 60% phổ thông và 40% dành cho phân khúc cao cấp. Tôi cũng đang thử nghiệm làm móc khóa bằng đồng thau vừa bền, vừa tăng giá trị cho sản phẩm, lại khác biệt.

Đây cũng là tư duy kinh doanh mà tôi học được từ người Nhật. Đó là tất cả sản phẩm tốt nhất đều dành cho người trong nước sử dụng. Đó cũng là lý do vì sao người dân Nhật luôn tự hào và ủng hộ sản phẩm trong nước.

Một tin vui là mới đây, một tập đoàn bán lẻ ở nước ngoài đã đề nghị tôi cung cấp số lượng lớn sản phẩm vì họ có thị trường 400 triệu người. Đây cũng là thời điểm tôi nhận thấy mình đã đủ sức để bắt đầu đi nhanh hơn, bước dài hơn sau nhiều năm đi chậm để tích lũy nội lực.

* Có người cho rằng nếu làm sản phẩm tốt quá thì tỷ lệ nghịch với lợi nhuận vì không bán được nhiều. Quan điểm của ông thế nào?

- Tùy theo sản phẩm để mỗi doanh nghiệp có chiến lược sản xuất riêng, nhưng quan điểm của tôi là Việt Nam đang hội nhập, đang trên lộ trình xây dựng giá trị và hình ảnh thương hiệu thì sản phẩm do Việt Nam sản xuất đều phải đạt chất lượng tốt nhất, đem lại giá trị cao nhất cho người dùng.

Đây cũng là con đường ngắn nhất, rẻ nhất để có được niềm tin và sự ủng hộ của thị trường, từ đó uy tín các sản phẩm made in Vietnam càng được nhân lên và mỗi người dân cũng được hãnh diện khi sản phẩm của nước mình có mặt trên thế giới và được tin dùng.

Cách nay mấy năm, có một sinh viên du học gửi thư cho tôi, viết rằng : "Cháu vừa mua chiếc túi của chú và khi đến trường, rất nhiều bạn bè khen đẹp và hỏi mua ở đâu. Vì vậy cháu rất muốn đem sản phẩm của chú ra bán ở nước ngoài".

Chỉ vài dòng chia sẻ ngắn ngủi nhưng tôi cảm thấy rất vui và tự hào. Cũng từ lá thư đó mà tôi được tiếp thêm sức mạnh để nghĩ ra những sản phẩm tốt hơn, thiết thực hơn cho cuộc sống.

Chẳng hạn mỗi sáng, nhìn học sinh mặc đồng phục đi học, tôi nảy ra ý định làm những sợi dây nịt bằng da thật tốt cho các em. Tuy chỉ là một phụ kiện nhưng nó phải đẹp và bền, sẽ theo các em suốt hành trình học tập, và sau hết, giá trị lớn nhất là nó lưu giữ như một vật kỷ niệm của tuổi học trò.

* Có hai cách để một sản phẩm thành công, đó là đáp ứng nhu cầu người dùng và dẫn dắt người dùng. Ông theo cách nào?

- Đa số doanh nghiệp đều nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng để biết họ thích gì, cần gì rồi đáp ứng, nhưng tôi lại thích dẫn dắt, thích tạo ra nhu cầu thị trường. Bởi đó mới là cái riêng của mỗi thương hiệu.

Thông thường khi kinh doanh, nhiều người phải cầm chắc đầu ra sản phẩm mới dám làm, còn tôi ngay từ đầu đã bỏ vốn sản xuất hàng trăm cái túi theo mẫu riêng, thiết kế cửa hàng trưng bày cũng hoàn toàn khác biệt, mang phong cách hoài cổ để thu hút khách hàng.

Với các mặt hàng bằng da, khách hàng chọn mua sản phẩm không chỉ bền, đẹp mà còn phải độc, lạ và thời trang. Vì vậy, dù dẫn dắt hay khác biệt thì người sản xuất đồ da vẫn phải lao động sáng tạo, biết kết hợp cái riêng với cái mới, hợp xu hướng thời trang.

* Trong các buổi trà dư tửu hậu, ông thường nói về thế hệ trẻ... 

- Tương lai của một đất nước phụ thuộc vào thế hệ trẻ và trong một thế giới mở, người trẻ sẽ là những người phải bắt nhịp xu thế của tương lai để phát triển. Vì vậy, các bạn trẻ phải học và học không ngừng, thậm chí suốt cuộc đời sinh ra là để học. Bản thân tôi đến giờ này cũng vẫn phải học. Bởi mỗi ngày có rất nhiều vấn đề cần giải quyết và chỉ có kiến thức đầy đủ mới giải quyết đúng.

Một thực tế đáng lo là hiện nay có rất nhiều bạn trẻ tìm danh tiếng ảo, trong khi quy luật của đào thải thì những người dở chắc chắn sẽ không tồn tại trên thị trường, chỉ có khả năng thật và thành quả thật mới giúp mình đứng vững. Và khi bị thua, bị đào thải, thay vì tìm cách để khắc phục, bước tới thì không ít người bao biện cho cái thua đó.

Vì thế mà tôi hay khuyên bạn trẻ vun đắp kiến thức mỗi ngày để vững vàng tiến bước. Người trẻ phải là công dân tốt, làm việc tốt và đóng góp trí tuệ, công sức để tạo ra một thế giới đẹp. Đừng bao giờ để tuổi già phải ăn năn, mà lúc đó phải thoải mái nhất về tư tưởng, càng về già càng yêu mình hơn, thấy mình thanh thản vì không làm việc gì xấu.

* Một chút tiết lộ của ông về bản thân?

- Tôi thích sống nội tâm, thích cuộc sống bình lặng, thậm chí không in cả danh thiếp. Ra ngoài thì ráng làm xong việc để về nhà, còn về nhà thì luôn nghĩ phải làm gì tiếp theo để lại ra ngoài.

Theo DNSG

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục