Cần xem xét điều chỉnh biểu thuế
Ông Ngô Văn Tuyển, quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam
Với quy định về thuế thu nhập cá nhân hiện nay, nếu điều chỉnh giảm trừ bản thân từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng, người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/người lên 4,4 triệu đồng/người (giả sử 2 người), thì so sánh tương quan tỷ lệ giữa mức đóng mới và mức đóng cũ có chênh lệch. Song về giá trị tuyệt đối thì không đáng kể.
Trong lúc chưa điều chỉnh biểu thuế, thì việc điều chỉnh giảm trừ cũng có ý nghĩa phần nào với những người có thu nhập không cao. Biểu thuế mới có vai trò quyết định phần lớn số thuế phải đóng. Nếu 5 triệu đồng thu nhập đầu tiên không phải chịu thuế hoặc chỉ chịu 1%, còn các bậc tiếp theo giảm đều 5%, thì người nộp thuế mới kỳ vọng giảm bớt số thuế phải nộp. Vì vậy, việc điều chỉnh giảm trừ bản thân và người phụ thuộc là hợp lý khi các chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, nhưng cũng cần phải sớm xem xét điều chỉnh biểu thuế hiện nay.
Chưa đáp ứng yêu cầu góp phần nâng cao đời sống
Ông Trương Phước Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Tin học Việt Tin
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 1/7/2013 là 123,2%, tăng 23,2%. Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh theo dự kiến mới chỉ gần bù cho trượt giá, chưa tính đến các yếu tố khác.
Trước tiên là yêu cầu “góp phần nâng cao đời sống” của người nộp thuế như Bộ Tài chính giải trình. Mới tăng mức giảm trừ chỉ bù trượt giá có nghĩa là đời sống chưa thể nâng cao. Việc nâng cao đời sống phải được thể hiện trong khả năng tăng mức chi cho các nhu cầu đang có sẵn, tất nhiên là với sức mua tương đương, đồng thời trang trải thêm các nhu cầu mới. Rõ ràng, mức tăng của giảm trừ gia cảnh nêu trên chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Một yếu tố không thể không tính đến là mức tăng trưởng GDP của cả nước, kéo theo là mức tăng GDP bình quân đầu người. Năm 2019, GDP cả nước đạt 266,5 tỷ USD so với năm 2013 là 171,2 tỷ USD, tăng 55,6%. Mức tăng trưởng của GDP làm cho sản phẩm xã hội nhiều hơn, đa dạng hơn và do đó, áp lực chi tiêu của người nộp thuế cũng vì thế mà tăng lên tương ứng. Mức tăng giảm trừ gia cảnh mà Bộ Tài chính đề xuất chưa tính đến yếu tố này.
Việt Nam là một nước đang phát triển, về mặt vĩ mô phải tính đến sự dịch chuyển của cơ cấu dân số xét ở khía cạnh chất lượng thu nhập. Điều đó có nghĩa là, người nghèo phải thoát nghèo, người thu nhập thấp phải tiến dần đến thu nhập cao hơn. Để thúc đẩy quá trình này, cần có nỗ lực của toàn xã hội, một hệ thống chính sách thích hợp, trong đó có chính sách về thuế thu nhập cá nhân.
Mức giảm trừ gia cảnh cần cao hơn 11 triệu đồng
Ông Phan Hải, Chủ tịch, Giám đốc Công ty Giày BQ
Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định trường hợp CPI biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. Cho đến thời điểm cuối tháng 12/2019, CPI tăng 23,2% so với thời điểm 1/7/2013.
Như vậy, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân là đúng đắn. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, mức giảm trừ gia cảnh cần nâng cao hơn 11 triệu đồng, bởi cách tính hiện nay chưa thật sự hợp lý (người nộp thuế phải đợi CPI tăng tối thiểu 20% nữa nếu muốn được điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh). Nên áp dụng cách tính hợp lý cho mỗi đối tượng (thành thị, nông thôn, mức sống, giá cả...), có thể căn cứ vào hoá đơn mà người nộp thuế chi trả cho bản thân và người phụ thuộc.
CPI tăng 23,2% vào cuối tháng 12/2019, vượt ngưỡng 20%, nhưng đến tháng 2/2020 mới đề xuất mức giảm trừ gia cảnh. Điều này gây bất lợi cho người nộp thuế. Đúng ra, Chính phủ nên đề xuất vào thời điểm CPI tăng 20%.
Ngoài ra, luật cũng cần tạo “khoảng hở” trong việc quy định mức đóng để Chính phủ chủ động đề xuất trước hạn, không để người nộp thuế phải chịu thiệt thòi.