Tham vọng mới
Theo Đặng Hoàng Minh, Giám đốc Điều hành kiêm Nhà sáng lập Công ty, Foody.vn không còn muốn định vị là một nơi chia sẻ, giới thiệu địa điểm ăn uống, mà là một hệ sinh thái dành cho lĩnh vực ẩm thực ở Việt Nam.
Hiện nay, Foody.vn tập trung đẩy mạnh cả 4 mảng dịch vụ cùng lúc là Foody.vn, Tablenow.vn, Deliverynow.vn và FoodyPOS.vn.
Theo đó, Tablenow.vn là dịch vụ đặt bàn trực tuyến, đối tác chủ yếu là các nhà hàng, buffet, quán ăn sang trọng. Hiện có khoảng 200 nhà hàng là đối tác của Công ty ở 3 thành phố lớn của Việt Nam. Minh cho biết, thế mạnh của Công ty khi tham gia lĩnh vực này là cộng đồng người sử dụng dịch Foody.vn, đây vừa là đối tượng khách hàng tiềm năng, vừa là những người chia sẻ trải nghiệm cá nhân.
Thứ đến là Deliverynow.vn, đây là dịch vụ giao hàng trực tuyến. Minh cho biết, đặt món ăn trực tuyến là thị trường tiềm năng, nhưng bài toán giao nhận vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Chính vì thế, Foody.vn chỉ chạy thử với một số nhà hàng trong phạm vi vừa phải để thăm dò và phát triển thị trường. Khi đơn hàng ngày càng lớn, Foody.vn sẽ liên kết với các bên thứ ba chuyên về giao nhận.
Còn FoodyPOS.vn là dịch vụ cung cấp phần mềm quản lý bán hàng cho các nhà hàng, quán ăn. FoodyPOS hiện tại có thể giúp các quán nhỏ và vừa tiết kiệm chi phí, quản lý hiệu quả hơn và đặc biệt là tích hợp vào hệ thống Foody, DeliveryNow, TableNow - điều này giúp các doanh nghiệp kinh doanh ăn uống hoạt động tốt hơn rất nhiều. Hiện FoodyPOS.vn cung cấp miễn phí một số tính năng cơ bản.
Đặc biệt, về sản phẩm Foody.vn, Foody đang và sẽ chú trọng tập trung đi theo hướng cung cấp nội dung chuyên sâu và hình ảnh chất lượng từ cộng đồng. Các thành viên có thể “theo dõi” nhau để khám phá các địa điểm phù hợp.
Với chiến lược như trên, Foody.vn đang phát triển theo chiều ngang khi lấn sân hầu hết các dịch vụ. Như Deliverynow.vn chẳng hạn, Foody.vn sẽ cạnh tranh với nhiều sản phẩm, dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến đang có mặt trên thị trường…
Tuy nhiên, Minh cho rằng, Foody.vn không tham vọng khi phát triển nhiều sản phẩm cùng lúc vì nhìn chung vẫn là phục vụ tập khách hàng ăn uống hoặc kinh doanh ăn uống. Đây là điều Foody.vn không hướng đến vì nếu đi theo mô hình cũ là giới thiệu, chia sẻ địa điểm ăn uống, Công ty nhiều khả năng sẽ không theo kịp tốc độ phát triển của thị trường. Để giữ chân khách hàng tương tác, Foody.vn phải cung cấp nhiều dịch vụ cần thiết khác cho họ, ngoài nhu cầu tìm kiếm địa điểm.
Cái duyên với ngành ẩm thực
Tốt nghiệp ngành Kỹ sư phần mềm ở Australia, năm 2007, Minh về Việt Nam lập nghiệp với website Vnnhahang.vn. Dự án đầu tiên thất bại về mọi mặt vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và thiếu tập trung vào công ty. Hoạt động gần 3 năm trời mà mỗi ngày chỉ có 2.000 lượt truy cập vào website.
Năm 2012, Minh dừng Vnnhahang.vn thành lập Oderfood.vn, website chuyên về đặt món ăn. Thành lập được 2 tháng thì Công ty được Nhommua.com mua lại. Tuy nhiên, sự sẩy chân của Nhommua.com ở thị trường Việt Nam khiến Oderfood.vn cũng không đi tới đâu.
Không nản, Minh bắt tay vào làm Foody.vn ngay sau đó. Sự quyết tâm và kiên trì theo đuổi sản phẩm của anh cùng những người đồng sáng lập Foody.vn đã thuyết phục được ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng đại diện của CyberAgent tại Việt Nam và Thái Lan. Không lâu sau đó, Cyber Agent và Pix Vine Capital (Singapore) đầu tư vào Foody.vn.
Vào thời điểm năm 2012, thị trường đã có các doanh nghiệp đi trước và hoạt động khá ổn định. Để tạo sự khác biệt, 3 tháng sau, Foody.vn đưa ra phiên bản dành cho di động. Chiến lược này đã phát huy tác dụng, theo đó, một người sử dụng Foody.vn trên di động vào thời điểm đó có xu hướng tạo ra nội dung cao gấp 3 đến 4 lần trên website.
Không chỉ thế, việc tấn công vào thị trường di động từ rất sớm đã khiến cho Foody.vn trở thành cái tên hấp dẫn trong lĩnh vực ăn uống. Tháng 6/2015, Garena (Singapore) trong quá trình đa dạng hóa sản phẩm của mình trong lĩnh vực Internet và di động đã chọn Foody.vn để “gửi vàng”.
Chat với CEO Foody.vn
- Nếu một ngày không phải làm việc, ông sẽ làm gì?
Tôi sẽ đi du lịch, đi ăn rồi cập nhật lên Foody.vn
- Việc nắm trong tay nhiều dữ liệu về địa điểm ăn uống, vui chơi có làm anh thêm điểm cộng trong mắt người yêu không?
Tôi nghĩ là có.
- Đâu là điểm anh chưa hài lòng về bản thân mình?
Nhiều khi tôi hơi nóng vội. Cái gì thích là phải làm ngay, thúc mọi người làm. Điều này khá tốt cho các công ty khởi nghiệp khi phải liên tục đổi mới, nhưng đôi khi lại gây khó chịu cho những cộng sự. Với lại, làm ngay, làm liền thì không có nghiên cứu kỹ, đôi khi là vội vã, làm mất thời gian.
Lần gọi vốn gần đây nhất là từ Tiger Global Investment hồi cuối tháng 7/2015. Ngay sau khi được đầu tư lần thứ tư, Foody.vn đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang Thủ đô Jakarta của Indonesia. Theo Minh, đây là thị trường có nhu cầu ẩm thực khá giống TP.HCM, nhưng tiềm năng cao hơn rất nhiều khi dân số cao gần gấp 3 lần thành phố, ước tính khoảng 23 triệu người.
Tuy nhiên, hiện Công ty vẫn trong giai đoạn tìm hiểu thị trường bằng cách tự xây cộng đồng và sản phẩm từ đầu như Foody.vn. “Chúng tôi chọn đi chậm nhưng chắc ở Indonesia.”, Minh nói.
Đối thủ chính là… Facebook
Khi được hỏi vì sao lại chọn lĩnh vực ăn uống khởi nghiệp? Minh cười và nói mình không phải là người sành ăn, nhưng ăn uống với đặc tính là hành vi hoạt động có tần suất cao của người sử dụng là yếu tố hấp dẫn anh.
Khi bắt tay vào kinh doanh, gia đình Minh gặp khó khăn về tài chính, vì thế, tính thực dụng đã tác động mạnh tới việc chọn mô hình khởi nghiệp của anh. Tuy nhiên, khi bắt tay vào việc thì ý nghĩ làm tốt, làm hết khả năng đã lấn át những toan tính ban đầu.
Tính tới thời điểm hiện nay, Foody.vn đã có doanh thu, nhưng nhìn chung vẫn trong tình trạng “thu không đủ chi”. Ông Minh cho biết, Công ty vẫn trong giai đoạn phát triển cộng đồng, hoàn thiện các sản phẩm vệ tinh, nên tạm thời chưa chú trọng đến chuyện doanh thu.
Tuy nhiên, với đội ngũ nhân sự lên đến 250 con người ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Foody.vn phải có câu trả lời rõ ràng về doanh thu với các nhà đầu tư trong 3 năm nữa. Dĩ nhiên, áp lực là có, nhưng điều đó không làm Minh quá lo lắng. Bởi áp lực lớn nhất đã đến trong thời gian đầu khởi nghiệp với những khó khăn về tài chính, ở nhà thuê, phải vay mượn bạn bè, không có tương lai rõ ràng. Đó là áp lực kinh khủng nhất, nhưng Minh vẫn vượt qua, nên với câu chuyện Foody.vn, mọi chuyện đã tốt hơn rất nhiều.
“Foody.vn có thể đẩy mạnh việc bán hàng ngay bây giờ, nhưng sản phẩm chưa “chín”, giao hàng chưa ổn định, nên vẫn cần thời gian để thực hiện một cách tốt hơn”, Minh nói.
Đánh giá về sự nổi lên của các doanh nghiệp đối thủ ở thị trường Việt Nam, Minh cho rằng, đó là một tín hiệu tốt vì cạnh tranh càng nhiều là dấu hiệu cho thấy thị trường đang phát triển và còn nhiều tiềm năng.
Đối thủ mà Foody.vn lo ngại nhất, theo Minh chính là Facebook. Với tập người sử dụng lớn và thường xuyên ở Việt Nam, Facebook sẽ là trở ngại không nhỏ cho Foody.vn và các doanh nghiệp có mô hình tương tự khi nhảy vào lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Trên thực tế, hiện nay các chủ nhà hàng vẫn đang dành ngân sách quảng cáo khá lớn cho mạng xã hội này.
Tuy nhiên, vẫn có những chỗ trống mà Facebook để lại. Thứ nhất, do phạm vi hoạt động quá lớn nên chắc chắn Faceook sẽ gặp khó khăn trong việc chăm sóc khách hàng ở từng thị trường, nhất là những thị trường còn nhỏ như Việt Nam. Thứ hai, Facebook sẽ khó có những đánh giá tập trung như Foody.vn. Cuối cùng, Facebook chỉ cung cấp dịch vụ quảng cáo, quản lý bán hàng, còn Foody.vn đưa cho doanh nghiệp một giải pháp toàn diện từ quảng cáo, quản lý bán hàng cho đến giao nhận. “Chúng tôi sẽ đối phó bằng khả năng am hiểu địa phương của Foody.vn.”, Minh nói.
Đâu là sự khác biệt trong công việc khi khởi đầu Foody.vn cách đây 4 năm và sau khi gọi vốn thành công đến lần thứ tư, Minh cười và bảo không có thay đổi gì nhiều, vì 4 năm trước anh làm việc từ 9 giờ sáng đến 12 giờ đêm thì hiện nay vẫn như vậy.