Doanh nghiệp khoáng sản thất thu

Thua lỗ nặng hơn hoặc lợi nhuận giảm là diễn biến chủ đạo ở nhiều công ty khoáng sản trong quý III năm nay. Cổ phiếu ngành này cũng không còn được săn đón nhiều như trước.
Doanh nghiệp khoáng sản thất thu

Theo thống kê, đến cuối tháng 10, trong số 25 doanh nghiệp khoáng sản niêm yết trên sàn đã có 17 công ty công báo báo cáo tài chính quý III, trong đó 80% giảm lãi, 20% còn lại có mức lỗ tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu và lợi nhuận toàn ngành giảm so với quý trước và hạ gần 3 lần so với cùng kỳ.

Lỗ mạnh nhất là Công ty cổ phần khoáng sản Sài Gòn-Quy Nhơn (mã CK: SQC). Doanh thu thuần quý III đạt 27 tỷ đồng, bằng14% cùng kỳ. Doanh thu giảm mạnh góp phần làm lợi nhuận sau thuế của công ty âm hơn 7,3 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên công ty này báo lỗ kể từ khi lên sàn.

Theo lý giải của công ty, lợi nhuận âm là do chịu ảnh hưởng kép bởi việc giảm giá bán của các sản phẩm từ titan trên thị trường thế giới và các chi phí đầu vào tăng cao do các đợt tăng giá xăng dầu và điện. Tính chung 9 tháng công ty lỗ 6,3 tỷ đồng.

Công ty cổ phần khoáng sản FECON (Mã CK: FCM) quý III lỗ 5,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ âm 166 triệu đồng. Doanh thu thuần giảm 42,7%, xuống còn 22,6 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái, lên 258 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty biến động mạnh so với quý III/2012 là một số chủ đầu tư, khách hàng thay đổi nhân sự, quy trình nên việc nghiệm thu, quyết toán chưa hoàn thiện dẫn đến chưa được ghi nhận trong doanh thu và lợi nhuận. Mặt khác, nguồn thu từ mảng khoáng sản chưa thể hiện trong báo cáo. Các thủ tục đầu tư khai thác mỏ chưa hoàn thiện nên việc khai thác và cung cấp ra thị trường chưa thể diễn ra theo kế hoạch.

 

Mã CK Lợi nhuận sau thuế (ĐVT: triệu đồng)
Quý III/2013 Quý III/2012
SQC -7.343 50.073
SMC -5.282 -181
KBC -3.693 -3.321
KSQ -1.82 -404
MMC -1.168 -974
KHB -55 -367
KTB -41 4
HGM 18.512 34.929
LCM 69 13.395
DHM 3.582 10.143
KSB 20.887 25.467
BMC 18.444 20.668
MIH 3.295 1.934
AMC 2.424 1.988
CMI 5.04 478
  25.878 -1288.724

 

Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Kạn (mã CK: BKC), quý III, công ty mẹ lỗ 3,6 tỷ đồng. Đây cũng là kỳ thứ 3 liên tiếp công ty này báo lỗ trong năm 2013. Ngoài ra, còn có 4 đơn vị khác trong ngành thua lỗ từ 41 triệu đồng đến 1,8 tỷ đồng như: Khoáng sản Mangan, Khoáng sản Tây Bắc, Khoáng sản Quang Anh, Khoáng sản Hòa Bình.

Những doanh nghiệp còn lại có lãi nhưng đa phần lợi nhuận giảm 40-90% so với cùng kỳ. Ví dụ như: Công ty cổ phần cơ khí và khoáng sản Hà Giang (mã CK: HGM) giảm 16 tỷ đồng, Công ty cổ phần khai thác và chế biến Khoáng sản Lào (mã CK:LCM) giảm 13 tỷ, Công ty cổ phần thương mại và khai thác khoáng sản Dương Hiếu (mã CK: DHM) hạ 6 tỷ đồng. Riêng Công ty cổ phần CMISTONE Việt Nam (mã CK: CMI) lãi tăng hơn 4 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Đánh giá về tình hình của doanh nghiệp khoáng sản, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho hay, ngành khoáng sản (nhất là chuyên về titan) khó khăn từ năm 2012 đến nay. Nguyên nhân do giá titan Trung Quốc và thế giới giảm mạnh, ngành xây dựng của Trung Quốc chững lại trong 2 năm qua, những hợp đồng bán titan với giá tốt đã hết. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt đầu tư chi phí để xây dựng nhà máy xỉ tương đối lớn nhưng chưa lấy lại vốn mà giá titan lại giảm khiến khó khăn tăng lên. Để sản xuất ra titan, giá điện chiếm tới 28% giá thành, trong khi thời gian qua giá điện lại tiếp tục biến động ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận doanh nghiệp ngành này.

Ông Hiển dự đoán, ngành khoáng sản sẽ còn khó khăn đến hết 2014. Đầu năm 2015, khi kinh tế thế giới khởi sắc, ngành này sẽ bắt đầu phục hồi lại. Tuy nhiên, muốn đạt được điều đó, công nghiệp điện phải phát triển mạnh, không tăng giá quá nhanh đồng thời đảm bảo đủ nguồn điện cung ứng.

"Ngành titan vẫn kỳ vọng là một ngành công nghiệp lớn. Hiện ở Bình Thuận có trữ lượng lớn titan, trong tương lai có thể sẽ có nhà máy xỉ titan quy mô lớn được xây dựng. Nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược dài hạn có thể nắm bắt cơ hội ngay từ bây giờ", ông Hiển cho biết.

10 tháng qua, thanh khoản các mã khoáng sản tương đối thấp, khối lượng giao dịch bình quân nhóm này chỉ đạt hơn 30 triệu cổ phiếu, tương đương 3 triệu chứng khoán mỗi tháng. Trong khi đó, trên hai sàn chứng khoán, nhiều mã ở lĩnh vực khác có thể đạt khối lượng khớp lệnh lên đến cả triệu cổ phiếu mỗi phiên.

Hiện tại, mã có thanh khoản cao nhất nhóm khoáng sản là LCM và DHM, khối lượng giao dịch 10 tháng qua đều đạt trên 100 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, so với hồi đầu năm, thị giá hai mã này cũng giảm hơn 50% và hiện đều dưới 10.000 đồng.

Theo ông Trần Thăng Long – Phó phòng Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), trên sàn giao dịch và so với thị trường chung, cổ phiếu khoáng sản hầu như không thu hút được nhiều sự chú ý do thanh khoản thấp, kinh doanh lại chưa khởi sắc, tiềm năng ngành chưa phục hồi.

Ngoài dân chứng khoán trong nước, “các nhà đầu tư nước ngoài có thể cũng chưa nhìn thấy tiềm năng của doanh nghiệp khoáng sản trong 2-3 năm tới nên cũng ít hứng thú, khiến lĩnh vực này càng kém hấp dẫn hơn trong dài hạn”, ông Long chia sẻ. Ông dự đoán, có thể phải mất 2 đến 4 năm, ngành khoáng sản mới có thể đem lời về cho nhà đầu tư.


VnExpress

Tin cùng chuyên mục