Người của Toàn Tín Phát rút lui
Ngay trước thềm ĐHCĐ, Công ty công bố nhận được đơn từ nhiệm của hàng loạt lãnh đạo, bao gồm thành viên HĐQT ông Vũ Hồng Sơn, thành viên HĐQT ông Lã Quốc Đạt và thành viên Ban kiểm soát ông Bùi Đức Tuế. Lý do từ nhiệm của ba người này là do bận công việc cá nhân nên không thể đảm nhận chức vụ.
Trong đó, ông Vũ Hồng Sơn là người của nhóm cổ đông CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát, được bầu vào vị trí thành viên HĐQT Hải Phát Invest từ ngày 21/10/2023 sau khi nhóm CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát mua vào nâng sở hữu lên 16,54% vốn điều lệ tại Hải Phát Invest vào ngày 14/9/2023.
Trước đó, ngày 1/4/2024, nhóm cổ đông liên quan CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát (gồm ông Hoàng Văn Toàn, bà Hoàng Như Ý, ông Nguyễn Việt Dũng và bà Hoàng Thị Như) bất ngờ thông báo đã bán ra hơn 35,1 triệu cổ phiếu HPX, giảm sở hữu từ 16,54%, về 4,997% (toàn bộ do ông Hoàng Văn Toàn sở hữu) và chính thức không còn là cổ đông lớn tại Hải Phát.
Diễn biến thoái vốn của nhóm Toàn Tín Phát tại Hải Phát Invest đã được nhiều thành viên thị trường dự đoán trước đó khi Toàn Tín Phát trên thực tế không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, dù ngành nghề kinh doanh chính kể từ khi thành lập vào tháng 10/2021 là kinh doanh bất động sản.
Các ông Hoàng Văn Toàn, Vũ Hồng Sơn đều được biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực đầu tư tài chính khi ông Vũ Hồng Sơn từng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tại CTCP Chứng khoán Everest, còn ông Hoàng Văn Toàn cũng từng đầu tư vào nhiều cổ phiếu như DNP hay AGM. Ngoài ra, ông Lã Quốc Đạt, một thành viên liên quan đến Toàn Tín Phát cũng đã từng tham gia đầu tư và trở thành cổ đông lớn của AGM.
Thời điểm Toàn Tín Phát tham gia mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn của HPX (cuối tháng 9/2023), Hải Phát rơi vào khủng hoảng về thanh khoản khi cổ phiếu của ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty liên tục bị bán giải chấp, dẫn tới tình trạng hơn 85% cổ phiếu HPX đang lưu hành được nắm giữ bởi hàng chục nghìn cổ đông tự do, gây khó khăn cho việc tổ chức ĐHCĐ.
Việc Toàn Tín Phát tham gia mua cổ phiếu HPX và trở thành cổ đông lớn, đồng thời tham gia vào Hội đồng quản trị giúp Hải Phát Invest thuận lợi hơn trong việc đảm bảo tỷ lệ tham dự cho việc tổ chức ĐHCĐ thường niên diễn ra vào tháng 10/2023, cũng như thông qua kế hoạch tái cấu trúc vào thời điểm đó.
Sau khi cổ phiếu HPX được giao dịch trở lại hồi giữa tháng 3/2023 và liên tục bật tăng, nhóm Toàn Tín Phát thoái vốn khỏi HPX. Điều này không có gì là ngạc nhiên nếu nhà đầu tư theo dõi việc mua/bán cổ phiếu và tham gia điều hành ở các doanh nghiệp khác trước đó (DNP và AGM) của nhóm này khi thường không quá 6 tháng.
Sau khi đại diện nhóm cổ đông từ Toàn Tín Phát rút lui khỏi HĐQT và Ban kiểm soát, trong danh sách đề cử bầu bổ sung thành viên HĐQT là sự quay trở lại của người từng tham gia công tác tại Hải Phát Invest là ông Lê Thanh Hải (sinh năm 1978) và ông Lê Quang Vinh (sinh năm 1972).
Ngoài ra, danh sách đề cử bầu bổ sung thành viên Ban Kiểm soát cũng bổ sung ông Lê Mạnh Hùng (sinh năm 1970), người giữ chức Phó tổng giám đốc CTCP Hải Phát Kinh Bắc từ tháng 12/2017 đến nay.
Câu hỏi với tham vọng trở lại
Quay trở lại với ĐHCĐ chiều 26/4, ngay sau khi kiện toàn lại HĐQT là những người cũ của mình, Hải Phát Invest trình kế hoạch dự kiến phát hành 307,2 triệu cổ phiếu, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá gần 3.073 tỷ đồng.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ công ty sẽ tăng từ gần 3.042 tỷ đồng lên gần 6.115 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc phát hành cổ phiếu này được đánh giá là không dễ, khi ngoại trừ 15,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023, tỷ lệ 5% có khả thi khi tới cuối tháng 3/2024, Hải Phát Invest vẫn còn gần 300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, hai kế hoạch phát hành còn lại đặt nhiều dấu hỏi.
Cụ thể, trong kế hoạch phát hành của mình, HPX dự kiến phát hành 152 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 140 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ đều với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều so với thị giá hiện tại (6.000 đồng/cổ phiếu).
Theo Ban lãnh đạo Hải Phát Invest, nguồn tiền thu được từ đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu nếu phát hành thành công, sẽ dành cho việc thanh toán các trái phiếu đã phát hành của Công ty (bao gồm gốc và lãi), và/hoặc các khoản nợ của Công ty (bao gồm gốc và lãi). Trong khi đó, nếu kế hoạch phát hành riêng lẻ thành công, số tiền thu được, Công ty sẽ sử dụng để góp vốn vào các công ty con gồm Công ty TNHH MTV Hải Phát - Bình Thuận (200 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư Phát triển Xanh Kỳ Sơn (450 tỷ đồng); thanh toán công nợ nhà thầu thi công các dự án (200 tỷ đồng); góp vốn theo hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Huy Hoàng (150 tỷ đồng); bổ sung vốn phát triển dự án Khu đô thị Mai Pha, Lạng sơn (300 tỷ đồng); thanh toán chi phí hoạt động và thuế cũng như các khoản phải nộp Nhà nước khác (100 tỷ đồng).
Do đó, kế hoạch này sẽ phụ thuộc nhiều vào triển vọng triển khai các dự án của Hải Phát Invest trong năm nay.
Tuy nhiên, danh mục đầu tư dở dang tính tới cuối tháng 3/2024 của Hải Phát lên tới 15 dự án. Ngoài ra, các khoản đầu tư tài chính của Hải Phát Invest vào các công ty liên doanh, liên kết và các đơn vị kinh doanh khác là 517,7 tỷ đồng. Đặc biệt trong đó, hai khoản đầu tư đáng chú ý là gần 56 tỷ đồng vào Công ty TNHH BT Hà Đông và 113,4 tỷ đồng vào Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) được xem là hai khoản đầu tư không thành công của Hải Phát Invest tính đến thời điểm hiện tại.
Trong khi dự án BT Hà Đông do liên danh Hải Phát - Văn Phú làm chủ đầu tư bị ách tắc vì phải rà soát lại hợp đồng theo yêu cầu của Bộ Tài chính và UBND TP. Hà Nội, thì khoản đầu tư vào Cienco 5 vướng tranh chấp liên quan đến Tập đoàn Mường Thanh tại dự án Thanh Hà B - Cienco 5, hiện vẫn chưa có hướng giải quyết.
Trong trả lời chất vấn cổ đông, Ban lãnh đạo Hải Phát Invest cho hay, sẽ tập trung kinh doanh và triển khai các dự án trọng điểm: Dự án Hải Yên - Móng Cái, Dự án Phố đi bộ Bắc Giang, Dự án 5A Đề Thám - Cao Bằng, Dự án Mai Pha - Lạng Sơn, Dự án 5 ha Phú Hài - Bình Thuận, Dự án Đảo Ngọc - Hòa Bình.
Tuy nhiên, ngoại trừ dự án Hải Yên 1 và Hải Yên 2 ở Móng Cái, theo Hải Phát Invest đủ điều kiện bán hàng, các dự án còn lại đều đang trong quá trình triển khai và chưa có cụ thể về dòng tiền mang lại ở mức độ nào, nhất là đánh giá về mức độ hồi phục ở một số thị trường như Bình Thuận hay Lạng Sơn cũng chưa thực sự khả quan.
Riêng dự án Mai Pha - Lạng Sơn là dự án tắc của Hải Phát Invest khi quá trình triển khai công tác thu hồi đất để thực hiện dự án đã phát sinh kiến nghị, phản ánh của người dân. Hồi đầu tháng 1/2024, Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị công khai thông tin liên quan đến Dự án khu đô thị mới Mai Pha, TP. Lạng Sơn, trong đó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND TP. Lạng Sơn tạm dừng việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại Dự án để tập trung kiểm tra, rà soát, khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong quá trình triển khai.
Trong danh mục các dự án triển khai trọng điểm năm 2024 của Hải Phát Invest, đáng lưu ý là dự án Đảo Ngọc - Hòa Bình. Đây là dự án hoàn toàn mới của Hải Phát Invest và mới chỉ được thông qua hồi cuối tháng 12/2023. Dự án này do Công ty TNHH Đảo Ngọc Xanh Kỳ Sơn - Liên danh giữa CTCP Đầu tư Phát triển Xanh Kỳ Sơn và CTCP Tập đoàn Telin - làm chủ đầu tư. Hải Phát Invest dự kiến chi 450 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư Phát triển Xanh Kỳ Sơn là nhằm mục đích M&A dự án này.
Dự án này có quy mô 35 ha với 350 - 450 căn nhà ở liền kề, nhà ở biệt thự và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tổng chi phí thực hiện dự án (chưa bao gồm tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng) là 234 tỷ đồng. Liên danh trên đã trúng thầu dự án từ năm 2018, thời gian thực hiện là 24 tháng.
Giữa tháng 6/2023, Công ty TNHH Đảo Ngọc Xanh Kỳ Sơn bị Cục Thuế tỉnh Hòa Bình công bố nợ thuế hơn 841 tỷ đồng. Đến đầu tháng 7/2023, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình đã có văn bản thông tin về hàng loạt các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện huy động vốn, giao dịch trên địa bàn tính đến quý II/2023, trong đó có dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc nói trên.