Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản không mặn mà với vận tải đường sắt

0:00 / 0:00
0:00
Chưa nhiều doanh nghiệp chọn đường sắt làm phương tiện vận chuyển cho các lô hàng xuất khẩu, dù ngành đường sắt đã đầu tư nâng cấp chất lượng toa xe, khai thác vận chuyển container lạnh tự hành.
Vận tải đường sắt vẫn ít được các DN nông sản lựa chọn dù chi phí của loại hình vận tải này rẻ hơn đường bộ, đường biển, đặc biệt là hàng không. Vận tải đường sắt vẫn ít được các DN nông sản lựa chọn dù chi phí của loại hình vận tải này rẻ hơn đường bộ, đường biển, đặc biệt là hàng không.

Nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, trong đó có nhiều mặt hàng nằm trong nhóm các nước xuất khẩu lớn trên thế giới như gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, cao su.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt gần 25,5 tỷ USD, có 6/9 mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD, cụ thể: thủy sản đạt 8,54 tỷ USD; rau quả đạt 3,75 tỷ USD; hạt điều đạt 3,29 tỷ USD (tương đương 456 nghìn tấn); cà phê đạt 2,86 tỷ USD (tương đương 1,65 triệu tấn); gạo đạt 2,81 tỷ USD (tương đương 6,37 triệu tấn), cao su đạt 2,3 tỷ USD (tương đương 1,7 triệu tấn).

Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp logistics về phương thức vận tải để vận chuyển hàng nông sản và hàng lạnh, đường bộ vẫn là sự lựa chọn hàng đầu đối với các doanh nghiệp chủ hàng do sự linh hoạt, thời gian vận chuyển nhanh và cũng là một phương thức “truyền thống”, đặc biệt là đối với xuất khẩu sang các thị trường có chung đường biên giới với nước ta.

Tiếp đến là đường biển do chi phí thấp, thích hợp với việc xuất khẩu sang các thị trường xa và với các mặt hàng có tính thời vụ thấp.

Tại Hội nghị trực tuyến kết nối doanh nghiệp nông sản - đường sắt - hàng không do Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay: “Tỷ lệ sử dụng đường sắt và đường hàng không hiện nay chưa nhiều. Hàng không thì chi phí vận chuyển cao, chưa phù hợp với các mặt hàng nông sản giá trị thấp, vận tải đường sắt thiếu kết nối linh hoạt.

Do tính chất đặc thù đối với một số loại hàng nông sản như chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng, có tính thời vụ theo mùa... nên hoạt động logistics phục vụ vận chuyển hàng nông sản đòi hỏi một quá trình tích hợp từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, lưu trữ, vận chuyển và phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng.

Ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng Ban Kế hoạch – Kinh doanh thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, để thu hút khách hàng là các doanh nghiệp nông sản, thời gian qua ngành đường sắt đã đầu tư nâng cấp chất lượng toa xe, triển khai khai thác vận chuyển container lạnh tự hành, cung cấp dịch vụ vận tải khép kín.

Các đoàn tàu hàng liên vận quốc tế sang Trung Quốc đã được đưa vào khai thác với nhiều ưu thế như thời gian vận chuyển được rút ngắn, thủ tục thông quan chính ngạch tại cửa khẩu ga Đồng Đăng - Bằng Tường nhanh chóng và thuận lợi, hàng hóa có thể đi sâu vào nội địa Trung Quốc mà không cần chuyển tải.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai, Đồng Đăng (Lạng Sơn) có khối lượng là 864.000 tấn nhưng lượng hàng xuất khẩu bằng đường đường sắt khiêm tốn khi chỉ đạt hơn 17.000 tấn, chiếm 1,8%.

So với đường bộ, đường thủy, 2 loại hình mà doanh nghiệp nông sản thường lựa chọn cho hoạt động xuất khẩu, vận tải đường sắt cũng có nhiều điểm cộng, đó là chi phí thấp hơn, lại chuyên chở được khối lượng lớn, gồm cả hàng đông lạnh, tự hành.

Tuyến tàu liên vận quốc tế từ Việt Nam đi nhiều nước, hiện cung cấp dịch vụ trọn gói dịch vụ xuất nhập khẩu chính ngạch như thông quan tại cửa khẩu mà không phải lo lắng về việc vượt tải trọng, thông quan.

Dù vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng không lựa chọn vì phải qua nhiều khâu trung chuyển hàng hóa ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục