Khi lãnh đạo tỉnh đi học… hỗ trợ doanh nghiệp
“Chúng tôi chưa làm được nhiều cho doanh nghiệp, nên muốn đến đây, nghe để học”, ông
Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương bắt đầu câu chuyện về sự trở lại ấn tượng của Bình Dương trong Top 5 Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 trong buổi cà phê doanh nhân do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Khác với vẻ trịnh trọng khi tham dự Lễ công bố PCI 2016 vài tiếng đồng hồ trước, ông Dũng không áo vest, không cà vạt, ngồi quanh chiếc bàn tròn cùng với lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, kể chuyện 2 năm vừa rồi, Bình Dương học Quảng Ninh, học Singapore xây dựng trung tâm hành chính công, thiết lập nhóm luật sư tình nguyện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
“Năm 2016, chúng tôi giải quyết được khoảng 130.000 hồ sơ, tỷ lệ chưa giải quyết là 1%. 50% kết quả thủ tục hành chính được trả qua bưu điện…”, ông Dũng nhắc những việc làm được mà ông và các cộng sự đều cho rằng, vẫn chưa đủ để tạo nên môi trường thuận lợi nhất cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân mà Bình Dương đang xác định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, bên cạnh khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà tỉnh này vẫn duy trì sức hấp dẫn nhiều năm qua.
Ngay cả việc gửi thư xin lỗi doanh nghiệp nếu hồ sơ không được giải quyết đúng hạn với ông Dũng cũng chưa đủ để doanh nghiệp an tâm đầu tư lớn, dài hạn.
“Chúng tôi quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ, nên sẽ cần thêm kinh nghiệm và ý kiến của doanh nghiệp”, ông Dũng chia sẻ.
Không phải riêng Phó chủ tịch Bình Dương muốn như vậy. Sự có mặt của lãnh đạo Đà Nẵng, Quảng Ninh – hai ngôi vị cao nhất của PCI 2016 – cũng như lãnh đạo của Đồng Tháp – nơi khai sinh mô hình cà phê doanh nhân; Bắc Ninh – địa phương đầu tiên triển khai mô hình bác sỹ doanh nghiệp, hay Cần Thơ – thành phố mới nhất triển khai Ngày doanh nghiệp thứ Hai hàng tuần… dường như đều ẩn chứa mong muốn tìm kiếm thêm mô hình mới cho các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Họ không cần bất cứ nghi lễ khai mạc, dẫn đề nào, không cần bục phát biểu cũng như những tràng pháo tay…
Thậm chí, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã không ngần ngại nói: “Chính quyền phải tự đổi mới mình, những chỉ số của tỉnh hiện đang thấp hơn so với các tỉnh bạn thì phải học tập kinh nghiệm để nâng cao, những chỉ số nào đang tốt thì phải giữ, phát huy và không để bị tụt xuống”.
Cũng phải nói thêm, cho dù Quảng Ninh đang là đương kim á quân với nhiều điểm sáng cải cách, nhưng lời nói trên của ông Chủ tịch tỉnh không phải là những lời mang tính khiêm tốn. Ông biết, cuộc đua sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp đang diễn ra quyết liệt giữa các địa phương, bất kể địa phương đó ở thứ hạng nào trong PCI, có lợi thế thu hút đầu tư nhiều hay ít...
Doanh nghiệp Việt đang thay đổi rất mạnh
Buổi cà phê doanh nghiệp trên được thực hiện theo đề nghị của chính Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trước đó vài ngày. Ông nói, PCI vẫn tiến hành chia sẻ kinh nghiệm tốt của địa phương, nhưng một buổi chia sẻ không cầu kỳ nghi lễ, gần gũi và thân thiện giữa các địa phương, giữa lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp sẽ có nhiều chuyện để nói hơn.
“Tôi đã tham gia cà phê doanh nhân ở nhiều tỉnh, học được sự thân thiện và thẳng thắn trong các cuộc trò chuyện. Khi lãnh đạo địa phương cùng ngồi với doanh nghiệp để bàn cách gỡ vướng, bàn cách phát triển doanh nghiệp theo tư duy của thị trường thì khi đó, các doanh nghiệp nói với tôi, họ sẽ không thể hoạt động chụp giật, ngắn hạn hay tận dụng các kẽ hở của cơ chế”, ông Lộc chia sẻ ngay tại buổi cà phê doanh nhân mà ông giữ vai trò điều phối.
Không phải lần đầu ông Lộc nói về việc doanh nghiệp sẽ làm thật khi từng công chức tận tâm với trách nhiệm, với sự phát triển của doanh nghiệp. Bởi, theo ông Lộc, trong môi trường kinh doanh đang được hoàn thiện, còn nhiều khiếm khuyết, thì sự thái độ phục vụ của công chức, của lãnh đạo chính quyền địa phuong chính là chìa khóa mở van động lực, thúc đẩy mong muốn cống hiến, làm giàu cho mình, cho đất nước của doanh nhân, doanh nghiệp Việt.
“Các doanh nghiệp đang nói nhiều đến phát triển bền vững, đến thương hiệu Việt cạnh tranh toàn cầu đúng như bản chất của thuật ngữ này, bởi không còn cách nào khác để tồn tại trong môi trường cạnh tranh gay gắt, với chuẩn mực cao như hiện tại. Đây cũng là lý do doanh nghiệp đòi hỏi và trông đợi nhiều hơn từ nền hành chính phục vụ, về Chính phủ kiến tạo phát triển. Các doanh nghiệp khi an tâm, họ sẽ vững tin làm lớn”, ông Lộc chia sẻ.
Điều này thể hiện rõ trong nghiên cứu Cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp Việt về tình hình thực hiện Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 vừa được VCCI thực hiện.
¾ doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá cao nhóm giải pháp đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. 70% cho rằng, giải pháp tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là tích cực. Hơn 40% doanh nghiệp đang chú trọng xây dựng văn hóa kinh doanh, xây dựng quan hệ lao động hài hòa; 47% doanh nghiệp bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật...
Kết quả khảo sát của PCI 2016 còn ghi nhận khoảng 50% doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới.
Đặc biệt, kết quả tính được của sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp chính là số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng mạnh trong quý I/2017, với gần 26.500 doanh nghiệp, sau khi lập kỷ lục 110.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016.
Điều đáng nói, năm 2016 là năm tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân báo lãi đạt gần 65%, mức kỷ lục trong 5 năm qua. Quy mô vốn trung bình một doanh nghiệp cũng tăng ở mức kỷ lục, 18,1 tỷ đồng năm 2016 (so với 11,1 tỷ đồng năm 2012).
Các con số này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng mạnh, khi số doanh nghiệp mà 63 tỉnh, thành phố đăng ký phát triển trong giai đoạn 2016-2020 theo yêu cầu của Nghị quyết 35/NQ-CP đã lên tới 1.469.000. Bởi, đi kèm với mục tiêu này sẽ là giải pháp, hành động rất cụ thể của các cấp chính quyền – cơ sở của những sáng kiến mới hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
“Chúng tôi đã thấy, sức mạnh cải cách, của cải thiện môi trường kinh doanh không phải chỉ là những thông điệp, nghị quyết mà là những câu chuyện, những mô hình thiết thực có sức lay động. Chúng tôi hy vọng sẽ có 1.001 câu chuyện thực có thể kể lại, chia sẻ và tiếp tục tạo cảm hứng, động lực cho công cuộc cải cách ở Việt Nam. Doanh nghiệp Việt sẽ lớn mạnh, sẽ thay đổi theo hướng bền vững, nhân văn hơn từ chính những sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền địa phương”, ông Lộc nói.
Khi nền kinh tế có nhiều doanh nghiệp bền vững, nhân văn, nền kinh tế đó đang đến gần tới sự thịnh vượng…