Khẳng định trên được đại diện Bộ Công thương đưa ra tại hội thảo “CPTPP - Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Viện Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức hôm qua (28/11).
Cụ thể, theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), hiện nay đã có 6 nước thành viên đầu tiên phê chuẩn Hiệp định CPTPP gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Về nguyên tắc, Hiệp định sẽ có hiệu lực với 6 nước này vào ngày 30/12/2018.
Việt Nam là nước thành viên thứ 7 đã phê chuẩn Hiệp định vào ngày 12/11/2018 vừa rồi và thông báo cho New Zealand vào ngày 15/11/2018 để công bố tới các nước thành viên CPTPP. Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019 tới.
Theo đó, từ thời điểm này hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định sẽ chính thức được hưởng các ưu đãi theo cam kết tại CPTPP về xuất xứ cũng như các ưu đãi khác, ông Khanh cho hay.
Cũng theo đại diện Bộ Công thương, CPTPP hứa hẹn mang đến cho Việt Nam cơ hội kết nối tốt nhất, động lực để cải cách thể chế mạnh mẽ, thu hút đầu tư và xuất khẩu. Việc thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp, tăng cường sự chủ động sẽ giúp doanh nghiệp phát triển.
Riêng đối với xuất khẩu, khi CPTPP có hiệu lực, các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các thị trường chưa có FTA như Canada, Mehico, Peru, thậm chí từ các thị trường như Nhật Bản.
Đồng thời, CPTPP sẽ giúp xóa các rào cản tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, giúp nâng tầm kinh tế của Việt Nam.
CPTPP cũng sẽ giúp tăng sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam bởi các doanh nghiệp FDI sẽ tận dụng cơ hội CPTPP tại Việt Nam đầu tư, tập trung sản xuất các mặt hàng xuất khẩu để tận dụng thị trường CPTPP, qua đó cũng giúp nâng cao trình độ và năng lực cạnh tranh của hàng Việt.
Các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu trong nội bộ khối CPTPP không phải chịu các khoản thuế xuất nhập khẩu, sẽ tạo ra sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tham gia.
Điển hình như ông Khanh cho biết: “Ngày càng nhiều công ty Nhật Bản đến Việt Nam đầu tư làm nông nghiệp để tận dụng các FTA, sau đó họ xuất khẩu trở lại chính quốc. Người Nhật trồng bưởi, nuôi gà ở Nghệ An, trồng rau quả sạch ở Lâm Đồng rồi xuất khẩu trở lại Nhật Bản”.
Nhận diện được cơ hội và thách thức là bước tiến đầu tiên, nhưng nếu chỉ nhận thức mà không hành động thì không đạt hiệu quả. Trên thực tế, với các FTA đã và đang được ký kết, doanh nghiệp Việt có cơ hội “nhảy vọt” nhưng hiện mới chỉ “nhảy tại chỗ”.
- PGS.TS. Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh
Qua đó, để tận dụng cơ hội từ CPTPP, ông Khanh cho rằng cần phải thực thi hiệu quả, tiếp tục thúc đẩy cải cách đồng thời tăng cường sự chủ động và thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh. "Cần phải thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, giành lại thị trường trong nước và cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại ngay trên sân nhà", ông Khanh nói.
Mặc dù vậy, theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, tham gia các FTA thế hệ mới trong đó có CPTPP cũng khiến Việt Nam chịu thêm nhiều áp lực, trong đó có sự gia tăng sức ép cạnh tranh và thu hẹp thị phần ngay trên sân nhà; sức ép bảo đảm các yêu cầu về xuất xứ nội khối và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; sức ép về giảm mức thuế, dịch chuyển và xói mòn cơ sở thuế.
Ngoài ra còn phải chịu sức ép vượt hàng rào kỹ thuật, hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực vật khắt khe, gây tốn kém thời gian và tiền của, cùng với nguy cơ hàng hoá bị trả về nếu không đáp ứng được từ các thị trường thành viên, trong khi bản thân nhiều cơ quan chức năng Việt Nam còn lúng túng và bị động việc sử dụng các công cụ cần thiết xây dựng và bảo vệ thị trường trong nước.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, câu chuyện “thẻ vàng” của EU đối với thủy sản Việt Nam là bài học lớn mà các doanh nghiệp cần phải lưu tâm.
Để có thể tận dụng được các cơ hội từ CPTPP, các doanh nghiệp cần phải nắm được các quy định có liên quan tới doanh nghiệp mình, và tìm cách đáp ứng các yêu cầu đó. Các quy định về xuất khẩu hàng hóa ngày càng khắt khe, ngoài tiêu chuẩn về chất lượng, còn phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa.
Vấn đề xuất khẩu thủy sản là một ví dụ, không chỉ đảm bảo rằng đó là sản phẩm sạch mà còn phải đảm bảo cả về quy trình đánh bắt, tính hợp pháp của vùng biển đánh bắt và phải đáp ứng cả yêu cầu về môi trường. Nếu không am hiểu, doanh nghiệp sẽ rất dễ bị tác động bất lợi có thể ảnh hưởng toàn bộ tới chuỗi khai thác, sản xuất và xuất khẩu.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Hiệp định CPTPP mang đến nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.
“Nhận diện được cơ hội và thách thức là bước tiến đầu tiên, nhưng nếu chỉ nhận thức mà không hành động thì không đạt hiệu quả. Trên thực tế, với các FTA đã và đang được ký kết, doanh nghiệp Việt có cơ hội “nhảy vọt” nhưng hiện mới chỉ “nhảy tại chỗ”, ông Nam nói.
Trong CPTPP có rất nhiều cam kết lần đầu tiên Việt Nam thực hiện, như cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế; cam kết đối với hoạt động mua sắm công; đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước; lần đầu tiên cho phép người lao động được thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; cam kết về vấn đề môi trường, thương mại điện tử; cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở tiêu chuẩn TRIPS +; Cam kết chọn - bỏ, nguyên tắc chỉ điều chỉnh chính sách thuận lợi hơn trong các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư… và nhiều cam kết quan trọng khác. Từ những cam kết trên, cơ hội lớn nhất đối với Việt Nam là cải cách thể chế. |