Doanh nghiệp Việt làm “làm 4.0”: Nhiều tân binh tham chiến

Cách mạng 4.0 không chỉ “ngấm” sâu vào các doanh nghiệp chuyên về công nghệ tại Việt Nam, mà còn khiến các “tân binh” khác “bẻ lái” chuyển hướng…
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với các trường đại học khoa học - công nghệ Việt Nam của VinTech. Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với các trường đại học khoa học - công nghệ Việt Nam của VinTech.

Quyết liệt nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0

Không chỉ quyết tâm, các doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện sự quyết liệt, sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng nắm bắt cơ hội của mình trong cuộc cách mạng 4.0.  

Ví dụ trực quan nhất là ngay trong chuỗi sự kiện Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, diễn ra ngày 21/8/2018, dưới sự chứng kiến của hàng trăm nhà khoa học trên thế giới, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam là Vingroup đã công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ - công nghiệp, với mục tiêu đến năm 2028, Vingroup sẽ trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế.

Trước đó, đầu tháng 8/2018, Viettel đã chính thức công bố chiến lược giai đoạn 4.0. Cụ thể, Viettel xác định đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0, với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, tập trung vào nhiều dự án 4.0.

Trong đó, tập trung vào các dự án 4.0 về Chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh… từ cấp trung ương đến cấp địa phương, tới từng lĩnh vực cuộc sống.

Chiến lược của Viettel trong giai đoạn 2018 - 2030 là duy trì tốc độ tăng trưởng 10 - 15%/năm, trở thành tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu, tiếp tục duy trì vị thế dẫn dắt số 1 Việt Nam về viễn thông và công nghiệp công nghệ cao, gia nhập Top 150 doanh nghiệp lớn nhất thế giới vào năm 2030.

Trong đó, vào Top 10 về viễn thông và công nghệ thông tin, Top 20 về công nghiệp điện tử - viễn thông, Top 50 về công nghiệp an toàn, an ninh mạng.

Cơ cấu doanh thu viễn thông và công nghệ thông tin chiếm 55%; công nghiệp công nghệ cao chiếm 25%; lĩnh vực đổi mới, sáng tạo chiếm 10% và lĩnh vực truyền thống là 10%.

Với chiến lược này, theo Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, phụ trách Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Viettel, thì “Viettel bước vào một chương mới của lịch sử giai đoạn 4.0 và kinh doanh toàn cầu”.

Trên thực tế, Viettel đã “làm 4.0” từ lâu. Viettel đang thực hiện nhiều dự án phần mềm cho Chính phủ điện tử, như dự án cơ sở dữ liệu dân cư dựa trên thông tin chứng minh thư, thẻ căn cước. Viettel cũng đồng hành cùng ngành y tế xây dựng hồ sơ sức khỏe người dân, cổng tiêm chủng dành cho trẻ em. 

Với chiến lược 4.0 mới, nhiều khả năng, Viettel đang theo đuổi mục tiêu lớn là “mỗi người dân có một ID công dân duy nhất”, “mỗi công dân có một hồ sơ sức khỏe cá nhân”, “mỗi học sinh có một học bạ điện tử” và “mỗi gia đình trở thành một Home BTS” kết nối với xã hội…

Trong giáo dục, Viettel cung cấp phần mềm cho chương trình của kỳ thi quốc gia, chương trình Internet trường học với 40.000 điểm trường và cơ sở giáo dục được Viettel cung cấp hạ tầng Internet miễn phí.

Trong nông nghiệp, Viettel tập trung phát triển hạ tầng sản phẩm thông minh, như hệ thống tưới tiêu tự động, cảnh báo giám sát chất lượng nước, đất, không khí để giúp các ngành nuôi tăng năng suất, giảm rủi ro bệnh tật.

Hay để hỗ trợ 2 triệu ngư dân của cả nước bám biển, Viettel đã chế tạo một thiết bị báo hiệu cứu nạn cá nhân phục vụ ngư dân với chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và giá bán phù hợp. Còn trong giao thông, Viettel có ứng dụng thu phí đỗ xe qua điện thoại My Parking, thanh toán có BankPlus và ViettelPay…

Một “cựu binh” khác cũng bắt đầu “làm 4.0” khi phong trào 4.0 còn chưa sục sôi như hiện nay là FPT. Năm 2016, sau khi “giác ngộ” tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thuỵ Sỹ), ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT đã bắt đầu truyền bá xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 và triển khai ngay tại doanh nghiệp của mình với tuyên bố đầy hứng khởi: “Thế giới sẽ biết đến FPT như một doanh nghiệp hàng đầu nắm bắt xu hướng cách mạng thứ 4 này”.

Việc nắm bắt trào lưu mới của cách mạng 4.0 đã được ông Bình áp dụng vào tái cơ cấu FPT, bán đi các mảng bán lẻ, tập trung vào công nghệ. 

Thành quả bước đầu của của FPT là thử nghiệm thành công công nghệ tự hành trên xe ô tô thương mại và ra mắt nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI, mở cho cộng đồng lập trình viên cùng sử dụng.

Cùng với đó là việc cung cấp các dịch vụ, phần mềm cho các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế trong ứng dụng 4.0. FPT cũng có kế hoạch xây dựng các nhà máy thông minh ở khu vực Đông Nam Á, châu Âu và Mỹ.

Theo ông Trương Gia Bình, FPT sẽ hiện thực hóa cuộc cách mạng 4.0 vào công nghiệp ô tô, sản xuất thông minh và trí tuệ nhân tạo. 

Cuộc chuyển đổi thành doanh nghiệp số của VNPT

Cũng giống Viettel và FPT, VNPT đã lặng lẽ hòa mình vào cuộc cách mạng 4.0 ngay từ khi nó manh nha trở thành xu hướng mới. 

“Thế giới hiện tại và tương lai đang bước vào cuộc cách mạng 4.0, vận hành bằng những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data)… VNPT cũng phải thay đổi, nếu không sẽ tụt hậu.

Vì vậy, VNPT đã và đang nỗ lực chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp giải pháp dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, IoT, thành phố thông minh (Smart City)…

Đây là sự chuyển dịch trên nền tảng sáng tạo hơn và phù hợp với xu hướng công nghệ trên thế giới”, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT khẳng định.

Còn theo ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc VNPT, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ là cốt lõi trong mọi chiến lược của mỗi doanh nghiệp.

Để bắt kịp xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, VNPT đang không ngừng phát triển các sản phẩm dịch vụ dựa trên các công nghệ mới với hạ tầng thông minh, kết nối thông minh và dịch vụ thông minh.

Theo ông Liêm, thời gian vừa qua, VNPT đã triển khai xây dựng những hệ thống hạ tầng mạng băng rộng và siêu rộng với cả mạng cố định và di động.

VNPT cũng đang thực hiện chiến lược đầu tư bùng nổ công nghệ 4G trên toàn quốc, tạo ra một mạng băng rộng thông minh, kết nối thông minh và cung cấp các dịch vụ, tiện ích thông minh, cung cấp các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin thông minh và quản trị sáng tạo.

Đó là những bước đi của VNPT để tạo ra những nền tảng hạ tầng băng siêu rộng phục vụ các ngành kinh tế - xã hội và cho khách hàng của VNPT.

Trên nền tảng đó, VNPT đưa các công nghệ mới vào vận hành hệ thống băng rộng và cố định của mình, chính công nghệ mới này sẽ tạo ra một mạng băng rộng thông minh (siêu rộng và thông minh) để phục vụ hạ tầng cho một loạt dịch vụ phát triển.

Hiện nay, VNPT đang tập trung xây dựng nền tảng như IoT Platform, Big Data Platform, Cloud Platform, Smart City và các giải pháp công nghệ thông tin thông minh chuyên ngành về y tế, giáo dục, an ninh, an toàn giao thông... 

Trong thời gian qua, VNPT cũng đã triển khai các giải pháp về viễn thông và công nghệ thông tin ở nhiều tỉnh, thành phố và thực hiện những bước đi đầu tiên ứng dụng các công nghệ 4.0 để xây dựng đô thị thông minh, hiện đại, bền vững.

Hiện tại, VNPT là đối tác chiến lược của 54 UBND tỉnh/thành phố; triển khai các giải pháp chính quyền điện tử cho 61 tỉnh, thành phố; cung cấp phần mềm quản lý y tế cho hơn 7.000 cơ sở y tế (trên tổng số khoảng 13.000 cơ sở y tế của cả nước), triển khai hệ thống quản lý giáo dục cho hơn 12.000 trường học với gần 5 triệu hồ sơ học sinh…

Ở mảng du lịch thông minh, Giải pháp Smart Connected Platform trên nền tảng IoT đã được triển khai tại gần 20 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, các giải pháp nông nghiệp thông minh, ngôi nhà thông minh, xe buýt thông minh và nhiều sản phẩm công nghệ khác… đang được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam.

“Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp, các tài năng công nghệ để cùng nhau phát triển sản phẩm công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ thời đại 4.0”, ông Liêm khẳng định. 

Cánh mạng 4.0 về bản chất là việc dùng công nghệ để phục vụ cuộc sống một cách thuận tiện nhất. Bằng cách tiếp cận đó, có thể thấy, cuộc cách mạng 4.0 ở Việt Nam đã và đang được các doanh nghiệp hiện thực hóa bằng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ các nhu cầu của cuộc sống. Đó cũng chính là lý do vì sao, cuộc cách mạng 4.0 trở thành xu hướng mới.n

Không chỉ quyết tâm, các doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện sự quyết liệt, sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng nắm bắt cơ hội của mình trong cuộc cách mạng 4.0. 

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục