Đại diện của Sàn chứng khoán London (LSE) vừa tổ chức hội thảo tại TP. HCM để giới thiệu sàn giao dịch phụ của LSE mang tên Alternative Investment Market (AIM). Sàn AIM được thành lập vào năm 1995, nhằm mục đích huy động vốn cho các công ty vừa và nhỏ trên toàn thế giới. Hiện nay, có 1.044 doanh nghiệp toàn cầu đang niêm yết trên sàn AIM, với mức vốn hóa trung bình là 70 triệu bảng Anh.
Chỉ tính riêng trong năm 2015, các công ty trên sàn AIM đã huy động được 5,2 tỷ bảng Anh cho hoạt động kinh doanh của mình. Thị trường mua bán và sáp nhập của AIM trong năm vừa qua cũng khá nổi bật với 44 thương vụ thành công. Để thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sàn AIM có các tiêu chuẩn niêm yết “dễ tính” hơn hẳn hai sàn giao dịch chính của LSE.
“Có rất nhiều lý do để doanh nghiệp Việt niêm yết trên sàn AIM.
Thứ nhất, đây là sàn giao dịch dành riêng cho công ty cỡ vừa nên các nhà đầu tưvà chuyên gia phân tích tại đây rất am hiểu phân khúc doanh nghiệp này.
Thứ hai, sàn AIM không có quy định về mức vốn hóa tối thiểu, hay lịch sử tài chínhcủa công ty.
Thứ ba, các doanh nghiệp thành công trên sàn AIM sẽ có cơ hội được chuyển lên niêm yết trên các sàn giao dịch chính của LSE”, ông Yi Xie, Giám đốc phụ trách Thị trường Sơ cấp, khu vực châu Á – Thái Bình Dương của LSE chia sẻ.
Đáng chú ý, một số quỹ đầu tư ngoại tại Việt Nam đã từng niêm yết trên sàn AIM, điển hình như quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) và Vietnam Infrastructure Fund (VNI) cũa tập đoàn VinaCapital. Tháng 4 vừa qua, quỹ VOF đã chuyển giao dịch lên sàn chính của LSE sau 12 năm niêm yết tại AIM.
“London là trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu và cả thế giới, với đội ngũ nhà phân tích, tư vấn đầu tư chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm. Khi niêm yết trên sàn AIM, doanh nghiệp Việt sẽ được hòa mình vào thị trường chứng khoán sôi động của London và thu hút sự quan tâm của giới đầu tư toàn cầu”, ông Tom Vaizey, Thư ký của Hiệp hội các Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam phát biểu.
Điểm đặc biệt, sàn AIM cho phép niêm yết song hành, các doanh nghiệp Việt có thể cùng lúc niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam lẫn London. Quy định này nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp, vì đa phần các doanh nghiệp vẫn muốn “giữ một chân” tại thị trường chứng khoán Việt Nam trong khi mở rộng hoạt động huy động vốn tại London.
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho biết UBCKNN rất hoan nghênh việc doanh nghiệp Việt niêm yết trên sàn AIM, vì đây là cơ hội huy động vốn ngoại rất tốt cho kinh doanh. Bên cạnh đó, “luật chơi” nghiêm ngặt của thị trường chứng khoán London sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải minh bạch hóa vấn đề quản trị và báo cáo tài chính.
“Niêm yết trên sàn AIM còn giúp doanh nghiệp Việt thu hút sự chú ý của các định chế tài chính toàn cầu và người tiêu dùng tại Anh, cũng như cả châu Âu. Tuy vậy, niêm yết tại nước ngoài lẫn niêm yết song hành đều là những vấn đề mới, nên UBCKNN sẽ cần thời gian soạn thảo văn bản pháp lý phù hợp. UBCKNN cũng cần hợp tác với phía London để đảm bảo việc giám sát chặt chẽ giữa hai nước”, ông Dũng chia sẻ.
Các đại diện LSE cũng cho biết, dù tiêu chuẩn niêm yết trên sàn AIM có phần dễ hơn sàn giao dịch chính của LSE, các quy định về kiểm toán và công bố thông tin của AIM vẫn rất chặt chẽ và minh bạch. Điển hình là các doanh nghiệp niêm yết trên sàn AIM, luôn luôn được giám sát bởi nhà môi giới và tư vấn do LSE đề cử. Điều này sẽ giúp sàn AIM giữ được sự công bằng cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.