Doanh nghiệp Việt cần sớm lập báo cáo tích hợp

(ĐTCK) Khác với báo cáo thường niên truyền thống, báo cáo tích hợp là sự tích hợp thông tin để truyền tải một câu chuyện liền mạch, xuyên suốt về cách thức tạo ra giá trị của một doanh nghiệp. Việc lập báo cáo tích hợp đang được các doanh nghiệp trên thế giới hướng tới, vậy nhưng, lại chưa được hầu hết doanh nghiệp niêm yết Việt quan tâm. 
Doanh nghiệp Việt cần sớm lập báo cáo tích hợp

Câu chuyện xuyên suốt về cách thức tạo ra giá trị của doanh nghiệp

Thống kê cho thấy, báo cáo tích hợp có mức tăng trưởng cao tại nhiều quốc gia trong khu vực. Xu hướng này là phù hợp với sự gia tăng cam kết gần đây của các chính phủ nhằm thúc đẩy báo cáo và minh bạch, theo đó báo cáo tích hợp (IR) là một chủ đề trên các hội nghị và các cuộc thảo luận tại các sự kiện ngành công nghiệp.

Báo cáo tích hợp là báo cáo cho phép tích hợp thông tin được lượng hóa đến các chỉ tiêu cụ thể một cách đầy đủ trên các khía cạnh tài chính, quản trị, trách nhiệm môi trường và xã hội giúp đưa ra cái nhìn toàn diện về hoạt động của doanh nghiệp. Với báo cáo tích hợp, doanh nghiệp sử dụng như một công cụ gắn kết và trao đổi với các bên liên quan một cách rõ ràng về chiến lược, kế hoạch và cách thức sử dụng nguồn lực và tạo ra các giá trị. Các cấu phần theo mô hình báo cáo tích hợp bao gồm: chiến lược và phân bổ nguồn lực, tổng quan về tổ chức và môi trường bên ngoài, mô hình kinh doanh, quản trị, cơ hội và rủi ro, triển vọng, hiệu suất hoạt động.

Doanh nghiệp Việt cần sớm lập báo cáo tích hợp ảnh 1

Một nghiên cứu và đánh giá của PwC mới đây về thực hành báo cáo tích hợp của các công ty niêm yết trên TTCK tại 6 nước trong khu vực cho thấy, mức độ trưởng thành cao dẫn đầu là Singapore và Malaysia, tiếp theo là Thailand và Indonesia, trong khi Phillipines và Việt Nam còn ở mức độ rất “khiêm tốn”.

Báo cáo tích hợp không chỉ đơn thuần là việc ghép 3 báo cáo: báo cáo thường niên, báo cáo bền vững và báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà là sự tích hợp thông tin một cách sáng tạo để truyền tải một câu chuyện  xuyên suốt về cách thức tạo ra giá trị của doanh nghiệp.Vì vậy, để xây dựng được báo cáo tích hợp, doanh nghiệp cần gắn kết với các bên liên quan, đặc biệt là nhà đầu tư nhằm xác định các vấn đề trọng yếu mà các bên quan tâm và mức độ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp.

Khi xây dựng được báo cáo tích hợp hoàn chỉnh, doanh nghiệp sẽ tạo được sự tin tưởng của nhà đầu tư và từ đó ảnh hưởng tích cực lên giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó. 

Trong khi báo cáo thường niên truyền thống phần lớn tập trung vào các hoạt động của doanh nghiệp trong quá khứ và hiện tại thì báo cáo tích hợp là cách nhìn, tư duy của doanh nghiệp về tương lai – điều mà nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Nói cách khác, báo cáo tích hợp cung cấp cho người đọc không chỉ thông tin về hoạt động của doanh nghiệp trong hiện tại mà còn là triển vọng về tương lai doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn hơn.

Do đó, báo cáo tích hợp cần cung cấp thông tin để nhà đầu tư hiểu được cách thức tạo ra giá trị của doanh nghiệp theo thời gian thông qua việc sử dụng các nguồn lực đầu vào, bao gồm nguồn lực tài chính và phi tài chính, qua quá trình vận hành của doanh nghiệp để tạo nên những kết quả đầu ra gồm sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp cũng như các ảnh hưởng đến môi trường, xã hội.

Lập báo cáo tích hợp tại các công ty niêm yết tại Việt Nam

Tại Việt Nam, khái niệm báo cáo tích hợp và khuôn khổ báo cáo tích hợp theo chuẩn mực quốc tế (IIRC) đã được giới thiệu gần đây bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) hướng đến đối tượng là các công ty niêm yết trên hai sở GDCK. Mặc dù vậy, hiện mới chỉ có một số doanh nghiệp thực hiện báo cáo này.

Hầu hết các công ty niêm yết mới chỉ dừng lại ở việc đưa vào báo cáo các nội dung mang tính tuân thủ về cấu trúc, quản trị rủi ro mà chưa xem xét áp dụng đầy đủ các cấu phần của báo cáo tích hợp.

Đánh giá của Ban Tổ chức Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất 2015 cho thấy, có 54% báo cáo thường niên của các doanh nghiệp niêm yết trên hai sở GDCK đã công bố tầm nhìn chiến lược, nhưng chỉ 7% các công ty có đưa ra được các ưu tiên chiến lược. Trong số 35% có tham chiếu đến mô hình kinh doanh thì chỉ có 5% có phân tích sự liên hệ từ mô hình hoạt động kinh doanh đến việc tạo ra các giá trị. Bên cạnh đó, có 67% báo cáo có đưa ra nêu quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ, trong khi chỉ có 10% đưa ra được các rủi ro chính và các giải pháp.

Nằm trong số ít công ty niêm yết tiên phong triển khai xây dựng báo cáo tích hợp, ông Đào Đình Thi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Việt cho biết, thông qua việc thực hiện Báo cáo tích hợp, Bảo Việt mong muốn cung cấp thông tin giúp nhà đầu tư hiểu được cách thức Bảo Việt tạo ra giá trị cho các bên liên quan, đồng thời công bố minh bạch các chỉ tiêu đo lường và kiểm soát mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng, môi trường và xã hội.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp Việt cần sớm nghiên cứu xem xét áp dụng và triển khai báo cáo tích hợp, giúp định hình lại mục tiêu và xây dựng lộ trình phù hợp cho báo cáo tạo ra giá trị dài hạn và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ các bên liên quan.

 “Càng nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt việc báo cáo toàn diện các thông tin nhà đầu tư quan tâm với độ tin cậy cao sẽ giúp tăng cường tính minh bạch thông tin doanh nghiệp và đóng góp cho sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam và gia tăng lợi ích cho nhà đầu tư”, ông Thi kỳ vọng.

Nguyễn Anh Tuấn, Quyền Giám đốc Khối Quản lý hoạt động Tập đoàn Bảo Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục