Tiếp tục đi lùi?
Ngày 23/12/2019, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có Quyết định phê duyệt kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 của Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Theo đó, các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu được giao cho VNPT gồm doanh thu đạt hơn 45.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hơn 4.000 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu là 6,2%.
Tiếp theo, vào ngày 24/12/2019, Chủ tịch Ủy ban đã có Quyết định phê duyệt kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 của Công ty mẹ - Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone).
Kế hoạch đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu như doanh thu hơn 33.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế trên 5.000 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 23,25%.
Kế hoạch kinh doanh của 2 “ông lớn” này được dư luận quan tâm, bởi trong danh sách các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa chậm nhất vào năm 2020 theo quyết định mới đây, có tên VNPT và MobiFone.
So sánh dữ liệu những năm gần đây cho thấy, kế hoạch kinh doanh năm 2020 đặt ra cho 2 doanh nghiệp trên ở mức “quá dễ chịu”, không có áp lực.
Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất của VNPT năm 2018 đạt 51.962 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 6.447 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước đó.
Cho năm 2019, VNPT đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất là 56,784 tỷ đồng, tăng 2% và lợi nhuận trước thuế là 7.090 tỷ đồng, tăng 10%.
Cho đến thời điểm này, VNPT chưa công bố kết quả thực hiện được của năm 2019, nhưng nếu so với kế hoạch được phê duyệt của năm 2020 với kế hoạch đặt ra cho năm 2019 thì thấy một sự đi lùi rất lớn.
Với MobiFone, trong năm 2018, Công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất 38.883 tỷ đồng, giảm 12%; lợi nhuận trước thuế là 5.919 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước.
Kết thúc năm 2019, lợi nhuận trước thuế của MobiFone đạt khoảng 6.078 tỷ đồng, hoàn thành 100,5% kế hoạch năm, tăng 3,5% so với năm 2018.
Như vậy, kế hoạch năm 2020 của doanh nghiệp được phê duyệt xấp xỉ so với mức thực hiện được của năm 2019.
Một nguồn tin từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, khi thảo luận và phê duyệt kế hoạch 2020, Ủy ban phải “làm rất kỹ” với cả 2 doanh nghiệp trên, bởi bối cảnh năm 2020 ngành viễn thông có nhiều khó khăn hơn.
Chẳng hạn, với chính sách giảm cước kết nối của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu của VNPT ước giảm 1.300 tỷ đồng, MobiFone ước giảm 1.700 tỷ đồng, ngoài ra còn có những thay đổi về chính sách thẻ cào…
Theo thống kê, ngành viễn thông đi ngang, thậm chí giảm trong những năm gần đây. Một số mảng hoạt động như cước thoại, SMS giảm mạnh, thậm chí doanh nghiệp có thể lỗ.
Dẫu vậy, việc VNPT và MobiFone được phê duyệt kế hoạch kinh doanh 2020 sớm, trước khi năm 2019 qua là tín hiệu đáng mừng.
Ðiều này sẽ giúp doanh nghiệp hoạch định và triển khai kế hoạch kinh doanh sớm, chủ động ngay từ đầu năm.
Có thể hiểu được phần nào sự thận trọng của VNPT và MobiFone khi đặt kế hoạch năm 2020.
Chẳng nói đâu xa, Viettel cũng đang đi lùi trong thời gian gần đây.
Năm 2018, tổng doanh thu hợp nhất của Tập đoàn đạt 233.828 tỷ đồng, giảm 7% và lợi nhuận trước thuế đạt 37.310 tỷ đồng, giảm 15,7%.
Trong năm 2019, Viettel đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 251.393 tỷ đồng, tăng 8% và lợi nhuận trước thuế là 39.340 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2018.
Tuy vậy, đến thời điểm này, chưa thấy Tập đoàn công bố mức độ hoàn thành kế hoạch năm 2019.
Cần sự linh hoạt
Sau giai đoạn tăng trưởng nhanh dẫn đến tỷ lệ thâm nhập cao, số lượng thuê bao điện thoại ở Việt Nam được cho là đã tiến đến giai đoạn bão hòa, kèm theo nhu cầu dịch vụ thoại/SMS giảm dần, cho thấy khả năng tăng trưởng không còn nhiều.
Tuy nhiên, trước xu hướng các dịch vụ dữ liệu ngày càng được ưa chuộng hơn dịch vụ thoại/SMS, hầu hết các nhà mạng đang cung cấp cho khách hàng các gói đa dịch vụ bao gồm thoại/SMS, Internet băng rộng…
Xu hướng này cho thấy các nhà mạng cần chủ động chuyển đổi thành các nhà cung cấp dịch vụ tập trung vào nội dung hơn là chỉ đơn thuần cung cấp các dịch vụ truyền thống trong bối cảnh sử dụng các ứng dụng di động và dịch vụ OTT miễn phí ngày càng tăng.
Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2019 cũng cho thấy thời gian trực tuyến mỗi ngày của người dân kéo dài hơn (biểu đồ).
Theo thống kế của Cục Viễn thông (VNTA), số thuê bao điện thoại di động chỉ sử dụng dịch vụ thoại/tin nhắn chiếm 58% tổng số thuê bao, trong khi số thuê bao sử dụng dữ liệu chiếm phần còn lại và có xu hướng tăng khi người dùng ngày càng có nhu cầu truy cập Internet, sử dụng các dịch vụ nhắn tin, trò chuyện miễn phí.
Xu hướng này đưa Việt Nam sang giai đoạn phổ cập điện thoại thông minh.
Khảo sát của Nielsen cho thấy, tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh trên tổng số người dùng điện thoại di động tại Việt Nam là 84% ở các thành phố lớn, 71% ở các thành phố cấp 2 và 68% ở khu vực nông thôn trong năm 2017.
Năm 2020 còn chứng kiến cuộc đua 5G của các nhà mạng. Tại Việt Nam, dịch vụ 3G được Vinaphone cung cấp chính thức vào năm 2009. Trong năm 2016 - 2017, Viettel, Vinaphone, MobiFone và Vietnam Mobile nhận giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông 4G.
Tính đến tháng 5/2018, Việt Nam có 20,8 triệu thuê bao 4G từ mức 5,2 triệu vào cuối năm 2017 (dữ liệu của VNTA).
Ðiều này cho thấy đây là cuộc đua sinh tử của các doanh nghiệp viễn thông.
Hầu hết các nhà mạng vẫn đang mở rộng và hoàn thiện mạng 4G. Ðối với dịch vụ 5G dự kiến triển khai thương mại vào năm 2020. Viettel, VNPT và MobiFone sẽ tham gia cuộc đua này khi đây là 3 nhà mạng được cấp phép thử nghiệm 5G.
Khi xu hướng thị trường đang chuyển đổi mạnh mẽ như vậy, các doanh nghiệp viễn thông có được rủng rỉnh đầu tư. Trên thực tế, đây là lĩnh vực đòi hỏi chi phí đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng.
Theo kế hoạch, năm 2020, VNPT được đầu tư không quá 11.000 tỷ đồng, MobiFone không quá 8.800 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư này được nhận xét là cần thiết để các công ty mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ và năng lực cung cấp, hình thành lợi thế ảnh hưởng đến vị thế và kết quả kinh doanh của các công ty.
Từ những dữ liệu trên có thể nhận định, viễn thông sẽ tiếp tục là ngành sôi động trong năm 2020 dù bối cảnh kinh tế chung có nhiều khó khăn hơn.
Triển vọng ngành còn sáng với kỳ vọng tỷ lệ thâm nhập Internet của Việt Nam có thể sẽ đạt đến những tầm cao mới gần với các nước phát triển (biểu đồ), với các yếu tố hỗ trợ như dân số ưa thích kết nối, thu nhập tăng và nhu cầu tận dụng những lợi ích to lớn từ nền kinh tế điện tử. Ngoài ra, tăng trưởng của các nhà mạng có thể đến từ việc bổ sung các dịch vụ giá trị gia tăng.
Câu chuyện được giới đầu tư quan tâm nhất hiện nay là lộ trình cổ phần hóa và IPO của VNPT cũng như MobiFone.
Hai doanh nghiệp này nằm trong danh sách những công ty mà nhà nước đặt mục tiêu giảm tỷ lệ về dưới 65% trên 50% vào cuối năm 2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Về vấn đề này, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, tiến trình cổ phần hóa hai doanh nghiệp này đang chờ các văn bản tháo gỡ những nút thắt liên quan đến định giá doanh nghiệp tại Nghị định 126/2017/NÐ-CP.