Doanh nghiệp vận tải gặp khó và nỗi lo tăng giá hàng hóa

0:00 / 0:00
0:00
Những ngày cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, nên hoạt động vận tải cũng hết sức sôi động. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài và các quy định mới trong ngành vận tải đang khiến không ít doanh nghiệp lâm vào tình thế khó khăn.
Nhiều tuyến phố tại TP.HCM liên tục tắc nghẽn trong những ngày gần đây (Ảnh: Lê Toàn) Nhiều tuyến phố tại TP.HCM liên tục tắc nghẽn trong những ngày gần đây (Ảnh: Lê Toàn)

Doanh nghiệp gặp khó với quy định mới

Ghi nhận ở TP.HCM trong những ngày cuối năm cho thấy, mức độ ách tắc giao thông trở nên nghiêm trọng trên các giao lộ từ khu vực nội đô cho đến ngoại thành. Nguyên nhân do mật độ phương tiện chở hàng hóa tăng cao trong mùa mua sắm Tết.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải và tài xế đang đối mặt với quy định mới trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, áp dụng từ ngày 1/1/2025. Quy định này giới hạn tài xế lái xe không quá 48 giờ/tuần, 10 giờ/ngày và không lái liên tục quá 4 giờ. Vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, nên gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp.

Anh Phan Quang Hải, một tài xế xe đầu kéo ở cảng Cát Lái (TP.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ, trước đây, mỗi ngày anh có thể vận chuyển được 2 chuyến hàng, nhưng nay vì ùn tắc giao thông và giới hạn giờ lái xe, nên hoàn thành một chuyến cũng khó khăn. Có lần, thiết bị định vị báo hết 4 giờ lái liên tục, nhưng không thể dừng xe ở đâu vì đường kẹt cứng.

Là chủ một doanh nghiệp vận tải có 12 xe đầu kéo container, ông Hoàng Minh Thái (40 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cũng cho biết, doanh nghiệp ông chuyên chở container từ cảng Cát Lái đi các kho ở khu vực Đông Nam bộ, bán kính di chuyển khoảng 100 km. Nhưng với tình hình giao thông hiện nay, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.

“Tài xế cầm thẻ quẹt thiết bị định vị, bắt đầu lái xe vào cảng Cát Lái lấy container mất thời gian 2 giờ. Từ cổng cảng Cát Lái, tài xế lái xe ra trục đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống hướng về cầu Phú Mỹ thường xuyên chịu cảnh kẹt xe thêm 2-4 giờ. Như vậy, xe chưa chạy ra khỏi khu vực TP.HCM, tài xế đã hết 4 giờ lái xe liên tục. Song, đoạn đường này không có điểm dừng, đỗ để tài xế nghỉ ngơi 15 phút theo quy định. Tài xế phải nhích xe từng chút, chứ không thể tắt máy đậu trên đoạn đường này được vì có lắp biển báo cấm dừng, cấm đỗ”, ông Thái nói.

Cũng theo ông Thái, với quy định như vậy, các doanh nghiệp vận tải chắc chắn phải bố trí 2 tài xế, kéo theo chi phí tăng. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn về lái xe, chế tài xử phạt cao, nên nhiều người bỏ nghề và công tác tuyển dụng nhân sự của các nhà xe cũng rất khó khăn.

Những “nút thắt” này không chỉ khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đối mặt với khó khăn, mà còn tác động dây chuyền đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Ông Lê Hoàng Phong, Phó giám đốc Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, giá thịt lợn có thể sẽ bị đẩy lên nếu tiếp diễn tình trạng kẹt xe nặng nề quanh chợ đầu mối, dẫn tới hàng chuyển từ cơ sở giết mổ về chợ không kịp.

Còn theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, với tình hình ách tắc giao thông như hiện tại, sẽ có nguy cơ bị đứt hàng cục bộ với mặt hàng tươi sống, rau củ quả phải đưa về mỗi ngày. Điều đó khiến cho nhóm hàng này có nguy cơ tăng giá. Ngoài ra, do kẹt xe,

Hoạt động giao hàng cho khách mua sắm thông qua kênh trực tuyến cũng gặp khó khăn.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về những vướng mắc mà doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang gặp phải, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM cho rằng, mục tiêu chính của các quy định là bảo vệ sức khỏe tài xế và giảm thiểu tai nạn giao thông, song việc ban hành gấp rút, không đủ thời gian để phổ biến khiến tài xế và doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện.

Trước đây, mỗi ngày có thể vận chuyển được 2 chuyến hàng, nhưng nay vì ùn tắc giao thông và giới hạn giờ lái xe, nên hoàn thành một chuyến cũng khó.

Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM kiến nghị, quy định "không lái xe quá 48 giờ/tuần" nên tính theo mức trung bình năm. Điều này cho phép tài xế làm việc nhiều hơn vào mùa cao điểm và ít hơn vào mùa thấp điểm. Đồng thời, nghiên cứu tăng giới hạn từ 48 giờ lên 60 giờ/tuần để phù hợp với thực tế và quy định về làm thêm giờ trong Luật Lao động.

Về xử phạt, theo ông Tính, mức phạt hiện tại quá cao, không tương xứng với mức sống và thu nhập tại Việt Nam, dễ bị xem là mang tính "trừng phạt" hơn là "giáo dục". Vì vậy, cần xây dựng mức phạt hợp lý, chẳng hạn chỉ tăng 5-7 lần so với trước đây, thay vì tăng 20-50 lần như hiện tại.

Còn đối với tình trạng kẹt xe trong nội đô, ông Tính kiến nghị, nên thí điểm cho phép xe hai bánh được rẽ phải khi đèn đỏ, trừ trường hợp có biển cấm. Giải pháp này giúp giảm ùn tắc tại các ngã ba, ngã tư, với chi phí thấp và hiệu quả cao.

Theo các chuyên gia, trong dài hạn, TP.HCM cần tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông vốn đã quá tải trong thời gian dài. Sự quá tải về hạ tầng là một trong những yếu tố khiến chi phí đầu vào sản xuất của các doanh nghiệp và chi phí sinh hoạt của người lao động còn cao. Điều này khiến TP.HCM giảm khả năng thu hút vốn đầu tư.

Do đó, nhóm nghiên cứu Trường đại học Kinh tế TP.HCM và Cục Thống kê TP.HCM khuyến nghị, trong năm 2025 và những năm tiếp theo, TP.HCM cần tập trung nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm.

“Tốc độ giải quyết thách thức về kết cấu hạ tầng sẽ góp phần quyết định tốc độ tăng trưởng của Thành phố năm 2025 và đóng vai trò then chốt quyết định tốc độ tăng trưởng trong kỷ nguyên tiếp theo”, các chuyên gia khuyến nghị.

Việt Dũng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục