Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn “rẻ”

(ĐTCK) Từ ngày 18/3, trần lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm.
Những doanh nghiệp có dư nợ lớn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi lãi suất giảm Những doanh nghiệp có dư nợ lớn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi lãi suất giảm

Trước khi Ngân hàng Nhà nước công bố các quyết định giảm lãi suất điều hành, xu hướng giảm lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng đã diễn ra. Nguồn tiền của nhiều ngân hàng đang dư thừa, nhưng các doanh nghiệp liệu có dễ dàng vay được nguồn vốn với lãi suất thấp?

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một doanh nghiệp ngành thép niêm yết trên HOSE cho biết, doanh nghiệp đang có một số khoản vay với lãi suất cố định từ 13 - 15%/năm, được ký từ năm trước. Bây giờ, để được vay với mức lãi suất ưu đãi, ngân hàng đòi hỏi rất nhiều điều kiện, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam nhận xét, việc hạ lãi suất là một tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đang dần dần bình ổn, thoát qua giai đoạn khó khăn và chuyển qua giai đoạn tiền phục hồi. Điều này giúp cho dòng vốn chuyển dịch nhiều hơn vào những công ty rủi ro và có tính chu kỳ kinh tế như bất động sản, ngân hàng, nhưng vẫn cần thêm một thời gian mới có hiệu ứng cụ thể. Theo ông Bình, việc lãi suất cho vay giảm chỉ được áp dụng đổi với những hợp đồng mới, còn những hợp đồng xin giãn nợ thì vẫn áp dụng mức lãi suất cũ, nên thông tin lãi suất giảm nghe thì mừng, nhưng thực tế vẫn khó.

Theo đại diện CTCP Tấm lợp xây dựng Đồng Nai (DCT), quy định hạ trần lãi suất được các ngân hàng áp dụng ngay đối với lãi suất huy động, nhưng đối với lãi suất cho vay, doanh nghiệp chưa thể vay được ngay với lãi suất thấp. Những doanh nghiệp thực sự cần vốn vẫn đang rất khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng.

Về lý thuyết, lãi vay giảm sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng hiệu quả hoạt động và có lợi cho toàn bộ nền kinh tế. Thông thường, những doanh nghiệp có dư nợ lớn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi lãi suất giảm.

Tuy nhiên, cần xem xét bản thân doanh nghiệp đó sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả không? Nếu doanh nghiệp có dư nợ lớn, nhưng doanh thu giảm, lợi nhuận thấp, thì khoản vay vẫn là gánh nặng. Nếu doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng đều đặn trong vài năm vừa qua, có dự án mở rộng sản xuất đang triển khai, thì khoản vay đó là nguồn đầu tư cho kết quả kinh doanh khả quan sau này. Nhìn chung, các doanh nghiệp được hưởng lợi nhất từ giảm lãi suất vay chính là các doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng trong các năm vừa qua và có dự án mở rộng sản xuất - kinh doanh hiệu quả.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tasco (HUT) cũng cho rằng, việc hạ trần lãi suất huy động và cho vay là tín hiệu tích cực, nhưng chính sách thường có độ trễ nhất định, nên không phải ngay sau khi có quyết định hạ trần lãi suất huy động thì doanh nghiệp có cơ hội được vay với lãi suất giảm, mà thường phải sau 3 tháng. Hiện tại, mặc dù lãi suất huy động ở mức tương đối thấp, song thực tế các doanh nghiệp vẫn đang phải đi vay với lãi suất từ 13 - 15%/năm, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn chịu mức lãi suất cao hơn, trong trường hợp nhu cầu vốn trở nên cấp thiết.

Về quyết định giảm trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá, việc giảm lãi suất tại thời điểm này là hợp lý và phù hợp với định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp, trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát. Lãi suất huy động có có xu hướng giảm nhẹ sẽ là điều kiện thuận lợi để mặt bằng lãi suất cho vay giảm theo.

Tuy nhiên, theo VCBS, động lực để các ngân hàng cắt giảm thêm lãi suất cho vay là không nhiều, việc các ngân hàng “bí” đầu ra chủ yếu là do vấn đề nợ xấu, cũng như sức khỏe tài chính và khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp nói chung, chứ không phải là do lãi suất chưa hợp lý. Nếu việc giải quyết nợ xấu không có những chuyển biến nhanh và rõ rệt, thì việc giảm lãi suất cho vay, nếu có, sẽ chủ yếu đến từ các khoản cho vay cũ.             

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục