Liệu dòng vốn giá rẻ có ra khỏi hệ thống ngân hàng để chảy vào các kênh đầu tư nóng?
Gửi tiết kiệm có còn hiệu quả nhất?
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc NHNN nhận định, khi hạ trần lãi suất huy động, có thể sẽ có những người không còn gửi tiết kiệm vào ngân hàng, nhưng với phân tích đầy đủ của Vụ Chính sách tiền tệ, các điều kiện của thị trường, lạm phát, đặc biệt kỳ vọng lạm phát và khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ, mức lãi suất này vẫn khuyến khích người gửi tiền.
“Mặc dù 17/3, NHNN mới chính thức ra quyết định hạ trần lãi suất huy động, nhưng trước đó một số ngân hàng đã giảm lãi suất mà khả năng huy động vốn vẫn không bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh hiện nay, gửi tiền vào ngân hàng vẫn là cách sinh lời an toàn và hiệu quả”, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến nhấn mạnh.
Trước quyết định hạ lãi suất điều hành thêm 1%/năm của NHNN, lãnh đạo nhiều NHTM nhận định, việc hạ lãi suất huy động có thể có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động huy động vốn, nhưng mức độ sẽ không lớn.
Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Phó tổng giám đốc Agribank, cơ cấu nguồn vốn sẽ không ảnh hưởng gì lớn, bởi thực tế hiện nay, lạm phát trong 3 tháng đầu năm vẫn trong xu hướng thấp, người gửi tiền vẫn có lợi. Mức lãi suất cho kỳ hạn trên 12 tháng là trên 7%/năm vẫn phù hợp cho những người có nguồn tiền gửi dài hạn.
Cùng chung quan điểm này, ông Trần Xuân Hoàng, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, huy động vốn của Ngân hàng đến thời điểm này tăng trưởng 1,2% so với cuối năm 2013.
Giám đốc Tiền tệ của một ngân hàng cũng cho rằng, khi lãi suất huy động giảm, có khả năng một bộ phận người gửi tiền rút vốn chuyển qua kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản. Tuy nhiên, việc rút tiền chuyển qua bất động sản sẽ không nhiều, bởi hiện vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường này sẽ sớm khởi sắc.
Vốn rẻ đang chảy sang TTCK, bất động sản
Mặc dù NHNN và nhiều tổ chức tín dụng tỏ vẻ vững tâm vào việc người dân không rút tiền khỏi hệ thống sau quyết định hạ lãi suất huy động, nhưng cũng có những ý kiến bày tỏ quan ngại về việc dòng tiền rút ra khỏi các ngân hàng và chảy vào kênh đầu tư nóng như chứng khoán, bất động sản và những quan ngại này không hẳn không có lý.
Trong một báo cáo được công bố ngay sau khi NHNN thông báo các quyết định hạ lãi suất, HSBC cho rằng, việc giảm trần lãi suất huy động sẽ có nhiều khả năng khiến cho người dân theo đuổi các hình thức đầu tư tài sản khác, có khả năng sinh lời cao hơn.
“Rất có thể nguồn vốn huy động của các ngân hàng sẽ giảm, nhưng sẽ không thay đổi quá đột ngột”, ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định.
Đáng chú ý, HSBC cũng nhận định, lãi suất không phải là thủ phạm khiến tăng trưởng tín dụng trì trệ và việc hạ lãi suất của NHNN chưa chắc đã thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ.
Cùng chung quan điểm này, ANZ Việt Nam nhận định, việc cắt giảm lãi suất huy động sẽ ít có ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và có khả năng chỉ hỗ trợ tích cực đến diễn biến của thị trường chứng khoán. Bằng chứng là, ngay sau khi thông tin cắt giảm lãi suất được đưa ra, dòng tiền ầm ầm vào TTCK, giúp VN-Index vượt ngưỡng 600 điểm. Tổng giá giao dịch trong phiên ngày 17/3 đạt gần 4.700 tỷ đồng, phiên hôm qua (18/3) đã vượt 5.200 tỷ đồng.
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, TTCK Việt Nam từ đầu năm đến nay hứng khởi hơi quá đà và sự hứng khởi đó có thể làm dịch chuyển dòng tiền tiết kiệm từ các ngân hàng sang thị trường này.
“Chúng ta đều biết, việc hạ lãi suất có thể góp phần kích thích việc dịch chuyển dòng tiền vào TTCK. Vì vậy, NHNN cần cẩn trọng trong việc điều chỉnh lãi suất cũng như các điều tiết tài chính khác, đi kèm với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng”, TS. Thành khuyến nghị.