Doanh nghiệp tuần qua: Đường sắt nói đến lãi; Hóa chất Đức Giang mua Phốt pho 6; Sữa Quốc tế, Giáo dục DTP có vốn ngoại

0:00 / 0:00
0:00
Đường sắt bắt đầu nói đến không lỗ sau 3 năm kinh doanh dưới giá vốn; Hóa chất Đức Giang mua Phốt pho 6; Sữa Quốc tế, Giáo dục DTP nhận thêm vốn ngoại...
Năm nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phấn đấu không lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính Năm nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phấn đấu không lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính

Đường sắt bắt đầu nói đến không lỗ

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến lấy lại lợi nhuận dương trong năm nay, sau 3 năm liên tiếp kinh doanh thua lỗ.

Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (công ty mẹ) năm nay muốn có doanh thu hơn 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp này dự kiến nộp ngân sách Nhà nước khoảng 115 tỷ đồng.

Nếu thành công, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ ghi nhận lợi nhuận dương sau ba năm liên tiếp kinh doanh dưới giá vốn.

Theo thống kê sơ bộ, năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này bắt đầu phục hồi sau dịch và có lãi từ kinh doanh vận tải. Doanh thu của tổng công ty đạt hơn 7.700 tỷ đồng, tăng 14% so cùng kỳ và vượt 16% kế hoạch năm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn âm 130,5 tỷ đồng. Song kết quả trên giúp doanh nghiệp giảm lỗ hơn 400 tỷ đồng so với năm 2021.

Năm nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phấn đấu không lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Ban lãnh đạo xác định hoạt động sản xuất kinh doanh còn chưa phục hồi hoàn toàn, trong khi vẫn gặp nhiều áp lực cạnh tranh trong vận tải hành khách từ tuyến hàng không và đường bộ. Vận tải hàng hóa cũng bị ảnh hưởng do tuyến đường biển đã giảm giá cước và cung tải tàu biển cũng tăng trở lại như trước dịch.

Trong quý đầu năm, ngành đường sắt ghi nhận sự phục hồi tốt. Trong đó, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, sản lượng hành khách đạt hơn 800.000 người, tăng trưởng khoảng 200% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải hành khách đạt khoảng 300 tỷ đồng, cùng tăng 200%. Tương tự, Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn ghi nhận sản lượng hành khách đạt hơn 660.000 người, tăng khoảng 136%. Doanh thu vận tải hành khách đạt hơn 360 tỷ đồng, tăng hơn 147%.

Ngoài rơi vào cao điểm đi lại dịp đầu năm, ban lãnh đạo cho biết nguyên nhân khiến lượng khách và doanh thu tăng cao là nhờ áp dụng chính sách giá vé thu hút nhu cầu vào các ngày thấp điểm, giảm từ 50-65% tùy loại chỗ. Ngành đường sắt cũng chạy các chương trình khuyến mãi khác như mua ba vé tặng một vé với các tuyến nhất định, giảm giá cho khách đoàn của các hiệp hội du lịch, giảm giá nếu mua nguyên phòng hoặc nguyên toa.

Hóa chất Đức Giang mua toàn bộ Phốt pho 6

HĐQT CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đã thông qua chủ trương mua 100% cổ phần của CTCP Phốt pho 6, tương đương 36,3 triệu cổ phần. Giá mua, theo DGC công bố, là 635 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 2/2023.

DGC cho biết mục đích mua lại Phốt pho 6 là để tạo chuỗi sản phẩm chế biến sâu cho các sản phẩm acid phosphoric, STPP (Na5P3O10), SHMP (NaPO3)… Ngoài ra là ổn định thị trường xuất khẩu phốt pho, và làm tăng doanh thu, lợi nhuận cho Tập đoàn.

Công ty Phốt pho 6 có vốn điều lệ 363 tỷ đồng, trụ sở tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Công ty đang sở hữu 1 lò phốt pho vàng với công suất 9,800 tấn/năm. So với mục tiêu sản xuất phốt pho DGC đặt ra tại ĐHĐCĐ 2023 là 58.9 ngàn tấn (cả xuất khẩu lẫn nội địa), công suất của Phốt pho 6 có thể đáp ứng được 16% số này.

Về DGC, doanh nghiệp vừa có năm 2022 “đại thắng” với hơn 14.4 ngàn tỷ đồng doanh thu và hơn 6 ngàn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. ĐHĐCĐ thường niên 2023 đã chấp thuận chia thêm 10% cổ tức 2022 cho cổ đông, tương đương cổ đông sở hữu 1 cp được nhận thêm 1,000 đồng. Mới đây, Công ty cũng đã công bố chốt quyền trả khoản cổ tức này, với ngày giao dịch không hưởng quyền là 13/04, dự kiến thanh toán vào 27/04.

Thêm quỹ ngoại rót hàng ngàn tỷ đồng vào Sữa Quốc tế

Quỹ Growtheum Capital Partners (GCP) đã đồng ý rót 100 triệu USD (khoảng hơn 2, 3 ngàn tỷ đồng) để mua cổ phần của CTCP Sữa Quốc tế (IDP), gọi đây là cơ hội để tiếp cận thị trường sữa của Việt Nam. Quỹ có trụ sở tại Singapore này sẽ nắm khoảng 15% cổ phần của IDP sau khi thương vụ hoàn tất.

Sang năm 2023, Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần kỷ lục đạt 7,141 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm 2022

Sang năm 2023, Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần kỷ lục đạt 7,141 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm 2022

Theo Bloomberg, ngành sữa của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ổn định với nhu cầu cho các sản phẩm sữa ngày càng tăng. Năm 2021, tỷ lệ tiêu thụ sữa của Việt Nam là 28 lít cho mỗi người trưởng thành. Con số này đang thấp hơn so với Thái Lan và Singapore, với lần lượt 35 lít/người và 45 lít/người, theo số liệu từ một nghiên cứu năm 2022.

Số tiền thu được từ thương vụ sẽ được IDP sử dụng để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam và toàn khu vực, trích lời đại diện doanh nghiệp trong thông cáo báo chí.

“IDP là cơ hội độc nhất để chúng tôi gia nhập thị trường ngày càng tăng trưởng của Việt Nam", bà Trần Thu Trang, Giám đốc điều hành của GCP cho biết.

IDP sở hữu nhiều thương hiệu sữa có tiếng tăm tại Việt Nam như Love’in Farm, sữa tươi Ba Vì và Love’in Farm KUN. Năm 2020, CTCP Blue Point cùng Chứng khoán Bản Việt đã cùng nhau thâu tóm tới 95% cổ phần của IDP.

Năm 2022, doanh thu của Công ty đạt 6,1 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ. Sang năm 2023, Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần kỷ lục đạt 7,141 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, lãi sau thuế dự kiến giảm 4%, xuống còn 776 tỷ đồng, mức thấp nhất trong vòng hai năm qua.

Trước đó, vào ngày 12/04, một quỹ ngoại khác là Daytona Investments Pte. Ltd từ Singapore cũng trở thành cổ đông lớn của IDP sau khi mua vào 5,3 triệu cổ phần, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 8,99%. Ước tính, giá trị của thương vụ rơi vào khoảng hơn 1,37 ngàn tỷ đồng, tương ứng mức giá hơn 259.000 đồng/cổ phần.

Như vậy, ước tính sơ bộ từ thương vụ của hai cổ đông ngoại đã và sắp rót vốn sẽ nắm gần 24% vốn cổ phần IDP với tổng giá trị ước tính khoảng 3,71 ngàn tỷ đồng.

Công ty Nhật mua 35% cổ phần một công ty thuộc Tập đoàn Giáo dục Đại Trường Phát

Công ty giáo dục Nhật Bản Gakken Holdings đã đầu tư vào một nhà xuất bản sách giáo khoa DTP, đồng thời coi Việt Nam là chỗ dựa để mở rộng tại Đông Nam Á trong bối cảnh Nhật Bản ghi nhận tỷ lệ sinh giảm, gây ảnh hưởng tới nhu cầu trong nước.

Khoản đầu tư vào DTP Education Solutions (CTCP Giải pháp Giáo dục DTP - một công ty thuộc Tập đoàn Giáo dục Đại Trường Phát) được cho là trị giá vài tỷ yên (1 tỷ yên tương đương 7,57 triệu USD). Sau giao dịch, Gakken chiếm 35% cổ phần trong DTP và trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này.

Gakken đã mua lại cổ phần từ các cổ đông hiện tại và thông qua việc phân bổ của bên thứ ba. Công ty Nhật Bản cũng đã đưa được đại diện vào hội đồng quản trị.

DTP, với doanh thu hợp nhất cho năm 2022 đạt tổng cộng khoảng 3.6 tỷ yên (khoảng 637 tỷ đồng), chiếm khoảng 30% thị phần sách giáo khoa tiếng Anh của Việt Nam. Gakken sẽ giúp DTP sản xuất sách giáo khoa và sách bài tập cho các môn học khác ngoài tiếng Anh, như toán học và khoa học.

Công ty Nhật Bản dự định dựa vào sự hợp tác này để mở rộng hoạt động kinh doanh sách giáo khoa và sách bài tập trong khu vực Đông Nam Á. Gakken đặt mục tiêu nâng tỷ lệ bán hàng ở nước ngoài lên 30% vào năm 2030, từ mức dưới 5% hiện nay.

Việt Nam cho phép các công ty tư nhân tham gia xuất bản sách giáo khoa từ năm 2019.

DTP Education Solutions là một trong những công ty trong Tập đoàn Giáo dục Đại Trường Phát thành lập năm 2003 với pháp nhân ban đầu là CTCP Giáo dục Đại Trường Phát, ngành nghề bán buôn sách báo, văn phòng phẩm; do ông Võ Đại Phúc làm Tổng giám đốc.

Khánh An tổng hợp
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục