Doanh nghiệp tư nhân: Điểm xoay của địa kinh tế Việt Nam - Bài 1: Giải cứu bản năng sản xuất khỏi mê cung bất động sản

Việt Nam muốn tăng trưởng hai con số, cần một hệ sinh thái nơi doanh nhân không bị hấp dẫn bởi đất - mà bị lôi cuốn bởi khả năng tạo ra giá trị thật.
Điều cần làm là khôi phục lại trục động lực sản xuất như la bàn giá trị. Trong ảnh: Khu vực sản xuất của Thaco tại Chu Lai (Quảng Ngãi). Ảnh: Đức Thanh

Để “Kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, mang tính chiến lược lâu dài”, Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị yêu cầu: “Định hướng này cần được cụ thể hóa trong các chiến lược, chính sách phát triển của đất nước”. Nghị quyết 68-NQ/TW đã đặt đúng vấn đề ở cấp chiến lược và do vậy, bối cảnh hiện tại đang cần những cơ chế rành mạch để bản năng sản xuất có thể trở thành bản lĩnh quốc gia, để doanh nghiệp tư nhân trở thành điểm xoay của địa kinh tế Việt Nam.

Bài 1: Giải cứu bản năng sản xuất khỏi mê cung bất động sản

Việt Nam muốn tăng trưởng hai con số, cần một hệ sinh thái nơi doanh nhân không bị hấp dẫn bởi đất - mà bị lôi cuốn bởi khả năng tạo ra giá trị thật.

Lời cảnh tỉnh từ Bộ Chính trị

Một doanh nhân cơ khí ở Bình Dương từng kể rằng: “Nếu tôi không vay thêm để mua miếng đất kế bên, ngân hàng sẽ không cho tiếp vốn đầu tư máy”. Câu chuyện nhỏ, nhưng phản ánh một căn bệnh lớn: khi tư bản sản xuất bị hút về bất động sản, thì năng lượng thật của nền kinh tế bị đông cứng vào những “vùng đất chết”.

Trong một nền kinh tế đang khát năng suất và đổi mới, bản năng đầu tiên của doanh nhân lẽ ra phải là chế tạo, cải tiến và sản xuất. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp sống bằng tài sản, không sống bằng sáng tạo. Họ được khen thưởng vì sở hữu - chứ không vì tạo ra.

Nghị quyết 68-NQ/TW vừa được Bộ Chính trị ban hành đã không né tránh điều này. Văn kiện không chỉ khẳng định rằng: “Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, mang tính chiến lược lâu dài”, mà còn gửi đi một thông điệp thẳng thắn: “Phải khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, thiếu gắn kết với chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế và quốc gia”.

Trong hơn hai thập niên qua, Việt Nam đã đặt nhiều kỳ vọng vào khu vực kinh tế tư nhân như một động lực quan trọng. Từ những nhà máy giày da đầu tiên tại các tỉnh Nam bộ, đến các tập đoàn đầu tư công nghệ, logistics, ô tô, bản đồ doanh nghiệp tư nhân đã trải dài khắp chuỗi giá trị. Nhưng cũng chính trong giai đoạn này, một hiện tượng không dễ lý giải đã xuất hiện: khu vực tư nhân càng lớn lên càng có xu hướng đầu tư xa rời sản xuất, đi vào bất động sản, tài sản tài chính và chu kỳ đầu cơ đất đai.

Phải chăng bản năng sản xuất đã cạn kiệt? Hay ta đang chứng kiến một thời kỳ lạc hướng, nơi động lực tăng trưởng bị mắc kẹt trong mê cung của những tòa nhà không người ở?

Cái bóng của đất đai trong tâm lý đầu tư tư nhân

Không thể phủ nhận, bất động sản từng đóng vai trò quan trọng trong việc tích lũy vốn ban đầu. Trong giai đoạn mà lãi suất cao, hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện và thị trường tài chính chưa phát triển, đầu tư vào đất là lựa chọn an toàn mang tính “hồi vốn an nhàn”.

Nhưng chính sự lặp lại quá lâu của hành vi này đã tạo ra một hệ quả trầm trọng hơn: đất trở thành chuẩn mực đánh giá thành công của doanh nhân. Không còn là dây chuyền, thị phần hay bằng sáng chế, mà là số lượng dự án, vị trí và giá trị bất động sản được sở hữu.

Hệ quả là hiển nhiên. Tài nguyên tài chính quốc gia thay vì đổ vào nâng cao năng suất, công nghiệp hóa thông minh, hay logistics trung tâm, lại được gom vào các dự án đô thị cao tầng, khu nghỉ dưỡng và các “thành phố ma” - một mô thức phát triển mà ngay cả Trung Quốc cũng đang trả giá.

Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đ.N

Nhà nước đòi hỏi phân bổ vốn hiệu quả, nhưng có lực hút vô hình hút vốn mạnh hơn

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò chiến lược của kinh tế tư nhân, gần nhất là trong 6 định hướng phát triển trụ cột. Chính phủ đã dành nhiều gói hỗ trợ, từ ưu đãi thuế, tín dụng lãi suất thấp, đến các chính sách ưu tiên trong đầu tư công.

Nhưng dù vốn rẻ có sẵn, vốn lại không đến nơi cần sản xuất. Lý do không chỉ nằm ở hiệu quả đầu tư, mà ở một lực hút vô hình: bất động sản đang tạo cảm giác kiểm soát - còn sản xuất thì đi kèm bất định. Một dây chuyền sản xuất có thể bị gián đoạn vì thiếu linh kiện, thị trường, công nghệ. Nhưng đất - nếu được hợp thức hóa - là giá trị đã “bắt được”.

Chính quyền địa phương, trong nỗ lực phát triển nhanh, cũng thường ưu tiên cấp đất cho doanh nghiệp “đồng hành” với hạ tầng đô thị hơn là cấp vốn sản xuất cần nhiều năm để thấy kết quả.

Lệch hướng đầu tư không phải vì doanh nhân kém, mà vì bản năng sinh tồn bị bóp méo

Trong hơn hai thập niên qua, Việt Nam đã đặt nhiều kỳ vọng vào khu vực kinh tế tư nhân như một động lực quan trọng. Từ những nhà máy giày da đầu tiên tại các tỉnh Nam bộ, đến các tập đoàn đầu tư công nghệ, logistics, ô tô, bản đồ doanh nghiệp tư nhân đã trải dài khắp chuỗi giá trị.

Cần thẳng thắn rằng, doanh nhân Việt Nam không thiếu khát vọng. Rất nhiều doanh nghiệp được Đảng và Nhà nước vinh danh bằng nhiều danh hiệu cao quý. Tất cả từng chấp nhận rủi ro tạo ra những sản phẩm cho nền kinh tế thực để đất nước vươn mình. Nhưng một khi thể chế không bảo vệ được rủi ro “sản xuất chân chính”, mà chỉ tưởng thưởng rủi ro “đầu cơ thông minh”, thì bản năng sản xuất sẽ tự động co lại.

Hành vi của tư nhân là tấm gương phản chiếu thiết kế chính sách. Nếu bất động sản được ưu ái về pháp lý, tín dụng, truyền thông, thì không ai trách doanh nghiệp rời khỏi nhà máy để bước vào phòng công chứng.

Giải cứu bản năng sản xuất không thể bằng lời kêu gọi, mà bằng thiết kế hành vi mới

Thứ nhất là tái cấu trúc động lực tài chính. Thiết kế các gói tín dụng ưu đãi chỉ cho sản xuất có chuỗi cung ứng trong nước, cam kết chuyển giao công nghệ, hoặc ứng dụng R&D. Không cần phân biệt khu vực đầu tư nước ngoài hay nội, chỉ cần chứng minh giá trị tạo ra nằm trong Việt Nam.

Thứ hai là thu hồi năng lượng đất, nhưng giữ lại niềm tin của nhà đầu tư. Không thể cấm doanh nghiệp đầu tư bất động sản, nhưng có thể làm cho bất động sản không còn là nơi sinh lời dễ dàng. Cải cách thuế tài sản, đánh vào tồn kho đất vô dụng, khuyến khích chuyển đổi dự án trùm mền, đất đai, khu hành chính dôi dư sau tinh giản biên chế, sáp nhập tỉnh trở thành khu công nghiệp xanh, trung tâm dữ liệu, hoặc hạ tầng dịch vụ công, phát triển nhà ở thương mại cho người có nhu cầu và đáp ứng chiến lược phát triển quốc gia.

Thứ ba là xây dựng chỉ số “tỷ lệ năng lượng sản xuất” trong từng tập đoàn. Tỷ lệ doanh thu đến từ sản xuất thực - thay vì đầu cơ tài sản - có thể trở thành điều kiện để được ưu đãi đấu thầu dự án công, hoặc nhận hỗ trợ từ ngân sách.

Thứ tư là bản đồ tư nhân mới: đi qua vùng tối, nhưng giữ lại ánh sáng của động lực thật. Không cần đả phá khu vực tư nhân, càng không nên đặt nghi ngờ vào mọi doanh nghiệp lớn. Điều cần làm là khôi phục lại trục động lực sản xuất như la bàn giá trị.

Việt Nam muốn tăng trưởng hai con số, không thể dựa vào siêu dự án, siêu đô thị, hay bảng xếp hạng tỷ phú. Ta cần một hệ sinh thái nơi doanh nhân không bị hấp dẫn bởi đất - mà bị lôi cuốn bởi khả năng tạo ra giá trị thật.

Không chỉ là cứu sản xuất, mà còn cứu chiến lược phát triển

Việc doanh nhân sản xuất bị hút về đất không phải là lỗi cá nhân. Đó là phản ứng hợp lý trong một hệ sinh thái thiếu cơ chế tưởng thưởng đúng. Nếu không nhanh chóng định vị lại tầng chính sách và niềm tin, thì những trụ năng lượng sản xuất sẽ ngày càng thu hẹp lại, nhường chỗ cho một nền kinh tế đứng trên nền cát đầu cơ.

Nghị quyết 68-NQ/TW đã đặt đúng vấn đề ở cấp chiến lược. Nhưng muốn lời khẳng định ấy có sức nặng, cần những cơ chế cụ thể để bản năng sản xuất có thể trở thành bản lĩnh quốc gia.

(Còn tiếp)

GS-TS. Trần Ngọc Thơ
Đại học Kinh tế TP.HCM/baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục