Tạo động lực cho kinh tế tư nhân: Nhìn từ việc “cởi trói” hạ tầng du lịch - Bài 2: Tháo điểm nghẽn, tạo sức vươn cho ngành du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù có bước nhảy vọt trong khoảng 15 năm trở lại đây, nhưng các nhà phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn bị “trói buộc” bởi những điểm nghẽn trong chính sách phát triển hạ tầng du lịch. 
Tạo động lực cho kinh tế tư nhân: Nhìn từ việc “cởi trói” hạ tầng du lịch - Bài 2: Tháo điểm nghẽn, tạo sức vươn cho ngành du lịch

Bài 2: Tháo điểm nghẽn, tạo sức vươn cho ngành du lịch

Dù có bước nhảy vọt trong khoảng 15 năm trở lại đây, nhưng các nhà phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn bị “trói buộc” bởi những điểm nghẽn trong chính sách phát triển hạ tầng du lịch. Con số thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) về khối tài sản khổng lồ giá trị hơn 681.800 tỷ đồng, tương đương khoảng 30 tỷ USD, đang nằm im lìm trong các dự án condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng là một ví dụ điển hình.

Nỗi niềm của những người tiên phong

Là một trong những chuyên gia tìm hiểu sâu về cơ chế pháp lý và thực tế phát triển hạ tầng du lịch, gần như ở bất cứ hội thảo nào có liên quan, PGS-TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đều dành sự khâm phục các tập đoàn tư nhân trong ngành du lịch.

Theo ông Thiên, từ Sun Group, Vingroup, Mường Thanh, BIM Group, Flamingo, TTC Land…, các tập đoàn tư nhân lớn đã làm được nhiều điều “phi thường”, nếu không muốn nói là “vĩ đại”.

Không chỉ trở thành người dẫn dắt, tạo lập ra các giá trị mới, họ còn là những người truyền cảm hứng hành động, tạo hình mẫu và thay đổi cả mô hình kinh doanh du lịch, mang tới giá trị cộng hưởng làm giàu cho xã hội.

Đặc biệt, phải kể đến sự chủ động, sáng tạo, nhạy bén, cùng nỗ lực tiên phong, dù không phải lúc nào hành lang pháp lý cũng được hoàn thiện hoặc thống nhất trên cả nước.

Việt Nam tới nay đã hiện diện trên bản đồ du lịch thế giới với những khu nghỉ dưỡng sang trọng được quản lý bởi các tập đoàn danh tiếng như Marriott International, Accor hay Rosewood Hotels, Curio Collection by Hilton...

Tuy vậy, như đánh giá của ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sun Group trong bài chia sẻ nhân kỷ niệm dấu ấn 15 năm hành trình làm đẹp những vùng đất của Sun Group, chúng ta vẫn còn rất nhiều vùng đất giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng tầm, rất nhiều điểm đến chưa được quan tâm đúng mức để phát triển xứng với tiềm năng thiên nhiên ban tặng.

“Việt Nam xứng đáng xuất hiện nhiều hơn trên bản đồ du lịch thế giới”, ông Trường nhấn mạnh.

Gắn bó lâu năm với ngành du lịch, ông Hà Văn Siêu - Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam khẳng định, những điểm đến làm nên chân dung của ngành du lịch Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Lào Cai, Phú Quốc… đều có dấu ấn đậm nét của các tập đoàn kinh tế tư nhân. Tuy vậy, vẫn còn nhiều cánh cửa pháp lý chưa được mở ra, đặc biệt trong trong vấn đề phát triển hạ tầng dịch vụ cùng chính sách phát triển ngành.

“Cởi trói” tư duy phát triển hạ tầng du lịch

Không thể phủ nhận rằng, nếu không có những doanh nghiệp dám đi trước, những người tiên phong trong việc khai thác tiềm năng du lịch, sẽ không có những điểm đến nổi tiếng mà chúng ta biết đến ngày hôm nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những người đi trước luôn có nguy cơ vướng phải những rủi ro chính sách lớn.

Ông Hà Văn Siêu nhận xét, sự thiếu thống nhất trong hoạch định chính sách cụ thể để phát triển du lịch với các ngành khác có liên quan như giao thông, môi trường hoặc thiếu thống nhất trong việc áp dụng chính sách tại một số địa phương... đã dẫn đến những khó khăn trong việc tạo tiếng nói chung, từ đó làm chùn bước chân của doanh nghiệp.

Tổng số căn condotel trên cả nước

Ước tính khoảng 120.000 căn, với trên 100 dự án condotel đã và đang triển khai (không tính các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư) từ năm 2015 đến năm 2024, với lượng phân bổ theo ước tính Khánh Hòa khoảng 23.000 căn, Đà Nẵng khoảng 15.000 căn, Phú Quốc (Kiên Giang) khoảng 12.000 căn, Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 10.000 căn, Hạ Long - Vân Đồn (Quảng Ninh) khoảng 8.000 căn và Phan Thiết - Mũi Né (Bình Thuận) khoảng 5.000 căn.

Nguồn: Báo Đầu tư Chứng khoán tổng hợp

Thực tế, ngay cả khi có những chính sách đủ tốt, khai mở những vùng đất mới, thách thức thực địa mà các doanh nghiệp gặp phải cũng rất lớn. TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho hay, trong khu vực ASEAN, xếp hạng chỉ số chính sách và mức độ sẵn sàng phát triển du lịch của Việt Nam dù tăng trong vài năm vừa qua nhưng vẫn đứng sau Indonesia, Malaysia, chứ chưa nói đến Thái Lan hay Singapore.

Chính sách ưu đãi đối với ngành du lịch chưa được cụ thể hóa trong một số luật, quy định liên quan từ Luật Đầu tư, Luật PPP, đến việc khung pháp lý trong cấp đất cho các dự án phát triển du lịch - vui chơi - giải trí vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Chưa kể, trong không ít trường hợp, mỗi địa phương lại áp dụng các cơ chế, chính sách khác nhau.

Chung góc nhìn, TS. Đoàn Văn Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị CEO Group đánh giá, việc giải quyết các vấn đề pháp lý là một thách thức lớn đối với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam, do quy định pháp lý về đất đai, xây dựng, quản lý và bảo vệ môi trường… khá phức tạp.

Trong khi đó, các dự án du lịch, nghỉ dưỡng thường có quy mô lớn và phải được phê duyệt bởi nhiều cơ quan chức năng cấp Trung ương và địa phương trước khi triển khai. Quy trình này có thể mất nhiều thời gian và chi phí, đặc biệt là trong trường hợp phát sinh (nếu có) thay đổi về chính sách khiến không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp tục theo đuổi dự án đến cùng.

Bản thân câu chuyện đầu tư dự án Sonasea Vân Đồn của CEO Group là một trong những ví dụ. Mặc dù đã từng có kinh nghiệm với Sonasea Phú Quốc và có những điều kiện về giao thông thuận lợi hơn, nhưng việc đầu tư một khách sạn tiêu chuẩn quốc tế ở Vân Đồn là chặng đường đầy thách thức, nhất là vào thời điểm triển khai, định hướng trở thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt bị gác lại, nhiều kế hoạch của chủ đầu tư cũng vì thế bỏ dở giữa chừng.

Ngay sau đó, đại dịch Covid-19 như bồi thêm cú đấm cho ngành du lịch Việt Nam. Giữa lúc du lịch gần như tê liệt bởi đại dịch, các khách sạn phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, hầu hết các nhà đầu tư chùn tay, việc vẫn tiếp tục đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào dự án tại Vân Đồn của CEO Group là “canh bạc mạo hiểm”.

Tại Vân Đồn, CEO Group phải chi hàng trăm tỷ đồng mua cát từ những nơi khác để cải tạo lại bãi biển cho sạch đẹp hơn. Ông Bình ước tính, cho đến thời điểm này, Tập đoàn đã đổ gần 5.000 tỷ đồng xây dựng các hạng mục của tổ hợp Sonasea Van Don Habour City.

Chi phí cơ hội và tiền bạc bỏ ra rất lớn, nhưng cơ hội thu hồi vốn của chủ đầu tư dự án không hề dễ dàng, đặc biệt với các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng mới, dù được nhiều khách hàng tiềm năng đánh giá là rất hấp dẫn, nhưng còn e ngại khung pháp lý với các sản phẩm mới hiện nay chưa rõ ràng.

Ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên để du lịch phát triển trở thành một ngành kinh tế chủ chốt, tạo sức lan tỏa, kích thích các ngành dịch vụ, vận tải, bất động sản, xây dựng… cùng phát triển.

Tác động lan tỏa, đóng góp và tiềm năng của ngành du lịch đã được Đảng và Nhà nước nhìn nhận, thể hiện qua mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08/2017 của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, khi triển khai cụ thể các chính sách, ông Hà nhìn nhận, chính sự tương hỗ, liên quan giữa ngành du lịch với nhiều ngành khác vô tình khiến ngành du lịch bị “trói chân” bởi rất nhiều quy định của các ngành khác nhau.

“Những quy định này lâu ngày không tháo, tạo ra các điểm nghẽn thể chế khiến ngành công nghiệp không khói của Việt Nam chưa thể bứt phá”, ông Hà nhận xét và lấy ví dụ về việc sau nhiều năm, cơ quan quản lý vẫn loay với cách định danh cho mô hình condotel, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã tận dụng được mô hình này trong việc tạo ra nguồn lực từ xã hội vào phát triển và nâng tầm du lịch quốc gia.

Số liệu thống kê từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho thấy, tổng giá trị 3 sản phẩm condotel, shophouse và biệt thự nghỉ dưỡng trên cả nước hiện nay là hơn 681.800 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.

Tuy nhiên, phần rất lớn khối tài sản này đang đóng băng vì thiếu hành lang pháp lý. Các nhà quản lý vẫn đang loay hoay với câu hỏi “condotel là gì”. Trong khi đó, hàng chục dự án condotel bỏ không đầy lãng phí, thậm chí còn tạo ra các điểm nóng khiếu kiện như Cocobay Đà Nẵng và một số dự án khác.

Có lẽ đã đến lúc các nhà quản lý cần phải phá vỡ tư duy quản lý truyền thống, phục hồi lại sức sống của kinh tế chia sẻ như mô hình condotel. Nếu tháo bỏ được điểm nghẽn thể chế này, sẽ là một dấu mốc lớn trong việc giải phóng sức sản xuất của nền kinh tế, một chủ trương lớn mà Đảng và Nhà nước đang đặt ra.

Bài 3: Cấp bách “thông luồng” cho bất động sản du lịch

Việt Dương - Đức Thành

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục