Terry Song, Giám đốc Công Ty TNHH Etron Vietnam Technologies, một thành viên của tổng công ty công nghệ Etron (trụ sở Trung Quốc), kể rằng công ty ông vào Việt Nam tháng 7/2022. Chỉ trong vòng 3 ngày, họ “chốt” địa điểm xây dựng nhà máy tại Hải Dương và đến cuối 2022, nhà máy Etron Việt Nam xuất khẩu đơn hàng đầu tiên.
Tại Trung Quốc, Etron chuyên sản xuất các thiết bị viễn thông, tự động hóa, thiết bị kiểm soát trong công nghiệp,…với doanh thu 1,92 tỷ nhân dân tệ (hơn 6.700 tỷ đồng) vào năm 2023.
“Chúng tôi mở rộng diện tích nhà máy Việt Nam vào năm ngoái. Mục tiêu là đến 2025, 50% sản phẩm Etron được sản xuất tại Việt Nam, 50% đến từ các nhà máy đặt ở những quốc gia khác”, Terry Song chia sẻ tại hội nghị "Hiện tại và tương lai của ngành B2B Sourcing - Giải pháp thăng hạng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu", tổ chức ngày 18/6 ở Hà Nội.
Hội nghị cũng chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam và Global Sources, nền tảng đa kênh B2B kết nối người mua và người bán trong chuỗi cung ứng. Hai bên cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ, chia sẻ nguồn lực và chuyên môn để hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tiếp cận công nghệ tiên tiến, linh kiện chất lượng cao, mở ra cơ hội kinh doanh mới, góp phần xây dựng ngành công nghiệp điện tử Việt Nam mạnh mẽ và cạnh tranh hơn.
Thời gian qua, dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc nhộn nhịp đổ vào các tỉnh thành phía Bắc Việt Nam, nơi được họ gọi là “đầu rồng”.
Ngày 4/4, Tập đoàn Geleximco và thương hiệu xe năng lượng mới Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery) đã ký hợp đồng liên doanh xây nhà máy tại Thái Bình vốn hơn 800 triệu đô la, công suất 200.000 xe/năm.
Còn nhà sản xuất xe điện 2 bánh Yadea thì đang gấp rút xây nhà máy thứ 2 tại tỉnh Bắc Giang công suất 2 triệu xe máy/năm, gấp 4 lần so với nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động năm 2019 ở địa phương này. Dự kiến 30% sản lượng nhà máy mới sẽ xuất đi Philippines, Thái Lan, Malaysia và Lào.
Tại tỉnh Bắc Ninh, với 105 dự án FDI được cấp phép trong quý đầu năm 2024 thì hơn phân nửa (60 dự án) là của nhà đầu tư đến từ đất nước tỉ dân.
Theo tờ South China Morning Post, vấn đề dịch chuyển chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Trung Quốc không xuất phát từ năng lực sản xuất, mà bắt nguồn từ nỗ lực mang tính chiến lược nhằm phòng ngừa rủi ro chính trị đang ngày càng gia tăng và giữ chân các khách hàng phương Tây. Tờ này cho rằng nhiều khách hàng nước ngoài ngày càng tỏ ra lo lắng và thận trọng hơn về chuỗi cung ứng, khiến bản thân doanh nghiệp Trung Quốc cần mở rộng chuỗi cung ứng sang nhiều quốc gia khác bên ngoài Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi nhà sản xuất Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng Việt Nam sẽ đối diện với sức ép vô cùng lớn.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam đánh giá các doanh nghiệp trong ngành điện, điện tử Việt Nam đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu và yếu về nguồn nhân lực, về công nghệ lẫn tài chính. Giống như ngành dệt may hay da giày, trong chuỗi cung ứng ngành điện tử, doanh nghiệp Việt tham gia chủ yếu vào khâu gia công, nên biên lợi nhuận mỏng, giá trị gia tăng thấp.
Bà Hương cũng ví von cách phản ứng của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng cần giống như một đội bóng “yếu về thế và lực thì phải phòng thủ chắc chắn, nhưng luôn trong tâm thế phản công nhanh, sẵn sàng bắt kịp các xu thế mới của ngành”.
Trong khi đó, bà Trần Thị Quỳnh Hương, Trưởng phòng tư vấn chuỗi cung ứng của Source of Asia thì cho rằng các doanh nghiệp Việt nên chủ động đi trước, thay vì chỉ đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn xuất khẩu thì cần đầu tư thời gian, tìm hiểu các chứng chỉ nào đang được yêu cầu theo từng ngành hàng. Các doanh nghiệp nên chuyển từ “nền kinh tế theo quy mô” sang “nền kinh tế kỹ năng”, tập trung vào phát triển đội ngũ tay nghề chất lượng cao, dùng công nghệ để số hoá các hoạt động sản xuất.