“Hội nghị giao thương Việt Nam - Trung Quốc và Lễ ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc” vừa diễn ra tại Hà Nội nhân dịp Chủ tịch nước CHND Trung Hoa, Tập Cận Bình tham dự Hội nghị cấp cao APEC và thăm chính thức Việt Nam.
Hội nghị được tổ chức bởi Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) và Vụ Thương mại Đối ngoại (Bộ Thương mại Trung Quốc).
Tham dự Hội nghị có gần 100 doanh nghiệp xuất nhập khẩu của hai nước. Trong tổng số 30 doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, có hơn một nửa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm như: Thanh long, chuối, nhãn, hạt điều, tinh bột khoai mỳ, tinh bột sắn, các loại gạo thành phẩm, cà phê, hạt tiêu...
Ngoài ra còn có các doanh nghiệp muốn nhập khẩu của Việt Nam các sản phẩm may mặc gồm: Các sản phẩm dệt sợi, bông, da thuộc và lông chồn. Đây đều là những lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt - Trung năm 2016 đạt 71,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2015; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 22 tỷ USD, tăng 28,4%, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc xấp xỉ 50 tỷ USD, tăng 0,9%; nhập siêu 27,9 tỷ USD, giảm 13,67% so với 2015.
9 tháng 2017, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 22,2 tỷ USD, tăng 62,2%, nhập khẩu 41,7 tỷ USD, tăng 15,9%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 63,98 tỷ USD, tăng 25,1%.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng nhanh, đặc biệt với mặt hàng nông sản, xơ sợi. Hiện, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.
Việt Nam hiện có 8 loại trái cây tươi được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, góp phần mang về gần 2 tỷ USD ngoại tệ trong 9 tháng 2017.
Bà Lily Liu, Giám đốc phụ trách bộ phận Thương mại quốc tế Công ty Sinopharm cho rằng, hơn 10 năm trước, Công ty đã thâm nhập thị trường Việt Nam và đang nhập khẩu các mặt hàng nông sản, hoa quả từ Việt Nam.
Nhu cầu tiêu dùng nông sản tại thị trường nội địa Trung Quốc đang gia tăng, sẽ tạo dư địa lớn cho tăng trưởng xuất khẩu nhiều loại trái cây, rau quả từ Việt Nam. Công ty Sinopharm kỳ vọng việc cung cấp cũng như chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam ổn định hơn giúp Sinopharm tăng lượng hàng hóa nhập khẩu.
Không chỉ tăng trưởng trong thương mại, đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam cũng liên tục gia tăng. Hết năm 2016, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã đạt hơn 10 tỷ USD. Nhiều dự án lớn đang được xây dựng và đi vào vận hành, như một số dự án thuộc Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Khu công nghiệp Long Giang…
Kết thúc hội nghị các doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã ký kết các hạng mục đầu tư. Chương trình được kỳ vọng sẽ góp phần cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, tăng cường khả năng xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, cũng như thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam.