Hiện có 2 doanh nghiệp (DN) đang rục rịch chuẩn bị cho việc chia tay UPCoM để lên sàn niêm yết là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã BHN) và CTCP Cảng Đà Nẵng (mã CDN).
Với Habeco, sau gần 1 tháng giao dịch tại UPCoM, DN này đang thực hiện xin ý kiến cổ đông về việc chuyển lên niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), dự kiến hoàn tất trong tháng 12 tới.
Còn CDN lên sàn UPCoM từ tháng 3/2016, hủy đăng ký giao dịch từ ngày 25/11 để niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). CDN vừa nhận được quyết định chấp thuận niêm yết của HNX.
Trước đó, từ đầu năm đến nay, chỉ có một cổ phiếu chuyển từ UPCoM lên niêm yết là SCI của CTCP Xây dựng và Đầu tư Sông Đà 9.
Cách đây hơn 7 năm, UPCoM chính thức được khai trương với mục đích: thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức, có quản lý của Nhà nước, quy tụ cổ phiếu của các công ty đại chúng chưa niêm yết về một đầu mối quản lý thống nhất, tạo ra cơ hội giao dịch chứng khoán công khai, minh bạch, an toàn và thuận lợi cho nhà đầu tư. Khi đó, UPCoM cũng được xem là nơi tập dượt, bệ phóng lên niêm yết cho các công ty đại chúng, nhưng cho đến nay, thị trường này mới cung cấp được hơn 20 cổ phiếu cho sàn niêm yết.
G20 chuyển từ sàn UPCoM lên sàn HNX vào ngày 1/9/2015, với giá tham chiếu 11.300 đồng/CP, mức giá hiện tại là 3.900 đồng/CP.
Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do các DN đủ điều kiện niêm yết nhưng chưa sẵn sàng tuân thủ các tiêu chuẩn cao hơn về công khai, minh bạch trong quản trị DN.
Trong khi đó, diễn biến giao dịch của những cổ phiếu “khoác áo mới” cho thấy, có DN được nhiều nhà đầu tư biết đến hơn và nhanh chóng thu hút được dòng tiền, chẳng hạn CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), nhưng cũng có DN không cải thiện được mức giá và tính thanh khoản cho cổ phiếu, ví dụ CTCP Đầu tư Dệt may G.Home (G20) và CTCP Thiết kế Xây dựng Thương mại Phúc Thịnh (PTD). Vì thế, các DN cũng cân nhắc giữa áp lực tuân thủ tiêu chuẩn niêm yết và lợi ích có thể mang lại sau khi chuyển sàn.
NT2 chuyển từ sàn UPCoM lên sàn HOSE vào ngày 12/6/2015, với với giá tham chiếu 23.700 đồng/CP, sau đó giá liên tục có xu hướng tăng, đạt 38.040 đồng/CP vào tháng 10 năm nay và hiện duy trì ở mức trên 30.000 đồng/CP.
G20 chuyển từ sàn UPCoM lên sàn HNX vào ngày 1/9/2015, với giá tham chiếu 11.300 đồng/CP, mức giá hiện tại là 3.900 đồng/CP.
PTD chuyển từ sàn UPCoM lên sàn HNX vào ngày 10/11/2015, với giá tham chiếu 22.000 đồng/CP, từ đó đến nay hầu như không có giao dịch (giá hiện tại là 19.000 đồng/CP).
Liên quan đến việc chuyển sàn từ UPCoM lên sàn niêm yết, theo Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ, các DNNN chuyển thành công ty cổ phần sau ngày 1/11/2014 sẽ phải đăng ký giao dịch trên UPCoM; trong vòng 1 năm, nếu đáp ứng điều kiện niêm yết thì chuyển lên sàn niêm yết. Đối với DNNN chuyển thành công ty cổ phần trước ngày 1/11/2014 thì DN có thể lên UPCoM hoặc niêm yết.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đối với DN đã cổ phần hóa, sau 6 tháng giao dịch trên UPCoM, nếu DN đủ điều kiện niêm yết, cơ quan quản lý ủng hộ DN lên niêm yết. 6 tháng trên UPCoM là thời gian để DN tập dượt, làm quen với trách nhiệm công bố thông tin, trách nhiệm giải trình về hiệu quả hoạt động trước khi niêm yết.
Theo thông lệ tại một số thị trường chứng khoán khu vực, DN niêm yết phải có 20% cổ phiếu do cổ đông bên ngoài nắm giữ, nếu cơ cấu cổ đông bên ngoài quá nhỏ thì chất lượng quản trị công ty, cũng như lợi ích của các cổ đông không được đảm bảo.
Tại Việt Nam, HNX quy định, DN niêm yết phải có tối thiểu 15% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ. Sàn HOSE quy định, tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ. Tuy nhiên, điều kiện này được miễn với trường hợp DNNN chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Trên thực tế, số lượng DN tại UPCoM đang tăng nhanh về lượng và chất, trong đó có nhiều “ông lớn” là DNNN cổ phần hóa, đáp ứng các điều kiện trên 2 sàn niêm yết. Tuy nhiên, ngoại trừ trường hợp có sự chỉ đạo quyết liệt của Nhà nước, Chính phủ, các DN vẫn “giẫm chân tại chỗ” trong việc thoái vốn nhà nước hoặc tiến đến chuẩn minh bạch cao hơn.
Làm gì để UPCoM không phải là nơi “ẩn mình” của các “ông lớn” nhà nước sau cổ phần hóa đang là một câu hỏi lớn cần sớm được cơ quan quản lý có biện pháp giải quyết.