Doanh nghiệp “tìm cơ trong nguy” thuế quan

(ĐTCK) Hai doanh nghiệp có vốn góp chi phối của SCIC là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) đều có sự kiện đặc biệt trong năm 2025 - kỷ niệm 30 năm hoạt động. Với họ, đây cũng là một năm “thử lửa”, phải quyết tâm “chiến đấu” vượt lên.
VNSteel đặt mục tiêu lợi nhuận 280 tỷ đồng trong năm nay, tăng 100 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu

Bản lĩnh trước sóng gió

Số liệu của Vinatex) cho thấy, năm 2024, Tập đoàn đạt tổng sản lượng sản xuất công nghiệp hơn 40.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu chiếm 5% toàn ngành, đảm bảo việc làm cho hơn 100.000 lao động với mức thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/người/tháng.

Vừa đảm bảo an sinh xã hội cho số lượng người lao động lớn như vậy, vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất - kinh doanh để có lợi nhuận sau thuế đạt 685 tỷ đồng, gần gấp đôi lợi nhuận năm 2023, đòi hỏi những nỗ lực đặc biệt của doanh nghiệp và các bên liên quan. Nhưng năm 2025 có lẽ còn đặt ra những đòi hỏi lớn hơn.

Khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng và lộ trình áp thuế vào ngày 3/4/2025 (theo giờ Việt Nam), nhiều khách hàng của Vinatex đã tạm dừng đơn hàng, khiến tình hình sản xuất chững lại. Tuy nhiên, ngay khi thông tin tạm hoãn áp dụng thuế được công bố vào ngày 10/4/2025, các khách hàng đã hối thúc Tập đoàn đẩy nhanh tiến độ sản xuất và giao hàng, cố gắng hoàn tất nhiều đơn hàng nhất có thể trong vòng 90 ngày (trước 5/7/2025).

Lãnh đạo Vinatex đánh giá, đây là giai đoạn đặc biệt, yêu cầu toàn hệ thống phải triển khai sản xuất - kinh doanh với tinh thần khẩn trương. Cùng với chiến dịch sản xuất thần tốc, doanh nghiệp phải tập trung tìm hiểu chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, ưu tiên sử dụng nguồn vải của các doanh nghiệp trong hệ thống Tập đoàn; phân loại từng mặt hàng, thị trường nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các chính sách thuế mới để có cơ sở đàm phán với khách hàng và tìm kiếm hướng đi phù hợp trong thời gian tới.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex đánh giá, thị trường biến động, thuế suất cao không phải là điều mới xảy ra với ngành dệt may Việt Nam - ngành công nghiệp đã trải qua nhiều sóng gió trong quá khứ nhưng vẫn vững vàng vượt qua, khẳng định được vị trí xuất khẩu thứ hai trên thế giới. Điều quan trọng nhất lúc này không phải là hoang mang, lo lắng mà là tinh thần kiên định, dũng cảm, sẵn sàng làm việc với hiệu suất cao nhất.

Với VNSteel, cú lội ngược dòng năm 2024 để thoát lỗ, đạt lợi nhuận trước thuế 357 tỷ đồng, vượt 198% kế hoạch năm không hẳn đến từ may mắn thị trường. Đó là tổng hoà của nhiều giải pháp, nỗ lực tự thân mạnh mẽ khi năng lực sản xuất ngành thép trong nước dư thừa, còn mức độ xuất khẩu từ thị trường láng giềng tăng ồ ạt. Bởi vậy, trong tình thế ngặt nghèo trên các thị trường xuất khẩu, đặc biệt khi bảo hộ cạnh tranh trên thế giới trở thành xu hướng rộng khắp, việc đại hội đồng cổ đông VNSteel thống nhất tăng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 thêm 100 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu, lên 280 tỷ đồng thể hiện quyết tâm rất lớn của Ban điều hành cũng như cổ đông lớn của Tổng công ty.

Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng giám đốc VNSteel, để thực hiện được mục tiêu trên, Tổng công ty sẽ triển khai bốn giải pháp trọng tâm: Thứ nhất, rà soát lại tất cả các đơn vị, cả công ty con và công ty liên kết, tập trung nguồn lực vào các đơn vị có hiệu quả, nhằm tăng lợi nhuận cho toàn hệ thống; thứ hai, tiếp tục xử lý các khoản lỗ lũy kế còn tồn đọng, trong đó có việc đưa vào vận hành các dự án nhà máy mới, giúp tăng thêm nguồn thu; thứ ba, thực hiện chương trình tiết giảm chi phí, đồng thời cải thiện biên lợi nhuận gộp; thứ tư, tìm mọi giải pháp nâng cao sản lượng tiêu thụ.

“Thị trường khó khăn thì ai cũng thấy rõ. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp vẫn phải kiên trì chiến đấu. Chúng tôi tập trung phân tích từng khoản chi phí, cắt giảm các chi phí còn cao bất hợp lý, tăng cường quản trị nội bộ để nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó có nâng cao hiệu quả sử dụng nhân sự và cải thiện năng suất lao động”, ông Đa nói.

Thúc đẩy sự hiệu quả

Khi cả nước triển khai việc tinh gọn bộ máy, nhằm mục tiêu hướng tới hiệu quả hoạt động, các doanh nghiệp không nằm ngoài xu thế này. Tại VNSteel, Hội đồng quản trị đã xây dựng lộ trình rà soát, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, định hướng tập trung vào các đơn vị lớn, các công ty đại chúng.

Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), VNSteel đã chủ động triển khai tinh gọn bộ máy từ nhiều năm nay, trước cả khi có yêu cầu chung từ cơ quan quản lý nhà nước. Đến nay, TISCO đã giảm gần 2.000 lao động so với 5 năm trước, về khoảng 3.000 lao động. Sắp tới, Công ty tiếp tục rà soát để tinh giản hơn nữa bộ máy, tinh gọn nhân sự, nhằm đạt hai mục tiêu: tăng hiệu quả hoạt động và tiết giảm chi phí sản xuất.

Hay tại Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung, một trong 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, VNSteel đã trích lập toàn bộ dự phòng cho khoản lỗ kéo dài suốt 3 năm, gây ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh hợp nhất của Tổng công ty.

“Mục tiêu bây giờ là tập trung khôi phục lại sản xuất, ổn định tình hình. Cuối tháng 4 vừa qua, Công ty đã chính thức tái khởi động sản xuất. Kế hoạch năm nay, dự kiến sẽ giảm lỗ khoảng 100 tỷ đồng, góp phần cải thiện đáng kể kết quả tài chính của Tổng công ty”, ông Đa cho biết.

Được biết, Ban điều hành VNSteel và cổ đông lớn SCIC đang nghiên cứu, tính toán phương án đầu tư thêm khoảng 500 tỷ đồng để các doanh nghiệp, dự án này gia tăng năng lực cạnh tranh.

Với Vinatex, kế hoạch giai đoạn mới 2025 - 2030 được đặt ra khá tham vọng. Theo đó, Tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng gấp đôi lợi nhuận hợp nhất toàn hệ thống, gấp ba lợi nhuận công ty mẹ so với năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp đôi và thu nhập bình quân người lao động tăng trưởng hàng năm ở mức hai con số.

Những mục tiêu mà mỗi doanh nghiệp có vốn góp chi phối của SCIC đặt ra trong kỳ đại hội cổ đông năm nay không chỉ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của từng doanh nghiệp mà còn đòi hỏi chiến lược, giải pháp thực thi hiệu quả, thực tiễn với sự đồng thuận của cổ đông lớn nhất.

Huy Nguyên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục