Nguồn: Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2019. Đồ họa: Thanh Huyền |
Doanh nghiệp chuyển hướng thương mại điện tử
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, trong thời đại thương mại điện tử.
Thông tin tại Hội thảo Thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chuyển đổi số trên nền tảng thương mại điện tử, diễn ra cuối tuần qua, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, xu hướng doanh nghiệp tìm kiếm quy trình chuyển đổi số tại Việt Nam tăng gấp 6 lần, đạt mức cao nhất Đông Nam Á.
Nền kinh tế số Việt Nam năm 2020 ước đạt quy mô 13,5 - 14 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2019 và được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, ước tính đạt 35 tỷ USD vào năm 2025. Đây chính là cơ sở vững chắc cho tiến trình chuyển đổi lên số hóa của các doanh nghiệp.
Một thị trường kinh tế số tăng trưởng 2 chữ số là hoàn toàn đủ lớn để đáp ứng nhu cầu tăng cao của các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, tăng cường tham gia kinh doanh online.
Chưa kể, dân số hơn 97 triệu người, 143,3 triệu thuê bao di động, 66% dân số sử dụng Internet, 72% dân số sử dụng điện thoại thông minh… tạo nền tảng kinh doanh đáng kể cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, tần suất mua sắm trực tuyến tăng 14% đối với mọi danh mục hàng hóa và dịch vụ.
Ngay sau Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan diễn ra giữa tháng 11/2020, đánh giá về tác động của Covid-19 đối với phát triển nền kinh tế số của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số khá nhanh.
"Việt Nam được đánh giá là nước phát triển kinh tế số tương đối nhanh, với 72% dân số sử dụng điện thoại thông minh có kết nối với hệ thống 3G, 4G. Theo nghiên cứu và thống kê, kinh tế số của Việt Nam đã đạt mốc 3 tỷ USD vào năm 2015, tăng lên gấp 3 lần, đạt gần 9 tỷ USD vào năm 2018 và dự báo sẽ đạt trên 30 tỷ USD vào năm 2025", Thủ tướng cho biết.
Một nghiên cứu do IDC và Cisco thực hiện tại 14 nước châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức độ chuyển đổi số cao sẽ hưởng gấp đôi lợi ích về doanh thu và năng suất so với những doanh nghiệp thờ ơ với xu hướng mới.
Theo nghiên cứu này, có tới 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số nhằm đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, tăng cao so với tỷ lệ 32% của năm trước. Bên cạnh đó, hơn 70% số doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận thấy họ phải thay đổi để bắt kịp sự cạnh tranh, trong khi 46% cho biết lý do chuyển đổi là vì yêu cầu từ phía khách hàng.
Ông Raz Mohamad, Giám đốc Khối doanh nghiệp nhỏ và thương mại của Cisco khẳng định, chuyển đổi số là cách để doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi trong giai đoạn hậu Covid-19. Công nghệ không chỉ giúp giải quyết một số thách thức lớn và phục hồi hoạt động, mà còn giúp duy trì tăng trưởng trong dài hạn.
Chuyển đổi số không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Covid-19 buộc các doanh nghiệp chuyển sang ưu tiên chuyển đổi số, phụ thuộc nhiều hơn vào các công nghệ mới nhằm đảm bảo tính liên tục và khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh.
Trở ngại nào với doanh nghiệp?
Chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu trong thời đại 4.0, nhưng các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Ông Vũ Đức Thịnh, Tổng giám đốc Lazada Logistics Việt Nam cho rằng, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các công nghệ kỹ thuật số, chưa được trang bị tư duy kinh doanh trên nền tảng số, thiếu sự thấu hiểu khách hàng và dữ liệu vận hành, thiếu chiến lược kinh doanh trên nền tảng số.
Theo đó, vẫn có hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chưa triển khai xây dựng kênh thương mại điện tử cho doanh nghiệp, đặc biệt là thương mại điện tử quốc tế.
Chia sẻ về xu hướng tất yếu trong kinh doanh online và tiêu dùng mới của kinh doanh toàn cầu, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam cho hay, năm 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử gấp 6 lần tăng trưởng doanh thu bán hàng tại cửa hàng, do mua sắm trực tuyến tăng 14% đối với mọi danh mục hàng hóa và dịch vụ.
“EVFTA đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, với 99% dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và châu Âu được xóa bỏ và cơ hội giao thương không biên giới qua thương mại điện tử càng được đà tăng trưởng”, ông Thủy khẳng định.
Theo Kế hoạch Tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025, có tới 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm. Doanh số thương mại điện tử của mô hình thương mại điện tử B2C tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Nguồn: Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020