Doanh nghiệp tích cực xử lý nợ trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Theo số liệu của VIS Rating, trong quý I/2025, có 17 tổ chức phát hành trái phiếu đã thanh toán một phần hoặc toàn bộ dư nợ gốc chậm thanh toán với giá trị 8.081 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước.
Phần lớn lượng trái phiếu có thời gian đáo hạn trong năm 2025 đã được gia hạn là của các doanh nghiệp bất động sản Phần lớn lượng trái phiếu có thời gian đáo hạn trong năm 2025 đã được gia hạn là của các doanh nghiệp bất động sản

Đẩy mạnh xử lý nợ trái phiếu

Các đơn vị có giá trị thanh toán lớn nhất bao gồm Novaland, thanh toán 5.135 tỷ đồng, số dư nợ trái phiếu giảm còn 13.962 tỷ đồng; Công ty cổ phần Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận thanh toán 899 tỷ đồng, giảm dư nợ trái phiếu xuống 1.117 tỷ đồng; Saigon Glory thanh toán 802 tỷ đồng, số dư trái phiếu là 7.059 tỷ đồng.

Bước sang tháng 4, có thêm 4 tổ chức phát hành thanh toán một phần nợ gốc chậm thanh toán, giá trị 1.000 tỷ đồng. Tính tới cuối tháng 4, tỷ lệ thu hồi nợ gốc chậm trả tăng 2,7% từ cuối năm 2024 lên mức 30,5%.

Bên cạnh việc thanh toán dư nợ quá hạn, không ít tổ chức phát hành đẩy mạnh việc đàm phán gia hạn với trái chủ. Đây vẫn là công cụ hữu hiệu nhất với các tổ chức phát hành trong việc giảm áp lực thanh toán khi thời hạn cận kề.

Chẳng hạn, từ tháng 4/2025 tới nay, Công ty cổ phần Bất động sản Mỹ đã có 44 văn bản công bố thông tin bất thường về việc kéo dài kỳ hạn trái phiếu. Các lô trái phiếu được đàm phán để kéo dài kỳ hạn thêm tối đa 2 năm so với kỳ hạn ban đầu. Thời gian đáo hạn mới lùi về tháng 5/2027. Lãi suất áp dụng cho toàn bộ thời gian kéo dài kỳ hạn trái phiếu cố định ở mức 7,5%/năm.

Về tình hình kinh doanh, theo công bố kết quả kinh doanh gần nhất, nửa đầu năm 2024, Bất động sản Mỹ ghi nhận lợi nhuận sau thuế 374 triệu đồng, cải thiện so với mức 108 triệu đồng của cùng kỳ năm 2023.

Tính đến hết quý II/2024, vốn chủ sở hữu của Bất động sản Mỹ là 3.164,6 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 6,75 lần, tương ứng nợ phải trả 20.395 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu hơn 7.896 tỷ đồng.

Tương tự, 60 lô trái phiếu của Công ty cổ phần Cho thuê Bất động sản và Đầu tư TNL (tổng giá trị đáo hạn là 2.800 tỷ đồng), vốn có lịch đáo hạn gốc trong tháng 5/2025 đã được gia hạn ngày đáo hạn thông qua thỏa thuận với các trái chủ.

Ngày 12/5/2025, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát thông báo về việc gia hạn lô trái phiếu HPXH2123008. Trái chủ chấp thuận cho doanh nghiệp lùi ngày đáo hạn trái phiếu từ 28/4/2025 sang 30/6/2025. Lãi suất áp dụng cho thời gian gia hạn là 13,5%/năm. Dư nợ trái phiếu trong thời gian gia hạn là 60 tỷ đồng.

Trái phiếu mã HPXH2123008 được phát hành ngày 28/10/2021, giá trị phát hành 250 tỷ đồng. Ban đầu, trái phiếu có kỳ hạn 24 tháng. Tháng 7/2024, lô trái phiếu được kéo dài kỳ hạn thành 36 tháng. Đến tháng 10/2024, lô trái phiếu được kéo dài kỳ hạn thành 42 tháng, ngày đáo hạn mới là 28/4/2025. Do vẫn còn dư nợ (60 tỷ đồng) và chưa chuẩn bị được nguồn lực để thanh toán nên doanh nghiệp tiếp tục gia hạn trái phiếu tới ngày 30/6/2025.

Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên 2025 diễn ra ngày 26/4, Ban lãnh đạo Đầu tư Hải Phát cho biết, Công ty sẽ xử lý dứt điểm các khoản nợ trái phiếu và cam kết gia tăng sở hữu cổ phần, nhằm củng cố năng lực nội bộ và đồng hành với cổ đông trong quá trình tái cơ cấu và phục hồi hoạt động kinh doanh. Trước thềm đại hội, Công ty đã tất toán 300 tỷ đồng trái phiếu và dự kiến trong nửa cuối năm nay sẽ mua lại thêm 30 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ trái phiếu xuống khoảng 500 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp bất động sản khác là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Đại Thịnh Phát (Đại Thịnh Phát) tiếp tục công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán lãi trái phiếu đến hạn với lô trái phiếu DPJ12201, trị giá 500 tỷ đồng.

Bên cạnh việc thanh toán dư nợ trái phiếu quá hạn, không ít tổ chức phát hành đẩy mạnh việc đàm phán gia hạn với trái chủ.

Theo đó, đến ngày thanh toán theo danh nghĩa là 29/4/2025, Đại Thịnh Phát cần thanh toán hơn 5,3 tỷ đồng tiền lãi. Do tình hình kinh tế khó khăn kéo dài, Công ty đang làm việc với đối tác để cơ cấu tài sản và dòng tiền nên chưa thanh toán được số tiền trên đúng hạn. Doanh nghiệp đã thông báo kế hoạch thực hiện phương thức trả nợ cho nhà đầu tư và cập nhật tiến độ thực hiện định kỳ. Hiện tại, doanh nghiệp đang đàm phán để thống nhất với nhà đầu tư.

Đây không phải là lần đầu Đại Thịnh Phát chậm trễ trong việc thanh toán lãi trái phiếu. Chỉ trong tháng 4/2025, Công ty đã có 3 lần báo cáo chậm trả lãi trái phiếu vốn dĩ đến hạn trả.

Đại Thịnh Phát được biết đến là chủ đầu tư dự án Chung cư Marina Tower, quy mô 10.655 m2 tại Bình Dương. Công ty có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, hiện có 2 lô trái phiếu đang lưu hành, phát hành vào tháng 7 - 8/2022, kỳ hạn 2 năm và đều có lãi suất 12,5%/năm.

Vốn dĩ 2 mã trái phiếu trên đã hết hạn vào tháng 7 - 8/2024, nhưng tổ chức phát hành đã thông qua việc gia hạn thời gian lưu hành của 2 mã này thêm 1 năm.

Đến ngày 13/5/2025, Đại Thịnh Phát cập nhật thông tin, doanh nghiệp đã chi trả hơn 10 tỷ đồng cho 2 lô trái phiếu.

Phần lớn lượng trái phiếu có thời gian đáo hạn trong năm 2025 đã được gia hạn là của các doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, một số tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn với lượng trái phiếu có giá trị lớn trong quý I/2025 có thể kể đến Công ty TNHH Phát triển kinh doanh xây dựng 3, gia hạn 1 lô trái phiếu có giá trị 2.250 tỷ đồng, thời gian gia hạn 12 tháng; Công ty cổ phần Đầu tư và Cho thuê tài sản TNL, gia hạn nhiều lô trái phiếu có tổng giá trị hơn 2.900 tỷ đồng, thời gian gia hạn 24 tháng; Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam, gia hạn nhiều lô trái phiếu có tổng giá trị hơn 2.800 tỷ đồng, thời gian gia hạn 24 tháng; Công ty TNHH Đầu tư và Tư vấn Quản lý Biển Đông, gia hạn 1 lô trái phiếu trị giá hơn 1.300 tỷ đồng, thời gian gia hạn 24 tháng.

Chậm thanh toán gốc/lãi mới

Trong 4 tháng đầu năm 2025, có 3 trường hợp chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu mới được ghi nhận, với tổng giá trị 4.854 tỷ đồng.

Cụ thể, các trái phiếu chậm trả từ Công ty Xi măng Long Thành và Tập đoàn R&H phản ánh tình hình tài chính khó khăn khi cả hai doanh nghiệp liên tục báo lỗ trong giai đoạn 2022 - 2023, bởi những thách thức trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi - xi măng và bất động sản nghỉ dưỡng. Trái phiếu chậm trả còn lại, được phát hành bởi Công ty Xây dựng Tracodi, nằm trong số 5 trái phiếu bị đình chỉ giao dịch liên quan đến hệ sinh thái BCG.

Xi măng Long Thành cho biết, Công ty chậm thanh toán hơn 39 tỷ đồng tiền lãi của lô trái phiếu LTCCH2136001, do chưa thu xếp được nguồn thanh toán. Doanh nghiệp đang đàm phán với người sở hữu trái phiếu về việc điều chỉnh lịch thanh toán lãi và mua lại định kỳ trước hạn.

Lô trái phiếu LTCCH2136001 được phát hành thành nhiều đợt, với tổng giá trị 1.924,7 tỷ đồng. Dư nợ gốc theo mệnh giá tại ngày 19/2/2025 là 1.864,3 tỷ đồng.

Trong khi đó, Tập đoàn R&H cho hay, tính đến ngày 28/3/2025, do tình hình kinh tế khó khăn nên doanh nghiệp chưa thu xếp được nguồn vốn để trả hơn 54,2 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu mã RHGCH2124006. Công ty đang thương lượng với nhà đầu tư về việc thanh toán lãi.

Trái phiếu RHGCH2124006 có tổng mệnh giá 2,000 tỷ đồng, phát hành ngày 28/12/2021, kỳ hạn 60 tháng, đáo hạn vào 28/12/2026, lãi suất 11%/năm với kỳ hạn trả 3 tháng/lần. Trong kỳ trả lãi tới hạn ngày 28/3/2025, Tập đoàn R&H phải thanh toán với số tiền 54,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có 3.000 tỷ đồng trái phiếu RHGCH2124005, phát hành ngày 6/12/2021, kỳ hạn 60 tháng, đáo hạn vào 6/12/2026, với lãi suất 11%/năm và kỳ hạn trả lãi 3 tháng/lần.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục