Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Hướng dẫn thực hiện hóa đơn điện tử năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 24/1.
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký VCCI cho biết xu hướng phát triển công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin ngày càng hoàn thiện tạo thuận lợi cho phát triển hóa đơn điện tử.
Đối với doanh nghiệp, việc sử dụng hóa đơn có nhiều thuận lợi như giảm chi phí và thời gian trong việc in ấn, phát hành, gửi và lưu giữ hóa đơn giấy, đồng thời hạn chế việc làm giả hóa đơn.
Các doanh nghiệp Việt Nam muốn hội nhập cũng cần tiếp cận và áp dụng những giải pháp công nghệ mới để nâng tầm quản lý, bảo đảm năng suất, phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Còn ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) thông tin hiện Tổng cục Thuế đã hỗ trợ các doanh nghiệp lớn thuộc các lĩnh vực viễn thông, hàng không, điện lực, ngân hàng, cấp nước triển khai thành công hóa đơn điện tử và đã tạo sức lan tỏa cho các doanh nghiệp khác.
Việc sử dụng hóa đơn điện tử vừa góp phần giảm thời gian, chi phí về hóa đơn cho doanh nghiệp, vừa góp phần hạn chế các hành vi gian lận về hóa đơn, vừa giảm thời gian làn thủ tục hành chính về hóa đơn.
Theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Thuế, DN sử dụng hóa đơn giấy trung bình phải bỏ chi phí trên 1.000 đồng/hóa đơn và với số lượng 2,5 tỷ hóa đơn/năm thì chi phí mỗi năm bỏ ra lên đến 2.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, nếu sử dụng hóa đơn điện tử, số tiền mà DN có thể tiết kiệm được tới trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Còn ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định ngành thuế sẽ triển khai các giải pháp công nghệ để cung cấp các dịch vụ tra cứu, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng khác như quản lý thị trường, điều tra chống gian lận thương mại …
Khi có cơ sở dữ liệu về thuế ngành thuế, có điều kiện thống kê đánh giá toàn bộ các hoạt động mua bán trên thị trường.