Kỳ vọng sức bật từ EVFTA
Quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 ở các thị trường xuất khẩu nên có đến 12/13 doanh nghiệp thủy sản niêm yết công bố lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc VHC cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, kết quả kinh doanh của VHC cũng như các doanh nghiệp thủy sản khác gặp không ít khó khăn.
Nếu tình hình kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và trên thế giới diễn biến tích cực, VHC tự tin sẽ hoàn thành được kế hoạch kinh doanh 2020, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực, giúp giảm thuế nhập khẩu và mùa cao điểm xuất khẩu cá tra rơi vào quý IV.
EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020, mang đến triển vọng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này trong những tháng cuối năm 2020 và các năm sau đó.
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, một số mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu có mức thuế giảm từ 12 - 20% về 0% như tôm sú đông lạnh. Sau 5 - 7 năm, nhiều mặt hàng tôm khác sẽ được điều chỉnh mức thuế về 0%.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tháng 8/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 394,6 triệu USD, tăng gần 12% so với tháng 8/2019. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA khi thuế tôm nguyên liệu và sản phẩm tôm được giảm mạnh từ mức 12,5% và 20% xuống còn 0%. Hiện tại, tỷ trọng xuất khẩu của MPC vào EU là 11%. MPC đang chiếm 19% thị phần ngành tôm Việt Nam, các doanh nghiệp tôm lớn khác có thị phần dưới 6%, bao gồm Stapimex, FMC, THP, CMX.
Cơ hội của doanh nghiệp tôm còn đến từ thị trường Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn căng thẳng. Tháng 5/2019, Mỹ tăng thuế lên 25% đối với tôm chế biến từ Trung Quốc khiến thị phần tôm nước này dần chuyển sang tôm Việt Nam cũng như Indonesia, Ấn Độ.
Về mảng cá tra, mùa cao điểm xuất khẩu mặt hàng này thường rơi vào quý IV. Bức tranh xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đang dần sáng hơn, trong khi thị trường EU suy giảm sau khi Anh, một thị trường xuất khẩu cá tra tiềm năng của Việt Nam, rời khỏi liên minh. Tuy nhiên, các đơn hàng bị hoãn trong hai quý đầu năm do ảnh hưởng của Covid-19 được kỳ vọng sẽ dồn vào cuối năm.
Theo bà Tâm, thuế nhập khẩu đối với cá phi-lê đông lạnh sang EU từ 1/8/2020 giảm từ 5,5% xuống 4,13% và đến năm 2023 sẽ còn 0%.
Thuế nhập khẩu giảm tạo cơ hội cho cá tra Việt Nam cạnh tranh với các sản phẩm cá biển thịt trắng khác, đặc biệt là trong phân khúc dùng để chế biến các sản phẩm thực phẩm tiêu dùng khác như cá tẩm bột.
Ví dụ như cá pollock, từ lâu đã không chịu thuế nhập khẩu vào EU.
“Với việc EVFTA có hiệu lực, cùng với những nỗ lực khác của ngành, chúng tôi hy vọng thị trường EU có thể nhanh chóng trở lại là thị trường quy mô 500 triệu USD cho cá tra Việt Nam như những năm trước đây và tiếp tục phát triển, mở rộng tiêu thụ”, bà Tâm nói. Hiện tại, quy mô thị trường này đối với cá tra Việt Nam đạt khoảng 250 triệu USD.
Bên cạnh EVFTA, triển vọng những tháng cuối năm sẽ hứa hẹn hơn khi nhu cầu tại các thị trường lớn có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là từ mảng dịch vụ ăn uống ở Trung Quốc và việc tăng trữ hàng tồn kho tại Mỹ.
Vẫn còn nhiều thách thức
Có triển vọng sáng, song ngành thủy sản vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đầu tiên là dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại tại các thị trường xuất khẩu chính, đặc biệt là EU.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KBSV, xuất khẩu cá tra chỉ mới có dấu hiệu khởi sắc, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn thì dự kiến đến quý I năm sau xuất khẩu cá tra mới có thể tăng trưởng.
“Quý cuối năm là giai đoạn cao điểm của xuất khẩu cá tra, nhưng khi đánh giá cần xem xét diễn biến của đại dịch Covid-19 cả ở Việt Nam và trên thế giới. Điểm tích cực là thị trường xuất khẩu cá tra có dấu hiệu hồi phục nhanh hơn một số loài thủy sản khác do mức giá phải chăng, phù hợp với người tiêu dùng trong tình hình kinh tế khó khăn và các món ăn chế biến nhanh, mang tính đại chúng cao”, bà Tâm chia sẻ.
Bên cạnh đó, thuế chống bán phá giá có tác động đáng kể đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ.
Rủi ro luôn tiềm ẩn xoay quanh các vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến giá thành sản xuất, hồ sơ chứng từ, trợ cấp chính phủ và quy tắc xuất xứ.
Một số doanh nghiệp như VHC, MPC… đang hưởng thuế chống bán phá giá rất thấp hoặc được miễn thuế và trở thành những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn tại thị trường Mỹ.
Ngược lại, ANV đã rời khỏi thị trường Mỹ từ năm 2013 sau khi bị áp thuế chống bán phá giá cao. Gần đây nhất, MPC bị điều tra bán phá giá khi Mỹ cáo buộc doanh nghiệp này sử dụng tôm từ Ấn Độ để xuất khẩu và lách thuế chống bán phá giá Mỹ áp lên tôm Ấn Độ.
Ngoài ra, bên cạnh rủi ro về môi trường nuôi trồng thường thấy, doanh nghiệp thủy sản đang gặp những bất cập trong một số chính sách như quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì lô thủy sản xuất khẩu.
Đặc biệt, quy định về xác định sản phẩm “sơ chế” và “chế biến” trong ngành thủy sản chưa rõ ràng nên trong nhiều trường hợp, cơ quan thuế mặc định áp thuế thu nhập doanh nghiệp thủy sản là 20%, trong khi quy định thuế thu nhập doanh nghiệp chế biến thủy sản từ 0 - 15%.