Doanh nghiệp thủy sản “sống chung với lũ”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù xác định sẽ đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong năm 2021, nhưng các doanh nghiệp ngành thủy sản vẫn nỗ lực mở rộng cánh cửa xuất khẩu.
Sao Ta đang nỗ lực "tìm cơ trong nguy". Sao Ta đang nỗ lực "tìm cơ trong nguy".

Mục tiêu đem về 9,4 tỷ USD

Ngày 5/1, ngành thủy sản đã có lô hàng xuất khẩu mở màn cho năm nay. Đó là 8 container sản phẩm tôm chế biến, với tổng khối lượng 160 tấn của Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang. Lượng hàng này được xuất sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản.

Ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) cho rằng, triển vọng kinh doanh năm 2021 là một ẩn số, bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới. Theo kịch bản khả quan, Công ty có thể đạt tăng trưởng 10%. Ngược lại, doanh thu và lợi nhuận sẽ đi ngang so với năm 2020.

Đại dịch đã làm đứt gãy kênh tiêu thụ của MPC vào khối nhà hàng, khách sạn. Đây vốn là kênh có sản lượng tiêu thụ chủ đạo trong các năm trước. Hiện sản lượng bán vào kênh này đang phục hồi chậm.

Tuy vậy, theo ông Điệp, đang có tín hiệu tích cực từ kênh bán lẻ trong siêu thị. Mặc dù dịch bệnh nhưng người dân vẫn có nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, các sản phẩm tôm của MPC xuất sang các nước vẫn tiêu thụ được trong hệ thống kênh siêu thị.

Năm nay, MPC sẽ chuyển hướng sang xuất khẩu các loại tôm có kích thước nhỏ, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng để đẩy mạnh kênh bán hàng tại hệ thống siêu thị.

Theo đó, năm nay, MPC sẽ chuyển hướng sang xuất khẩu các loại tôm có kích thước nhỏ, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng để đẩy mạnh kênh bán hàng tại hệ thống siêu thị.

Thị trường xuất khẩu trọng điểm của MPC trong năm nay được xác định là EU, Mỹ, Nhật Bản, đặc biệt là EU để tận dụng chính sách thuế quan ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do EVFTA.

Dưới góc nhìn của lãnh đạo MPC, năm nay, ngành tôm Việt Nam có lợi thế trong xuất khẩu hơn các nước khác.

Tại nhiều quốc gia có truyền thống xuất khẩu tôm trên thế giới như Ấn Độ hay Indonesia, các đợt giãn cách xã hội khiến việc nuôi tôm của người dân bị ảnh hưởng, nguồn cung nguyên liệu sụt giảm.

Trong khi doanh nghiệp tôm Việt Nam chủ động được vùng nuôi trồng vẫn tăng trưởng ổn định nhờ Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành tôm vẫn mang lại giá trị kinh tế cao. Dự báo xuất khẩu tôm năm 2021 tăng 15% so với 2020, đạt 4,4 tỷ USD.

Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm nay vẫn là tôm, cá tra, cá biển, các loại thủy sản đông lạnh, thủy sản khô… và bổ sung một số mặt hàng có giá trị như cá ngừ, nghêu và một số đặc sản.

Các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã mở ra con đường xuất khẩu thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành thủy sản. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) phân tích, Hiệp định EVFTA sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam nhờ mức chênh lệch về thuế.

Thuế suất xuất khẩu các sản phẩm cá tra Việt Nam vào EU sau 3 năm hầu hết sẽ giảm về 0%, thấp hơn mức thuế của đối thủ cạnh tranh như Indonesia (4,5 - 9%), Trung Quốc (0 - 9%).

EVFTA: Mức chênh lệch thuế tạo cơ hội cho cá tra Việt Nam.

EVFTA: Mức chênh lệch thuế tạo cơ hội cho cá tra Việt Nam.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) xác nhận, các FTA được ký kết có tác động lớn tới các doanh nghiệp ngành thủy sản. Nếu dịch Covid-19 được đẩy lùi trong năm nay, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại các nước tăng cao, doanh nghiệp ngành thủy sản sẽ có một năm đầy tích cực. Còn với kịch bản Covid-19 vẫn tiếp diễn, VASEP đã tính đến các giải pháp “sống chung với lũ”.

Nhu cầu hồi phục về mức trung bình trước dịch. Nguồn: BSC.

Nhu cầu hồi phục về mức trung bình trước dịch. Nguồn: BSC.

Khi các nước khác khó khăn trong xuất khẩu do gặp khó về nguồn nguyên liệu thì Việt Nam với ưu thế chủ động vùng nuôi trồng, chế biến, chủ động chuỗi cung ứng sẽ dễ dàng được lựa chọn để mua hàng. Thế mạnh này cộng với nỗ lực của Việt Nam trong kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ giúp doanh nghiệp ngành thủy sản có nhiều cơ hội tốt.

Theo ông Hòe, năm 2021, ngành thủy sản đặt kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu 10%, dự kiến ước đạt khoảng 9,4 tỷ USD. Các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực để đạt được mục tiêu kể trên.

Trong đó, xuất khẩu tôm vẫn có mức tăng trưởng mạnh nhất: tăng 15%, đạt 4,4 tỷ USD, cá tra sẽ hồi phục với mức tăng 5%, đạt khoảng 1,6 tỷ USD; xuất khẩu các mặt hàng hải sản dự báo sẽ tăng 6%, đạt 3,4 tỷ USD.

Tại Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC), Chủ tịch Hội đồng quản trị Hồ Quốc Lực cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên thế giới chưa được kiểm soát, Công ty nỗ lực “tìm cơ trong nguy”.

Cơ hội và thách thức

Tại thị trường Nhật Bản, con tôm Việt Nam phải cạnh tranh với tôm Ấn Độ, vốn có chi phí sản xuất thấp hơn. Tuy nhiên, Việt Nam đang là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản và được hưởng nhiều lợi thế từ FTA song phương với Nhật Bản.

Với thị trường Mỹ, những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản như Sao Ta có thế mạnh khi sản phẩm chủ lực là cá tra và tôm có mức giá phù hợp với đa số người tiêu dùng Mỹ. Doanh nghiệp cũng kỳ vọng thời gian tới nhu cầu tiêu dùng tại thị trường này tăng mạnh.

EU dự kiến là thị trường được các doanh nghiệp thủy sản đẩy mạnh khai thác trong năm 2021. Kỳ vọng của các doanh nghiệp là đưa giá trị xuất khẩu thủy sản vào thị trường này lên trên 1 tỷ USD trong năm nay.

Theo Tổng cục Thủy sản, một số thị trường khác như Na Uy cũng rất tiềm năng cho sản phẩm tôm, cá ngừ của Việt Nam. Thị trường Anh, Thụy Sỹ, Nga, Nam Phi, Hồng Kong, Úc, Canada… vẫn có đà tăng trưởng tốt.

Nỗi lo Covid-19 vẫn còn ám ảnh và đây là rủi ro lớn của doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, theo Tổng thư ký VASEP, còn một số rủi ro khác mà các doanh nghiệp thủy sản sẽ phải đối mặt như rào cản chống bán phá giá tôm và cá tra tại thị trường Mỹ chưa có dấu hiệu chấm dứt trong 5 năm tới.

Ngoài ra, thẻ vàng IUU chưa được gỡ cũng ít nhiều ảnh hưởng tới xuất khẩu hải sản.

Đó là chưa kể, tại thị trường Trung Quốc, hàng thủy sản xuất sang bị kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, kiểm dịch và thủ tục sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang nước này trong năm 2021 có thể bị chậm lại ở một số thời điểm.

Các doanh nghiệp thủy sản thế giới đang duy trì đà phục hồi, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng trưởng trong năm 2021. Sức ép cạnh tranh do đó sẽ khốc liệt hơn.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục